Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội giúp thanh niên xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả
Nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Chương, Nghệ An qua các đơn vị ủy thác đang phát huy tối đa hiệu quả góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn. Nhiều mô hình kinh tế mới với cách làm hay, hiệu quả cao được xây dựng. Người dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu ngay trên quê hương của mình.
Một trong những điển hình đó là anh Trần Văn Kiên (trú tại xóm 5, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương Nghệ An với mô hình chăn nuôi gà và lợn thịt thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Kiên ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An nuôi gà được theo tiêu chuẩn VietGAP. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo động lực giúp anh Kiên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Anh Kiên tốt nghiệp đại học Nông nghiệp Hà Nội với chuyên ngành thú y. Sau thời gian bôn ba, thậm chí có quãng thời gian 4 năm “xuất ngoại” làm việc tại Nhật Bản nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập chẳng được là bao.
Anh Kiên quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Với kiến thức chuyên môn, đầu tiên anh Kiên làm nghề thú y, giúp người dân trên địa bàn trị những căn bệnh khó cho đàn vật nuôi.
Vận dụng những kiến thức học được, anh Kiên bắt tay vào chăn nuôi lợn, gà. Nhờ nắm vững kỹ thuật, quá trình sinh trưởng của vật nuôi nên anh Kiên rất “mát tay”, đàn lợn, gà phát triển tốt, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, vì không có vốn, anh phải thuê chuồng trại để chăn nuôi nên chi phí cao.
Trong lúc khó khăn, anh Kiên tiếp cận được nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội về cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội như một động lực lớn. Anh Kiên quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô để nuôi lợn và gà thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội giúp anh Kiên phát huy tối đa kiến thức đã học, đàn lợn khỏe mạnh, lớn nhanh. Anh Kiên thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
“Nhờ nguồn vốn hơn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi mạnh dạn vay mượn thêm để xây dựng 100m2 chuồng nuôi lợn và 120m2 chuồng để nuôi gà theo tiêu chuẩn hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Trên diện tích này, tôi nuôi 1.500 con gà/lứa và 50 đến 60 con lợn thương phẩm. Bên cạnh đó, tôi dự kiến sẽ nuôi thêm 10 con lợn nái để chủ động nguồn giống”, anh Kiên chia sẻ.
Anh Kiên nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, kiến thức học được bây giờ đã phát huy tối đa hiệu quả. Đàn gà khỏe mạnh, lớn nhanh. Đàn lợn cũng sinh trưởng tốt, con nào cũng béo tròn.
Liên kết tìm đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho mình, giúp nhiều người cùng phát triển kinh tế
Để chủ động đầu ra cho đàn gà, anh Kiên đã liên kết với nhiều nhà hàng ở thành phố Vinh và các vùng phụ cận. Cá nhân anh Kiên cũng tìm hiểu rõ tiêu chuẩn của từng nhà hàng để cung cấp sản phẩm phù hợp. “Gà Thanh Chương thì đã nổi tiếng từ xưa đến nay, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Mình cần nuôi đúng phương pháp, đảm bảo chất lượng thịt thì đầu ra sẽ ổn định. Nhiều nhà hàng cũng đã đồng ý bao tiêu sản phẩm”, anh Kiên vui vẻ cho biết thêm.
Tuy nhiên, các nhà hàng cần số lượng lớn, nguồn hàng ổn định. Một mình anh Kiên sẽ khó đáp ứng được yêu cầu này. Vì thế, anh Kiên đã liên kết với các hộ dân nuôi gà trong vùng, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi để đảm bảo chất lượng.
Anh Kiên tiếp tục đầu tư, xây dựng chuồng trại để nuôi gà và lợn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Từ đó có thể chủ động được nguồn hàng, cung cấp đều và thường xuyên cho các nhà hàng. Với hình thức liên kết này, anh Kiên đang giúp chính bản thân mình tăng thu nhập mà còn hỗ trợ được nhiều gia đình khác phát triển kinh tế.
Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội “rót” đúng nơi, về tay người đang cần, không chỉ giúp một hộ dân phát triển kinh tế mà còn lan tỏa giúp nhiều gia đình khác phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả nguồn vốn vay. Từ đó, kịp thời động viên bà con trong sản xuất, kinh doanh, để nguồn vốn chính sách nhân văn của nhà nước phát huy hiệu quả cao nhất.
Ông Dương Lê Long – Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết: Năm 2024, doanh số cho vay của đơn vị đạt gần 280 tỷ đồng, với 4.587 lượt khách hàng. Bằng nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, trở thành hộ khá. Không ít trường hợp người vay trả nợ trước thời hạn, có dư, quay lại gửi tiết kiệm.
Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức các buổi tập huấn cho các đơn vị ủy thác gồm Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, chính quyền các địa phương, tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ vậy, nguồn vốn ưu đãi đã đến tay người dân đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy được hiệu quả tích cực. Qua đó, đóng góp quan trọng cùng chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.