Phát triển chuỗi giá trị nông sản là sứ mệnh (04/01/2016)

Ông Mori Mutsuya cho biết, đến nay Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc mở rộng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, áp dụng theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao độ an toàn cho nông sản.

Trong khuôn khổ chiến lược trung và dài hạn Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản được chính phủ hai nước ký kết, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, ông Mori Mutsuya (ảnh) đã có cuộc trao đổi với Báo NNVN.

Ông Mori Mutsuya cho biết, đến nay Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc mở rộng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, áp dụng theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao độ an toàn cho nông sản.

Kết quả là, gạo, cà phê và hạt tiêu đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Tiêu biểu nhất là hồi tháng 11/2015, xoài của Việt Nam đã bắt đầu được xuất sang Nhật Bản, khởi đầu cho hoạt động xuất khẩu đa dạng các loại hoa quả sang các nước.

Thưa ông, sau hơn 2 năm chính thức nhận cương vị Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, ông đánh giá hoạt động hợp tác đầu tư đã đạt được những tiến triển nào và phải đối diện với thách thức gì?

Tôi cho rằng, hiện ngành sản xuất trong nước đã có những phản ứng nhanh nhạy với cơ chế thị trường và thành công nhất chính là lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu hướng đến xuất khẩu.

Tháng 8 năm nay, tầm nhìn trung và dài hạn trong xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm, thông qua liên kết giữa Chính phủ và đầu tư tư nhân đã được ban hành.

Chủ thể chính là nông dân và những người thuộc doanh nghiệp nông nghiệp. Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân.

Kể từ khi sang nhận công tác tại Việt Nam vào tháng 6 năm 2013 đến nay, tôi cảm thấy đặc biệt vui mừng khi các lãnh đạo Việt Nam đề nghị tôi hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp vì tầm quan trọng của nông nghiệp trong tầm nhìn trung và dài hạn.

Hiện JICA đã phối hợp với Bộ NN-PTNT, chính quyền địa phương các tỉnh như Nghệ An, Lâm Đồng, Hà Nam và những đối tác thuộc khu vực tư nhân để thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ tầm nhìn trung dài hạn.

Mô hình nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng là Dự án Hợp tác Kỹ thuật về Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An.

Trong khuôn khổ hợp tác, mô hình “Sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng” được thử nghiệm, với các hoạt động cần thiết nhằm thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp, bao gồm từ việc sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, giống và phát triển giống, trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu, với xuất phát điểm là dựa vào nhu cầu của thị trường, nghĩa là tìm hiểu xem mọi người muốn mua gì.

Ngoài ra, dự án cũng xây dựng mô hình “Diễn đàn chia sẻ, trao đổi thông tin song phương”, nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin về thị trường nông sản, chăn nuôi và thông tin về người sản xuất.

Đã có những hoạt động như lựa chọn các cơ sở sản xuất trong số 400 DN nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp tại Nghệ An. Ngoài ra, cũng cần tìm ra các DN đầu tư, đặt hàng sản xuất, trong đó nếu được thì nên là các nhà đầu tư nước ngoài.

Dựa trên kết quả này, Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch hành động thúc đẩy nông nghiệp tỉnh Nghệ An mang tính thực tiễn cao sẽ được hình thành.

Hiện JICA dự kiến sẽ áp dụng mô hình công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam để ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) trong nông nghiệp và hiện đang kiểm chứng khả năng sử dụng ICT trong quản lý quy trình khép kín từ lập kế hoạch canh tác, trồng trọt đến bán hàng, nhằm thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp tại Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Cty Nông nghiệp AEON Nhật Bản. Mặt khác, JICA cũng góp phần vào sự phát triển chuỗi giá trị thực phẩm với kỹ thuật của DN nhỏ và vừa của Nhật Bản.

Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề và thử thách. Trước tiên là độ an toàn. Với tư cách là một người sống tại Hà Nội, nguyện vọng của tôi chính là có thể an tâm ăn rau.

Tiếp theo là mức độ chế biến thấp, với trên 90% sản phẩm được tiêu thụ chưa qua chế biến và chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Tôi cho rằng, khi thu nhập của người dân tăng lên, cuộc sống ngày càng bận rộn thì nhu cầu về sản phẩm chế biến sẽ ngày càng cao.

Xin ông nói rõ hơn những rào cản trong sự phát triển của nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại?

Thứ nhất là vấn đề xử lý sau thu hoạch tại Việt Nam hiện chưa đầy đủ như thiếu cơ sở bảo quản lạnh khiến tình trạng rau hỏng khi tới thị trường tiêu thụ trầm trọng hơn.

Thứ hai, các loại nông sản hầu như không được phân loại nên giá sản phẩm tốt cũng như sản phẩm kém đều giống nhau, làm mất dần ý thức cải thiện chất lượng của người sản xuất.

Thứ ba, do nghi ngờ về tính an toàn, nên cho dù có sản xuất rau an toàn cũng không có thị trường để bán được giá cao.

Thứ tư, mô hình liên kết tiêu thụ nông sản ở VN hiện nay khá phức tạp. Ví dụ, thương lái thu mua, số tiền đã trừ chi phí và bán hàng mấy ngày sau mới được trả, nên người nông dân không thể dự toán được lợi nhuận của mình nên ngại đầu tư tiếp tục sản xuất.

Thứ năm, cho dù mục tiêu là hướng tới xuất khẩu nhưng với chi phí đầu vào như đất và phân bón cao, thì năng lực cạnh tranh cũng không có…

Vậy theo ông hướng giải quyết những vấn đề này sẽ bắt đầu từ đâu?

Chính bởi các vấn đề phức tạp đan xen nên cần phải xem xét xây dựng chính sách dựa trên quan điểm chuỗi giá trị từ sản xuất đến bán hàng.

Mặt khác, ở mỗi giai đoạn của chuỗi giá trị, lại có rất nhiều các cơ quan khác nhau của Chính phủ cùng chịu trách nhiệm như Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm SX; Bộ Công thương chịu trách nhiệm khâu tiêu thụ nông sản, Bộ KH-ĐT phụ trách cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp nông nghiệp, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; Bộ TN-MT và Bộ KH-CN cũng có liên quan. 

Tôi cho rằng, đây cũng là vấn đề cần sửa đổi tháo gỡ trong thời gian tới.

Cơ sở nào để JICA hướng đến bản hợp tác chiến lược về nông nghiệp với Việt Nam, thưa ông? 

Nông nghiệp là lĩnh vực có tác động thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, từ hoạt động đầu tư ban đầu như phân bón – nguyên liệu đầu vào, máy nông nghiệp, máy phân loại đến chế biến thực phẩm, thiết bị dùng để chế biến thực phẩm và xa hơn nữa là phát triển nông nghiệp đa ngành như du lịch nông nghiệp.

Từ tháng 9/2014 đến tháng 11/2015, JICA đã tiến hành cuộc khảo sát nhằm thu thập và phân tích các thông tin cơ bản về các nguồn lực trong nông nghiệp bao gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, điều kiện tự nhiên, các quy định... cũng như phỏng vấn các DN Việt Nam và Nhật Bản, các nhà đầu tư tiềm năng, các cán bộ chính quyền và nông dân.

Cuộc khảo sát làm rõ tiềm năng và yếu tố cản trở cũng như xác định mô hình phát triển kinh doanh nông nghiệp để tối ưu hóa sáng kiến của các DN tư nhân – một nhân tố không thể thiếu trong ngành nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Nhận diện các thách thức trong phát triển chuỗi giá trị nông sản, theo ông Mori: Đối với nông dân và doanh nghiệp thì (1) Khó tiếp cận với nguồn vốn vay do điều kiện thế chấp chặt chẽ, (2) Thiếu công nghệ, nghiên cứu có tính ứng dụng, (3) Không có các thông tin trực tiếp về người tiêu thụ. Đối với DN nước ngoài thì khó tiếp cận đất đai; thiếu những đối tác kinh doanh tuân thủ hợp đồng; thiếu các cơ hội đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển và cơ sở hạ tầng yếu kém.

Theo TRẦN DOANH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 228
Tổng truy cập: 37043037