Chăn nuôi không kháng sinh, khó đến đâu? - Thực trạng báo động đỏ (24/04/2019)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc diện cao nhất thế giới và một trong những nguyên nhân đến từ việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Nguy hại của việc lạm dụng kháng sinh

Cùng với WHO, Tổ chức Nông lương liên hợp Quốc FAO cũng đã nhiều lần cảnh báo việc lạm dụng kháng sinh ở các trang trại gia súc, gia cầm ở Việt Nam để chữa, phòng dịch bệnh hay kích thích tăng trưởng đã làm tăng khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn, gây nguy cơ lớn tới tương lai giống nòi.


Tỷ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam đang ở mức báo động

Theo FAO, việc thuốc kháng sinh sử dụng cho động vật dùng không đúng cách có thể giúp vi khuẩn phát triển thành siêu vi khuẩn kháng thuốc. Khi bị bệnh do những siêu vi khuẩn này gây ra không có loại thuốc kháng sinh nào có thể chữa được nên tỷ lệ tử vong thường rất cao, có khi lên tới 100%.

Các nhà khoa học và bác sĩ làm việc tại Khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai mới đây đã chia sẻ, vi khuẩn E.coli hiện nay đã kháng kháng sinh Carbapenem, Colistin, những loại kháng sinh được coi là vũ khí cuối cùng để điều trị. Tỷ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn E.coli so với năm 2009 đã tăng tới 30-40%. Thậm chí, tỉ lệ kháng thuốc của E.coli tại một số tỉnh phía Nam còn lên tới hơn 74%; Tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae xấp xỉ 60%; Vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) kháng hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%.

Đặc biệt, hiện tại Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng kháng 2 nhóm kháng sinh và toàn kháng kháng với tất cả kháng sinh. Chính bởi vậy nên trong khi nhiều nước phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 điều trị vẫn mang lại hiệu quả, tại Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Trong khi đó, từ 1983-1987, Cơ quan Quản lý Dược và thực phẩm Mỹ mới chỉ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh. Còn từ năm 2008 đến nay, không có thêm kháng sinh mới nào được tìm ra. Viễn cảnh tương lai khi các loại vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh mạnh nhất mà con người đã tạo ra thực sự rất khủng khiếp, khi ấy con người có thể chết chỉ vì những vết thương đơn giản.

Chính vì vậy WHO liên tục cảnh báo, hiện mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc và dự báo đến năm 2050 cứ ba giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm, cao hơn cả tỉ lệ chết do bệnh ung thư. 

Thơ ơ, thiếu hiểu biết kháng kháng sinh

TS. Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, dù kháng sinh đóng vai trò rất quan trọng trong phòng và trị bệnh vật nuôi không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới, song ở Việt Nam thời tiết khí hậu biến đổi thất thường, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi rất phổ biến.


Tỷ lệ sử dụng kháng sinh để phòng và điều điều trị bệnh trong chăn nuôi gia súc gia cầm tại Việt Nam

còn khá phổ biến

Tại Việt Nam lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn bắt đầu từ đầu được áp dụng từ 1/1/2018 (Nghị định số 39/2017/NĐ-CP). Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế quy định này đưa lại hiệu quả chưa cao do các khâu đồng bộ liên quan như, quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt, vắc xin phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi sử dụng các giải pháp thay thế kháng sinh.

Bên cạnh đó, ý thức của cơ quản lý nhà nước, cơ sở SX, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, hệ thống bác sỹ thú y, người chăn nuôi về kháng sinh còn thấp nên tình trạng lạm dụng, thậm chí sử dụng bất hợp pháp kháng sinh trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để.

Kết quả điều tra của Cục Thú y về việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại 5 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Nam Định) cho thấy, gần 100% trang trại lớn sử dụng kháng sinh để phòng và điều trị bệnh, 68% trang trại lợn sử dụng thức ăn hỗn hợp chứa kháng sinh nhằm phòng bệnh và kích thích tăng trưởng.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, ước tính hàng năm ngành chăn nuôi sử dụng xấp xỉ 50 tấn kháng sinh cho chăn nuôi gia cầm và gần 1.000 tấn kháng sinh cho chăn nuôi lợn. Kháng sinh được các trang trại lợn sử dụng phổ biến và nhiều nhất là Amoxicillin, Tylosin, Tetracyclin, Lincomycin, Gentamycin, Tylosine, Enrofloxacin, Neomycin.

Mới đây nhất, thông qua Dự án các giải pháp về an toàn sinh học, giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn và gia cầm do Quỹ Nghiên cứu và Tư vấn Việt - Bỉ tài trợ tháng 10/2018 - 3/2019, Viện Chăn nuôi

(Bộ NN-PTNT) đã trực tiếp khảo sát, đánh giá tại các hộ chăn nuôi lợn, gia cầm ở Hà Nội, Đồng Nai cho thấy người chăn nuôi vẫn sử dụng kháng sinh thường xuyên với tần suất cao.

TS Ngô Thị Kim Cúc, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi Quốc gia cho biết, tất cả các hộ chăn nuôi lợn, gà được điều tra đều sử dụng kháng sinh phòng trị bệnh, tự trộn vào thức ăn, nước uống để phòng bệnh hoặc tiêm điều trị bệnh. Người chăn nuôi sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau để phòng trị bệnh theo kinh nghiệm của mình, chỉ những trường hợp khó với gọi đến bác sĩ thú y.

Trong khi đó, đa phần bà con chăn nuôi thờ ơ hoặc không hiểu rõ về liều lượng kháng sinh cần thiết, thời gian sử dụng phù hợp, cách ly bao lâu… Do vậy, nguy cơ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm động vật tới lúc giết mổ là rất cao, qua đó góp phần trực tiếp vào việc tăng tỷ lệ kháng kháng sinh ở vi khuẩn.

“Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy đa phần người chăn nuôi không biết các quy định pháp luật về danh mục và hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều người chăn nuôi chưa quan tâm hoặc không biết đến nguy cơ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm cũng như nguy cơ kháng kháng sinh ở vi khuẩn. Không hiểu rõ về sự nguy hiểm của hiện tượng kháng kháng sinh ở vi khuẩn đối với sức khỏe con người và vật nuôi. Đây là thực trạng cần được quan tâm đặc biệt nếu nền chăn nuôi của Việt Nam muốn hội nhập và mở cửa”, TS. Ngô Thị Kim Cúc.

Theo WHO và FAO, có ba nguyên nhân chính dẫn tới việc gia tăng tỷ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam, đó là việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh trên người thiếu khoa học, do tiếp xúc trực tiếp giữa người và vật nuôi dẫn tới sự trao đổi, lan truyền các loại vi khuẩn kháng kháng sinh và một nguyên nhân nữa do ăn các sản phẩm từ động vật còn tồn dư kháng sinh hoặc có chứa các vi khuẩn kháng kháng sinh.

Theo NGUYỄN HUÂN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 324
Tổng truy cập: 38758767