Chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ tại cơ sở (18/12/2015)

Thành phố Hà Nội có 18 huyện, thị với 4,2 triệu người dân sống tại vùng nông thôn, chiếm trên 50% dân số theo nhân khẩu của Thủ đô.


Nhờ liên kết, người chăn nuôi không lo sản phẩm bị ép giá

Nơi đây chứa đựng truyền thống văn hóa lâu đời và những tập quán của dân tộc Việt Nam và cũng là nơi cung cấp sản phẩm nông nghiệp chính cho Thủ đô.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội là địa phương đứng tốp đầu cả nước về đầu con và sản lượng, sản xuất giống vật nuôi, cung cấp giống cho hầu hết các tỉnh trong cả nước.

Vùng ngoại thành Hà Nội cũng là một thị trường tiêu dùng lượng hàng hoá lớn với 828 chợ nông thôn. Những chợ lớn ở xã đông dân cư tiêu thụ hàng ngày từ 4 - 5 tấn thịt các loại.

Vì vậy, việc phát triển thị trường ở khu vực này song song với việc phát triển sản xuất để cạnh tranh và hội nhập quốc tế là vô cùng quan trọng. Mang tính chất nền tảng cơ sở để sản xuất cạnh tranh thắng trên "sân nhà" và góp phần nâng cao khả năng hội nhập quốc tế.

Với góc nhìn như vậy, hiện nay Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đang tích cực tư vấn cho các địa phương xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm khép kín ngay trên địa bàn xã sở tại.

Đây là hình thức liên kết rất thuận lợi khi mà cơ bản các xã ngoại thành Hà Nội đều có chợ truyền thống để tiêu thụ sản phẩm. Đều có các hộ bán thịt, giết mổ và chăn nuôi cùng trên địa bàn 1 xã.

Đồng thời chính quyền địa phương có đủ các điều kiện cần thiết để chỉ đạo thành công việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm ngay trên địa bàn của xã mình.

Đó là, có cán bộ thú y cơ sở được hưởng chế độ như viên chức nhà nước, có bộ máy tổ chức chính quyền và các tổ chức chính trị, các đoàn thể, hội, đài truyền thanh của xã để thông tin tuyên truyền…

Nếu lãnh đạo các xã quan tâm chỉ đạo thì các liên kết này sẽ chắc chắn thành công, đem lại lợi ích ổn định cho người chăn nuôi, người dân được sử dụng thực phẩm an toàn và có cơ sở chắc chắn để tin tưởng vào chất lượng thực phẩm mà mình sử dụng.

Mặt khác, khi hội nhập quốc tế thì thực phẩm nhập ngoại dù có rẻ chúng ta vẫn có thể cạnh tranh được.

Việc liên kết chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ tại địa phương như trên là việc liên kết các tác nhân từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm khép kín trong 1 xã.

Cách thức liên kết là người cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi với người chăn nuôi (liên kết giữa người chăn nuôi với người chăn nuôi để thành tổ chức liên kết như chi hội, hiệp hội, hội chăn nuôi tiêu thụ, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi… Từ đó xây dựng chuỗi chăn nuôi tiêu thụ hoặc để thành tổ chức có đủ sức mạnh liên kết với các doanh nghiệp…), người giết mổ và tiêu thụ sản phẩm tại chợ truyền thống ở địa phương liên kết với nhau để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế có sự ràng buộc chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

Sau này, để thực hiện được nhiệm vụ của Trung tâm là xác nhận sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc thì các khâu trong liên kết khi cung cấp sản phẩm đều phải lấy mẫu có niêm phong lưu mẫu và chịu sự quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng.


Một lễ ký hợp đồng liên kết chăn nuôi - tiêu thụ

Khi cơ quan chức năng đột xuất phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường mà có vi phạm thì kiểm tra phân tích các mẫu niêm phong sẽ truy ra ngay khâu nào làm sai phạm.

Điều đó là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn những sai phạm ảnh hưởng tới xã hội và cũng là cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho chuỗi.

Để triển khai thực hiện nội dung này, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã có 2 văn bản gửi tới các huyện để phối hợp triển khai thực hiện. Đã lựa chọn các doanh nghiệp cung cấp đầu vào, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi để tư vấn kết nối tham gia vào xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.

Đã đi khảo sát tại cơ sở và tổ chức nhiều hội nghị tư vấn với các phòng ban chuyên môn của các huyện, lãnh đạo các xã, các chủ hộ chăn nuôi, giết mổ, bán thịt tại các địa phương.

Kết quả đến nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tư vấn xây dựng được 3 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thịt lợn an toàn được nuôi bằng thức ăn sinh học với sự vào cuộc của các huyện, UBND các xã nhằm gắn chăn nuôi với giết mổ và tiêu thụ ngay địa phương, cụ thể tại xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ; xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai; xã Vân Tảo, huyện Thường Tín.

Thời gian tới đây, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tư vấn xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương. Đây là việc làm mới cần có nhiều công phu tỉ mỉ. Để thành công không thể thiếu sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo các địa phương và sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn.  

Theo TẠ VĂN TƯỜNG (GĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 326
Tổng truy cập: 38810791