18 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí về giống, vôi, phân hữu cơ vi sinh, thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học và 100% chi phí đánh giá, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện mô hình từ lúc chọn địa điểm, chọn giống, kỹ thuật làm đất, chăm sóc, bón phân và tưới nước theo tiêu chuẩn an toàn; cách thu hoạch, phân loại và sơ chế.
Niềm vui của nông dân trồng ớt khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại kết quả khả quan. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Kỹ sư Nguyễn Đình Toàn, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát, cho hay: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm phải có thời gian cách ly trước khi thu hoạch nhằm đảm bảo khi đưa ra thị trường tiêu thụ không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, từ đó nâng cao được giá trị sản phẩm.
Kết quả triển khai cho thấy, giống ớt chỉ thiên lai F1 699 GoLD được áp dụng trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ mọc cao đạt trên 90%, các đối tượng sâu bệnh hại như bọ trĩ, rầy mềm, sâu xanh, sâu đục quả, các bệnh thối đít trái, thán thư, héo xanh… giảm hơn hẳn so với trước đây, mức độ gây hại không đáng kể. Cây ớt cho quả dài 7 - 7,5 cm, hình dáng đẹp, năng suất đạt 220 tạ/ha, cao hơn so với đối chứng 20 tạ/ha, lợi nhuận đạt 522 triệu đồng/ha, cao hơn so với đối chứng là 81 triệu đồng/ha.
Ông Lê Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát, cho biết: Việc sản xuất cây ớt đạt tiêu chuẩn VietGAP đã tạo ra được sản phẩm an toàn, mang lại năng suất và thu nhập cao cho người dân. Đồng thời nâng cao trình độ sản xuất và nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông chuyển giao và nhân rộng mô hình để giúp bà con từng bước tiếp cận, áp dụng vào sản xuất, góp phần đem lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống gắn với xây dựng nông thôn mới.