Hà Nội: Điểm nhấn chăn nuôi công nghệ cao (25/09/2017)

Phát triển chăn nuôi công nghệ cao (CNC), xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và tạo ra các vùng chăn nuôi trọng điểm, quy mô lớn là những nội dung được tập trung bàn luận tại Hội thảo Giải pháp phát triển chăn nuôi ổn định, hiệu quả và bền vững do Sở NN-PTNT tổ chức vào sáng 21/9.

Tăng giá trị 1,5 lần

Theo ông Bùi Quang Hải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho nhân dân, trong những năm gần đây, các địa phương ngoại thành Hà Nội đã đẩy mạnh chăn nuôi tương đối nhanh và toàn diện. Đặc biệt, về mặt chất lượng, đã xuất hiện những nhân tố mới giúp chăn nuôi phát triển tốt. Đã hình thành khu vực nuôi trọng điểm theo quy mô hàng hoá, chất lượng cao, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi.

Chăn nuôi giống gia súc, gia cầm bản địa, chăn nuôi sinh học và hữu cơ bắt đầu hình thành phát triển tiêu thụ sản phẩm với giá bán cao, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.


Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu tại hội nghị

Điển hình là chăn nuôi lợn hữu cơ tại trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) cung cấp cho thị trường 1,5 tấn thịt/ngày, thời điểm giá lợn xuống đáy 15.000 đồng/kg thời gian qua, trang trại này vẫn bán ổn định 41.000 đồng/kg, thậm chí nhiều thời điểm không phục vụ hết nhu cầu người tiêu dùng.

Tuy đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng ông Hải cho rằng, việc tổ chức thị trường tiêu thụ trên địa bàn thành phố chưa tốt, tâm lý thích dùng lợn tươi, tiện mua bán tại các chợ của người tiêu dùng chưa được tuyên truyền, vận động để thay đổi theo hướng tiêu dùng thịt mát, thị đã qua sơ chế.

“Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM-Effective) của Nhật Bản. Giá thành của thịt lợn thường cao gấp 2 – 3 lần thịt lợn thông thường, dao động trong khoảng 200 – 250 ngàn đồng/kg. Đây là một trong những hướng đi mới mà TP Hà Nội đang khuyến khích nông dân ứng dụng”.

Mặt khác, thành phố đã đầu tư thêm nhiều xí nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhưng hiện nay mới chỉ hoạt động 15 – 20% công suất. Trong cùng điều kiện, TP Hồ Chí Minh có đến 80% gia súc, gia cầm được giết mổ tại các xí nghiệp giết mổ, thịt lợn được gắn mã ghi rõ nơi sản xuất sản phẩm được kiểm định an toàn. 

Hướng đi ra sao?

Một trong những định hướng quan trọng của ngành chăn nuôi Hà Nội, đó là phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2020 hình thành các khu, trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Qua đó góp phần tăng năng suất và giá trị từ 1,5 – 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống hiện nay.

PGS, TS Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban Khoa học- Công nghệ, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, người đã dầy công nghiên cứu tình hình chăn nuôi của TP Hà Nội cho rằng, thực tế các trang trại chăn nuôi trên địa bàn TP mới chỉ ứng dụng công nghệ cao một tỷ lệ nhỏ.

Đối với chăn nuôi bò sữa chỉ có 78% sử dụng hệ thống chống nóng; 85% trại sử dụng máy vắt sữa; 40% trang trại lợn và 35% sử dụng hệ thống chuồng ín, làm mát. Theo lý giải của ông Đức, có thể là do chi phí đầu tư để ứng dụng CNC phải cần đến nguồn vốn lớn, trình độ nguồn nhân lực phải cao, am hiểu được kỹ thuật công nghệ cao.

Ông Tạ Văn Tường, GĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, chia sẻ: Muốn chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả thì dứt khoát phải chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Đến nay, Hà Nội phát triển được 23 chuỗi (11 chuỗi thịt, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi sữa bò tươi và 2 chuỗi tổng hợp).

ác chuỗi này thu hút gần 3.000 hộ và gần 100 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. Hàng ngày, chuỗi đã cung cấp cho thị trường khoảng 25,4 tấn thịt lợn, 0,35 tấn thịt bò, 13,3 tấn thịt gia cầm, gần 300.000 quả trứng gia cầm và 78 tấn sữa.

Hiện nay, mắt xích quan trọng nhất của chuỗi liên kết vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm. Do đó, ông Tường kiến nghị TP cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển hệ thống cửa hàng tiện tích, kết hợp với bán hàng qua mạng để sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao đến tay nhiều người tiêu dùng hơn.

Chia sẻ về quá trình xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, theo ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, vai trò của tổ chức hội là vô cùng quan trọng.

"Hàng ngày, Hội của chúng tôi đứng ra tổ chức “mua chung, bán chung”, giúp các hộ chăn nuôi giảm chi phí đầu vào, đồng thời lựa chọn các đơn vị cung cấp thức ăn, thuốc thú y uy tín, chất lượng. Hội cũng xây dựng quy chế quản lý chuỗi và chất lượng chung của chuỗi mà tất cả các thành viên phải tuân thủ", theo ông Đông.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân: Với các giải pháp tổng thể về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống vật nuôi; quy hoạch phát triển chăn nuôi theo các xã, vùng trọng điểm; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, ngành chăn nuôi của Hà Nội đã có tốc độ phát triển vượt bậc trong những năm qua, kể cả cải thiện năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hàm lượng KH- CN trong sản phẩm chăn nuôi.

Đề nghị TP cần đẩy mạnh giải pháp chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, gắn với môi trường sinh thái để tạo ra sản phẩm thông thái giá trị cao vượt trội; sản xuất theo hướng “một công nghệ, một sản phẩm” nhằm tạo ra chất lượng sản phẩm đồng nhất.

 

Theo ĐỒNG THÁI (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 170
Tổng truy cập: 39558723