Để cả cộng đồng thụ hưởng rau sạch (01/03/2016)

Trước hết xin phép được nói rõ thêm chút ít về mặt chữ nghĩa. Tôi sử dụng chữ “rau sạch" ở đây để chỉ cả rau an toàn (rau an toàn - RAT), rau sạch VietGAP và rau sạch hữu cơ.


Du khách trải nghiệm thu hoạch rau, củ tại Làng rau sạch Củ Chi, Tp.HCM. Ảnh: An Hiếu...

Sự thực là có một bộ phận sản phẩm rau ăn trong sản xuất, chế biến và trên thị trường bị nhiễm độc hóa chất BVTV, NO3, vi sinh vật gây bệnh dẫn đến gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Nhưng không đến mức kinh khủng như có người phát biểu trên 1 chương trình truyền hình “giờ đây rau bẩn, thịt bẩn, gạo bẩn… tràn lan đến nỗi mọi người không còn biết ăn gì cho an toàn".

Nên chăng "trả lại tên cho em"?

Trước hết xin phép được nói rõ thêm chút ít về mặt chữ nghĩa. Tôi sử dụng chữ “rau sạch" ở đây để chỉ cả rau an toàn (rau an toàn - RAT), rau sạch VietGAP và rau sạch hữu cơ.

Chương trình phát triển rau sạch ở nước ta được triển khai ở các địa phương từ cuối những năm 90 như ở TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tp.HCM, Lâm Đồng... với tên rau sạch. Và tên ấy được sự tin dùng và thông dụng của báo chí, người dân. Thế rồi không hiểu vì sao, tại các văn bản sau đó của Nhà nước lại đổi thành RAT? Có người nói, để dễ dịch ra tiếng Anh vì dùng chữ safe vegetable; thiết nghĩ vẫn có thể dịch như vậy và vẫn dùng tên rau sạch trong tiếng Việt?

Chúng tôi đề nghị vẫn nên quay lại dùng tên "rau sạch" để chỉ chung sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn ATTP, trong đó phân ra các mức từ thấp đến cao gồm: rau sạch an toàn, rau sạch VietGAP, rau sạch hữu cơ.

Rau sạch an toàn (safe vegetable) là rau được sản xuất với công nghệ vẫn còn sử dụng hóa chất nông nghiệp nhưng hạn chế, hợp lý hơn và sản phẩm đến người tiêu dùng phải đảm bảo 3 chỉ tiêu an toàn về dư lượng NO3, kim loại nặng, dư lượng hóa chất BVTV, dư lượng vi sinh vật gây bệnh cho người không vượt mức cho phép và đảm bảo khả năng truy tìm xuất xứ.

Ở loại này chủ yếu phải đảm tiêu chuẩn về ATTP. Đơn giản tối đa quy trình kỹ thuật sản xuất cũng như quy trình chứng nhận. Có thể cho cơ sở sản xuất tự chứng nhận và dán 1 loại tem RAT và tự chịu trách nhiệm. Đây là loại rau tiêu thụ rộng rãi ở các quầy rau sạch, các chợ hay khu chợ nông sản sạch có kiểm soát.

Rau sạch VietGAP là rau được sản xuất, chế biến với công nghệ sạch theo quy trình VietGAP được chứng nhận. Ở loại này coi trọng cả tiêu chuẩn ATTP, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm tiêu thụ ở các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn cao cấp và xuất khẩu.

Rau sạch hữu cơ là rau được sản xuất với công nghệ hoàn toàn không sử dụng hóa chất nông nghiệp, trong môi trường sinh thái sạch và an toàn, sản phẩm tuyệt đối an toàn với người tiêu dùng, không có các dư lượng độc hại và đảm bảo khả năng truy tìm xuất xứ.

Không nhầm lẫn

Theo các quy định hiện nay của Nhà nước ta, đặc biệt là các văn bản của Bộ NN-PTNT, có các loại diện tích rau an toàn sau:

Diện tích quy hoạch SX RAT: Tức là theo kế hoạch sẽ bố trí ở đó SX RAT.

Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện SX RAT: Tức là các diện tích đã được xác định đủ điều kiện SX RAT về chất lượng đất, nước, vị trí, nhân lực, kỹ thuật. Đây chưa phải là diện tích đã SX RAT. Sản phẩm ở đây vẫn chưa được sản xuất theo quy trình SX RAT, VietGAP hay hữu cơ và chưa được chứng nhận là RAT.

Diện tích SX RAT: Đây là diện tích nằm trong quy hoạch, đã được chứng nhận đủ điều kiện và đang thực hiện các quy trình sản xuất RAT. Nên nhớ về mặt thực tế sản phẩm nơi đây có thể đã là RAT nhưng chưa được chứng nhận sản xuất RAT theo quy định.

Diện tích được chứng nhận sản xuất RAT: Đây là diện tích đã được tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và chứng nhận đã thực hiện sản xuất RAT theo thời hạn 3 năm và được dán nhãn RAT, rau VietGAP.

Tuy nhiên trong thực tế, ở nhiều báo cáo thành tích, nhiều thông tin trên báo đài không biết người ta vô tình hay cố ý có nơi cứ nhầm diện tích được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT là diện tích RAT với sản lượng được làm ra tại đó là sản lượng RAT. Đây là sự nhầm lẫn tai hại cần chấm dứt.

Xin nêu vài ví dụ của những số liệu đúng (từ báo cáo của các chi cục BVTV):

Ở Vĩnh phúc: Diện tích quy hoạch RAT là 3.127 ha, diện tích đã xác định đủ điều kiện sản xuất RAT là 877 ha, diện tích được chứng nhận sản xuất RAT là 225 ha. (Số liệu năm 2013).

Hay ở Lâm Đồng năm 2012, diện tích được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất  RAT là 365 ha, diện tích được chứng nhận sản xuất RAT theo VietGAP và các GAP khác là 217 ha.

Bên cạnh đó một số báo cáo chuyên môn và thông tin từ báo đài về kết quả thực hiện đề án sản xuất RAT của Hà Nội cho thấy:

Mục tiêu của đề án là đến 2015 Hà Nội có 5.000-5.500 ha sản xuất RAT cho sản lượng RAT khoảng 320 ngàn tấn/năm.

Theo báo cáo đến năm 2013, Hà Nội đã đạt 4.500 ha RAT trong đó có 4.430 ha đủ điều kiện sản xuất RAT, 2.200 ha đang chỉ đạo sản xuất RAT và mới có 162 ha được chứng nhận sản xuất RAT theo VietGAP.

Tuy nhiên nếu hiểu đúng thì thực chất ở đây 5.500 ha là diện tích quy hoạch sản xuất RAT, 4.500 ha mới là diện tích được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Sản phẩm rau ở đây chưa chắc đã đạt tiêu chuẩn RAT mà mới có 162 ha thực sự cho sản phẩm RAT VietGAP được chứng nhận. Vì rau ở vùng đủ điều kiện sản xuất RAT đâu đã phải là RAT!

Vì vậy chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông cần hiểu rõ và tránh nhầm lẫn giữa các diện tích đó, để thực trạng sản xuất RAT của chúng ta được phản ánh chính xác, rõ ràng và minh bạch, tránh lầm lẫn cho cả người quản lý lẫn người tiêu dùng.

Làm rau sạch cho ai, ai làm rau sạch?

Khi làm rau sạch, theo chúng tôi, câu hỏi đầu tiên nhưng rất cơ bản và nhân văn cần được giải đáp là “làm rau sạch cho ai và ai làm rau sạch?".

Làm rau sạch cho ai? Hiện nay khi nói đến trồng RAT, rau hữu cơ… người ta đều tìm nơi tiêu thụ là các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, sứ quán với giá cao và đối tượng mua chủ yếu là người giàu.

Theo ý kiến một số chuyên gia, tỷ lệ nhóm tiêu dùng này hiện tại không quá 10-15% cư dân và chủ yếu ở thành phố. Chẳng lẽ trên 80% người Việt Nam, nhất là người nghèo, người ở nông thôn, lực lượng vũ trang, đông đảo học sinh, sinh viên, người lao động của chúng ta không có quyền được hưởng thụ rau sạch?

Theo chúng tôi và chắc là của rất nhiều người, chúng ta làm rau sạch trước hết cho người Việt Nam, cả người giàu, người nghèo, người già, thanh niên, trẻ em, người thành phố, nông thôn đều được hưởng thụ. Như vậy nếu đông đảo người tiêu dùng được sử dụng rau sạch thì đó là cộng đồng thụ hưởng rau sạch.

Như trên đã nói, nhu cầu rau sạch đa dạng, song nhìn chung có 3 loại: Đó là rau sạch an toàn, rau sạch VietGAP và rau sạch hữu cơ.

Theo tính toán và dự báo trong những năm tới, nhu cầu rau sạch tiêu dùng phổ cập cho cộng đồng (RAT) vẫn chiếm khoảng 70% sản lượng.

Còn nhu cầu rau sạch cao cấp chất lượng cao về VSATTP tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (rau VietGAP và rau hữu cơ) khoảng 30%, có sai khác giữa các vùng, giữa các cộng đồng dân cư.

Ai làm rau sạch? Một khi đã xác định làm rau sạch cho cả cộng đồng thì tất nhiên số lượng rau sạch sản xuất và tiêu thụ phải lớn. Không thể chỉ là của một số doanh nghiệp hay trang trại, càng không thể chỉ sản xuất trong nhà lưới, nhà kính!

Nhiều người ước tính ở Tp. Hà Nội số diện tích nhà kính, nhà lưới thực sự hiện không quá 300 ha, dù có đầu tư lớn đến 1.000 ha cũng chỉ chiếm chưa đến 10% diện tích trồng rau hàng năm (12.000 ha) và như thế giỏi lắm cũng chỉ đáp ứng 10% tiêu dùng. Ở Tp.HCM cũng vậy. Tình hình cả nước còn thấp hơn nhiều.

Như vậy để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng rau sạch của đông đảo mọi người chúng ta phải có nhiều người biết làm và tham gia làm rau sạch, làm rau sạch trên diện tích đại trà ngoài đồng ruộng không nhà lưới, nhà kính.

Nếu đông đảo nhà nông bao gồm nông dân, trang trại, doanh nghiệp làm rau sạch thì đó là cộng đồng sản xuất rau sạch. 

Bên cạnh đó để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau sạch cao cấp, chất lượng cao về VSATTP, rau hữu cơ cần có một bộ phận nhà nông được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuyên canh, thực hiện tiêu chuẩn RAT GAP hoặc tiêu chuẩn nhà nhập khẩu.

Lực lượng sản xuất này chủ yếu phải là các doanh nghiệp, trang trại, HTX chuyên canh rau, gắn sản xuất với chứng nhận chất lượng sản phẩm và tiêu thụ, có thương hiệu và nhãn hàng hóa.

Nếu câu hỏi trên được trả lời thì rất nhiều vấn đề về phát triển rau sạch phải có sự thay đổi hoặc điều chỉnh, từ nhận thức đến chính sách, đầu tư, công nghệ, đào tạo, pháp lý, chứng nhận, tổ chức sản xuất, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, giá cả.

Hai mô hình sản xuất rau sạch

Từ những suy nghĩ trên, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu để áp dụng mô hình rau sạch cộng đồng và mô hình sản xuất rau sạch VietGAP và hữu cơ...

* Mô hình rau sạch cộng đồng có mấy đặc điểm sau:

Thứ nhất, đó là cộng đồng về SX rau sạch với mục tiêu nhiều người biết và tham gia trồng rau sạch, SX rau sạch đại trà ngoài đồng ruộng trên quy mô rộng và ngày càng lớn để có sản lượng rau sạch ngày càng cao. Giá thành SX rau sạch đại trà không cao hơn rau bình thường.

Thứ hai, đó là cộng đồng về tiêu dùng rau sạch với mục tiêu nhiều người được hưởng thụ rau sạch, làm sao tỷ lệ rau sạch trên thị trường ngày càng lớn, trước hết là RAT. Hình thành các quầy bán rau sạch và các chợ hay khu chợ bán nông sản sạch phục vụ đông đảo người tiêu dùng.

Thứ ba, đó là cộng đồng về mặt lợi ích trong phát triển rau sạch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và xã hội, bao gồm cả lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường và sức khỏe.

* Mô hình rau sạch VietGAP và rau sạch hữu cơ:

Mô hình này có một số đặc điểm chủ yếu sau:

Sản xuất ra rau sạch đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao cấp, có đòi hỏi cao hơn về VSATTP, chấp nhận giá cao hơn, cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Sản xuất được quy hoạch thành vùng tập trung, có đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp điều kiện sản xuất RAT, có cơ chế chính sách hỗ trợ.

Chủ yếu do các doanh nghiệp, trang trại sản xuất theo quy mô lớn.

Thực hiện quy trình SXNN tốt – GAP theo các quy định của Nhà nước hoặc nước nhập khẩu. Được tổ chức chứng nhận độc lập có tư cách pháp nhân chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hay tương tự.

Gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua các hợp đồng kinh tế giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ.

Sản phẩm có thương hiệu, bao bì đóng gói, nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, được tiêu thụ ở các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn cao cấp, phục vụ xuất khẩu.

Nút thắt phát triển rau sạch

Chương trình SX rau sạch ở nước ta được triển khai trên 15 năm. Chương trình rau VietGAP cũng chính thức được mở ra gần 10 năm nhưng kết quả còn rất hạn chế, nhìn vào thực tế sản xuất và tiêu dùng, so sánh với mục tiêu đề ra của QĐ 207/TgCP thì rõ ràng chưa thành công, nhiều nơi, nhiều khi thất bại.

Vậy nút thắt nằm ở đâu?

Theo chúng tôi, có 3 vấn đề chủ yêu sau:

Thứ nhất, về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật chúng ta đặt ra cho loại RAT đại trà quá cao, rập khuôn như rau VietGAP bao gồm cả chỉ tiêu về ATTP, vệ sinh môi trường, lao động, xuất xứ mà phần lớn quy chuẩn lại rập khuôn máy móc từ nước ngoài, trong khi đối với loại RAT này chỉ cần trước hết tiêu chuẩn ATTP.

Thứ hai, đó là khâu tiêu thụ, thời gian qua còn bị xem nhẹ, trong khi nó đang là khâu quyết định. Thời gian qua đã thiên về đầu tư kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa có những chính sách về mặt lợi ích, pháp lý, tổ chức, đầu tư, chứng nhận… để người tiêu dùng phân biệt, nhận biết được rau sạch trong khâu lưu thông, tin tưởng vào chất lượng rau sạch.

Chưa có biện pháp pháp lý, hành chính, kinh tế để tạo áp lực tiêu dùng rau sạch đến người kinh doanh rồi từ đó người kinh doanh lại có áp lực về nhu cầu rau sạch đến người sản xuất, tạo nên một chuỗi sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng rau sạch.

Việc thông tin, truyền thông nhiều khi thiếu chính xác về hiện trạng rau tạo tâm lý lo sợ, hoang mang quá mức cho người tiêu dùng.

Thứ ba, cần sớm tổ chức lại sản xuất, đặc biệt hình thành các vùng sản xuất RAT, rau VietGAP, rau hữu cơ. Với sự tham gia ngày càng nhiều và hiệu quả của các doanh nghiệp, trang trại sản xuất và kinh doanh rau sạch.

Theo TRƯƠNG QUỐC TÙNG Phó chủ tịch Hội KHKT BVTV Việt Nam
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 111
Tổng truy cập: 37012987