Phát triển trang trại chăn nuôi hàng hóa (20/01/2017)

Cùng với sự phát triển trồng trọt, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã không ngừng mở rộng cả về số lượng và chất lượng trang trại chăn nuôi...


Một trang trại bò sữa ở thị xã Thái Hòa

Theo Ban Chấp hành Hội Kinh tế trang trại thị xã Thái Hòa, tính đến tháng 12/2016 toàn thị xã có 95 trang trại và gia trại, tập trung ở các địa phương như xã Nghĩa Thuận, Đông Hiếu, Tây Hiếu, Nghĩa Hòa, Nghĩa Tiến, Nghĩa Mỹ. Loại hình trang trại chăn nuôi chiếm doanh thu lớn nhất. Tổng giá trị doanh thu bình quân 500 triệu đồng/năm, có xu hướng tăng nhanh.

Điển hình là trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc, kết hợp chăn nuôi gà thả vườn, ngan, ba ba, cá nước ngọt của chị Nguyễn Thị Cầu, xóm Phú An, xã Tây Hiếu đạt tổng doanh thu 2,9 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt là số trang trại chăn nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh, tổng số 11 trang trại, bình quân số đầu bò sữa đến nay 16 con/trang trại. Các trang trại bò sữa đồng loạt xây dựng chuồng trại theo kiểu mới, trang bị nhiều loại máy móc, sử dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp tạo ra năng suất sữa cao. Năng suất sữa bình quân từ 17 lít đã lên 25 lít/con/ngày; đặc biệt có con bò sữa trên 30 lít/con/ngày. Trang trại bò sữa của anh Trần Duy Đức ở xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Mỹ, tổng doanh thu mỗi năm 1,8 tỷ đồng/năm.

Chăn nuôi bò sữa có liên kết hợp đồng bao tiêu nên giá cả sản phẩm ổn định. Doanh thu trang trại bò sữa đạt phổ biến từ 1,1 - 2 tỷ đồng/năm. Đặc biệt trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Hồ Sỹ Điều, xã Nghĩa Tiến mỗi năm doanh thu 2,4 tỷ đồng.

Cùng với trang trại bò sữa, trang trại chăn nuôi lợn tăng nhanh. Đến nay đã có 7 trang trại đầu tư chuồng trại theo hướng hiện đại, thay đổi chuồng lợn nái chuồng nền lên chuồng sàn, thay đổi ô lợn thịt từ 10 con/ô lên 50 - 100 con/ô, sử dụng nhiều thiết bị tự động, lợn thịt tăng trọng đạt 30kg/tháng. Số trang trại lợn thịt tăng 200 con/lứa lên 500 con/lứa.

Cá biệt có trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của chị Nguyễn Thị Hoa, xã Nghĩa Mỹ, doanh thu mỗi năm 5,8 tỷ đồng, bình quân trang trại thu hút lao động thường xuyên là 5 người và lao động thời vụ là 15 người, lương bình quân đạt 4,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, so với tiềm năng đất đai, con người trên địa bàn và quy mô trang trại chăn nuôi ở các tỉnh khác thì quy mô trang trại trên địa bàn thị xã Thái Hòa vẫn còn khiêm tốn. Để kinh tế trang trại thực sự tạo sức mạnh mới trong nông nghiệp, cần tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, tổ chức đào tạo bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ quản lý, kiến thức thị trường cho các chủ trang trại và người lao động, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất...

Các trang trại cần liên kết với các doanh nghiệp hoặc hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp tìm đối tác để ký kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tạo ra sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo NGUYỄN MINH THẢO (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 166
Tổng truy cập: 37055579