Nuôi dê xóa nghèo bền vững (13/08/2016)

Trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển đàn gia súc gia cầm, đang được nhân dân nhân ra diện rộng. Trong đó lợi thế nhất đối với dân nghèo ở khu vực miền núi là phát triển đàn dê.


Trạm KN Tân Kỳ kiểm tra đàn dê mới cấp cho hộ Phan Huy Đạt tại xã Tân Xuân

Trong xóm tôi ở tại TX Thái Hòa có nhà anh Toản, chị Hà làm trang trại trên huyện Quỳ Hợp. Khi hỏi chuyện về chăn nuôi dê, chị Hà bảo: “Trang trại nhà em rộng, cây cỏ trong rừng, trong trại rất nhiều nên trước đây nhà em nuôi từ 200 - 300 con dê. Việc nuôi dê của nhà em đơn giản, sáng thả dê ra, rồi chiều tối lại lùa về chuồng. Biết tin trang trại nhà em nuôi dê nhiều nên ngày nào cũng có khách đến đăng ký xin mua hàng tạ. Tuy nhiên vì không biết cách áp dụng kỹ thuật chăn nuôi nên đàn dê phát triển chậm, lại sinh bệnh nhiều, nên đàn dê cứ thế, vơi dần. Đến nay trang trại của nhà em chỉ còn nuôi tới 70 con”.

Ông Phan Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Qùy Hợp phân tích: "Nuôi dê không khó, nhưng nuôi như thế nào để đạt hiệu quả cao thì không thể nói là dễ. Thứ nhất là chuồng trại phải cao ráo sạch sẽ, mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Cách chăn thả cũng không thể tùy tiện, giống dê thích hợp với môi trường khô ráo, buổi sáng lúc cây lá còn ướt đẫm sương đêm hoặc ngậm nước mưa là dê không ăn được, nếu ăn vào dê dễ bị mắc chứng đầy hơi, chướng bụng, sau nữa là sinh bệnh lở mồm, long móng, tụ huyết trùng. Khi phát hiện trong đàn có con nào mắc triệu chứng lạ, biếng ăn là phải cách ly ngay để mua thuốc đặc trị. Định kỳ các hộ nuôi dê phải dùng thuốc tiêm phòng và tẩy khuẩn chuồng trại.

Ông Tâm cho biết, Qùy Hợp có lợi thế rừng xanh, cây cỏ nhiều, trước đây dân bản nào cũng nuôi dê, tuy nhiên mỗi hộ chỉ nuôi vài ba cặp, cốt là để phục vụ nhu cầu thực phẩm liên hoan đình đám cho gia đình. Thấy giá dê cao, công chăn thả không đáng bao nhiêu nên cũng có nhà nuôi tới hàng trăm con. Thế nhưng do không biết cách áp dụng kỹ thuật chăn nuôi nên đàn dê không thể nào phát triển được.

Để giúp nông dân phát triển đàn dê trong mục tiêu xóa nghèo, hàng năm Trạm KN Qùy Hợp đều đến các bản làng tổ chức các đợt tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Năm 2014 với nguồn kinh phí từ ngân sách huyện, Trạm KN đã xây dựng 4 mô hình chăn nuôi dê tại xã Thọ Hợp. Tổng đàn dê của 4 mô hình này có 40 con (bình quân mỗi con nặng 15kg) cấp cho 4 hộ gia đình.

Quy cách xây dựng chuồng trại, thức ăn tinh bổ sung, kỹ thuật chăm sóc và quá trình phát triển đàn dê đều do cán bộ kỹ thuật của Trạm KN trực tiếp hướng dẫn cho các hộ gia đình.

Kết quả đến nay đàn dê mô hình phát triển tốt, bình quân mỗi con dê cái 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa đẻ được 2 con. Đánh giá về các mô hình này, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, cán bộ KN xã Thọ Hợp cho biết: "Các mô hình này đã là bài học thực tiễn để cho bà con nông dân biết cách áp dụng kỹ thuật chăn nuôi. Chính vì vậy, trong hai năm nay dân Thọ Hợp đã nhân rộng mô hình chăn nuôi dê lên đến trên 1.000 con".

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, bình quân một con dê cái mỗi năm sinh sản được 3 con (2 năm 3 lứa, mỗi lứa 2 con), sau 10 - 12 tháng thì xuất chuồng, dê đực nặng 30kg, giá bán 140 nghìn đồng/kg; dê cái ít nhất cũng được 20kg, giá bán 120 nghìn đồng/kg.

Như vậy một con dê cái mỗi năm sinh 3 con được 75kg, với giá bán bình quân 130 nghìn đồng/kg thì thu được gần 10 triệu đồng. Trừ hết chi phí, mỗi hộ chỉ cần nuôi 10 con dê cái thì mỗi năm ít nhất cũng thu lãi được 60 triệu đồng, trong lúc đó công chăn thả và thu hái thêm cỏ, lá chỉ cần một người lao động.

Vừa qua, chúng tôi đến huyện Tân Kỳ để chia sẻ niềm vui với nông dân khi được Trạm KN huyện cấp dê cho các hộ nghèo. Ông Nguyễn Đình Hùng, Trạm trưởng Trạm KN Tân Kỳ hớn hở: "Trong nhiều năm qua trạm đã xây dựng thành công nhiều mô hình SX, chăn nuôi để giúp nông dân biết cách đưa TBKT áp dụng vào cuộc sống. Trong đó có mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi cá thịt, SX cá giống…

Hiện trạm đang thực hiện 5 mô hình chăn nuôi dê, với tổng đàn 45 con, được triển khai tại 5 hộ gia đình nghèo ở xã Tân Xuân. Mỗi hộ được cấp 9 con dê có trọng lượng bình quân 20 kg/con (8 con cái, 1 con đực), chuồng trại do các hộ làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Trước lúc cấp dê cho các hộ, Trạm KN đã đến huyện Nghĩa Đàn để chọn lựa rất cẩn thận và dê đã được tiêm phòng các loại bệnh. Trong quá trình thực hiện mô hình, Trạm KN đã giao trách nhiệm cho cán bộ kỹ thuật hàng ngày trực tiếp đến các hộ gia đình để theo dõi sự phát triển của đàn dê, đồng thời hướng dẫn cho các hộ biết cách chăn thả, cho dê ăn thêm lá, cỏ và thức ăn tinh tại chuồng.

“Qua theo dõi ở nhiều địa phương, chúng tôi thấy nhiều gia đình có điều kiện làm trang trại, họ đã nuôi hàng trăm con dê để làm giàu. Tuy nhiên đối với nông dân, mỗi hộ chỉ nuôi 10 - 20 con dê và biết cách áp dụng kỹ thuật, thì nguồn lợi mỗi năm đem về là rất khá. Đây là mô hình xóa nghèo bền vững và hiệu quả nhất cho dân”, ông Nguyễn Đình Hùng, Trạm trưởng Trạm KN Tân Kỳ nhấn mạnh.

Theo HỒ QUANG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 162
Tổng truy cập: 38547328