Chăn nuôi phía Bắc hội nhập (26/10/2016)

Theo số liệu thống kê, tổng giá trị các sản phẩm chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc năm 2015 xấp xỉ 123 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,9% tổng giá trị ngành chăn nuôi cả nước...


Các đại biểu tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp giải đáp thắc mắc cho người chăn nuôi

Nhằm giúp bà con nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi sang hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng trong bối cảnh hội nhập, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tình hình hội nhập kinh tế khu vực phía Bắc”.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm 25 tỉnh thành phía Bắc mấy năm nay có xu hướng biến động mạnh. Tổng đàn trâu từ 1,82 triệu con năm 2010 giảm còn 1,54 triệu con năm 2015; Tổng đàn bò từ 1,69 triệu con năm giảm còn 1,44 triệu con; Tổng đàn lợn từ 13,9 triệu con giảm còn 13,1 triệu con năm 2013 và tăng lên 13,9 triệu con năm 2015. Đặc biệt, sản lượng gia cầm liên tục tăng 143,5 triệu con năm 2010 lên 161,5 triệu con năm 2015.

Cũng theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trong những năm qua cơ cấu, sản lượng chăn nuôi nước ta có sự dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng từ Nam ra Bắc. Nếu như trước đây chăn nuôi trang trại, chăn nuôi quy mô lớn chủ yếu tập trung ở phía Nam, nay có xu hướng dịch chuyển dần ra phía Bắc.

Theo số liệu thống kê, tổng giá trị các sản phẩm chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc năm 2015 xấp xỉ 123 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,9% tổng giá trị ngành chăn nuôi cả nước. Tổng số trang trại tại miền Bắc thống kê năm 2013 là trên 5.000, chiếm 37% số trang trại chăn nuôi cả nước. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nhỏ lẻ đang là 55,8: 44,2%.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, nhằm hỗ trợ tối đa cho người chăn nuôi phía Bắc trong hội nhập cũng như cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực chăn nuôi, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia luôn đặc biệt chú trọng chuyển giao các mô hình mới trong chăn nuôi tới người dân, qua đó đã triển khai và quản lí 10 dự án khuyến nông Trung ương lĩnh vực chăn nuôi, quy mô gần 520 nghìn con với trên 6.000 hộ tham gia.


Chăn nuôi tại phía Bắc cần những bước chuyển dịch mạnh mẽ để hội nhập

Tại diễn đàn, các đại biểu đều thống nhất quan điểm và cho rằng, phát triển chăn nuôi phía Bắc trong thời gian tới phải theo hướng hàng hóa, cơ chế thị trường với 5 khâu đột phá về giống, khoa học công nghệ, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nguồn lực và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bên cạnh đó cần đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Trong đó, điển hình có những dự án triển khia có hiệu quả và được nhân rộng như: Phát triển kỹ thuật chăn nuôi và vỗ béo gia súc lớn; Cải tạo đàn trâu; Phát triển chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học; Chăn nuôi lợn an toàn sinh học áp dụng VietGAHP; Phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học áp dụng VietGAHP…

Riêng giai đoạn 2012 - 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trực tiếp triển khai thêm 7 dự án với quy mô gần 250 nghìn con/7.700 hộ tham gia.

Đó là mô hình Phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm quy mô xã; Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ; Sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc; Cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ; Thú y cộng đồng kết hợp thụ tinh nhân tạo…

Tại diễn đàn, với sự tham gia của lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ NN-PTNT, cán bộ ngành nông nghiệp một số địa phương tại phía Bắc cũng như đông đảo bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc rất tâm huyết của bà con nông dân về những vấn đề chính sách, kỹ thuật xung quanh nội tại ngành chăn nuôi...

Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề chăn nuôi lợn chịu ảnh hưởng và chi phối về giá rất lớn từ thị trường Trung Quốc; Vấn đề bức bách ô nhiễm môi trường và xử lí chất thải trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi, song theo kiến nghị của bà con, để tiếp cận được các chính sách này thủ tục còn rất nhiều khê cũng như nhiều còn nhiều rào cản.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu tham dư thảo luận rất sôi nổi liên quan tới con giống, kỹ thuật, chuồng trại, dịch bệnh trong chăn nuôi… đều được các chuyên gia, nhà quản lý, kỹ sư, bác sỹ có mặt tại diễn đàn giải đáp chi tiết, tận tình, thấu đáo.

“Trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế hiện nay, bà Hạ Thúy Hạnh - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi tại phía Bắc như sau:

Thứ nhất, chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ phân tán nhỏ lẻ sang tập trung, theo quy hoạch, hàng hóa có kiểm soát;

Thứ hai, có những giải pháp mạnh mẽ cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng con giống;

Thứ ba, có giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm;

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ khâu thú ý, vacxin, phong bệnh, giết mổ, chế biến;

Xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi hàng hóa và cuối cùng tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền".

Theo NGUYÊN HUÂN - TRIỆU LONG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 138
Tổng truy cập: 36960689