Hỗ trợ nông dân làm giàu từ vật nuôi bản địa (04/08/2023)

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách hỗ trợ người nông dân trong việc phát triển kinh tế, làm giàu bền vững từ vật nuôi bản địa.


C
ác HTX chăn nuôi lợn Móng Cái đang được hỗ trợ trong việc liên kết sản xuất theo chuỗi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chăn nuôi nông hộ chiếm tỉ trọng lớn

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã từng bước chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại. Do yếu tố địa hình đồi núi nên vẫn duy trì chăn nuôi nông hộ, tuy nhiên sẽ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Nhờ đó, số lượng trang trại chăn nuôi ngày càng tăng so với trước. Nếu như năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 214 trang trại chăn nuôi thì đến nay lên đến 240 trang trại. Nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP được cấp giấy chứng nhận.

Cùng với đó, các địa phương còn chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến những vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có các vùng chăn nuôi tập trung như vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái, vùng chăn nuôi gà ở huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà. Các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên diện tích 1.340ha. 4 năm qua, toàn tỉnh cũng đã triển khai 15 nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng trang trại, gia trại và sản xuất khép kín.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, ngành chăn nuôi hiện vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức để có thể đạt được mục tiêu đặt ra. Trong đó, phải kể đến dịch bệnh trên động vật vẫn có diễn biến phức tạp.

Điển hình như năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 97 ổ dịch, tăng 2,7 lần so với năm 2020, bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi Thú y, nguyên nhân dịch bệnh gia tăng là do các hộ dân chăn nuôi nhỏ dẫn đến việc các điều kiện về an toàn sinh học chưa được đảm bảo.

Theo thống kê, chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trong quá trình chăn nuôi ước tính 650 tấn/ngày đêm. Trong đó, số ít được xử lý qua hệ thống biogas, số còn lại xả thẳng ra môi trường và tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, vùng nông thôn, miền núi.

Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với ngành chăn nuôi là các địa phương vẫn chưa quan tâm dành quỹ đất để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Thống kê cho thấy, trong 12 dự án cơ sở giết mổ tập trung của 11 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các địa phương như Đông Triều, Hạ Long, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Ba Chẽ, thì mới có 2 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên đến nay chưa có dự án nào đi vào hoạt động. 

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, thực tế hiện nay đối với ngành chăn nuôi trong tỉnh, mô hình nông hộ còn chiếm tỷ trọng lớn, tới 96%, nên rất khó sản xuất theo chuỗi giá trị. Chưa kể việc nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn sự bấp bênh trong công tác tiêu thụ, vệ sinh môi trường và kiểm soát an toàn dịch bệnh.


Hỗ trợ giống gà bản Đầm Hà cho bà con dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hỗ trợ phát triển vật nuôi bản địa

Xác định chăn nuôi là ngành tiếp tục có vai trò quan trọng và còn nhiều dư địa để phát triển, cuối năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 214/KH-UB về phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, đặt ra những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2025, như nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt trên 60%. Mỗi địa phương có ít nhất một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 70%. Đến năm 2030, có ít nhất 2 trung tâm sản xuất giống lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, đáp ứng 100% nhu cầu giống trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh ngoài.

Để hoàn thành mục tiêu này, theo ông Trần Xuân Đông, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, cụ thể, tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt là vật nuôi bản địa như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, gà bản Đầm Hà. Cùng với đó, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ vào trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

Tháng 3/2021, UBND huyện ban hành Quyết định số 771/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở: Ứng dụng khẩu phần thức ăn tự phối trộn từ nguồn nguyên liệu sẵn có nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi gà Tiên Yên thương phẩm. Dự án này do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện.

Sau khi hoàn thành điều tra thực trạng sản xuất chăn nuôi gà Tiên Yên trên địa bàn huyện trong tháng 4/2022; hiện có 3 cơ sở chăn nuôi tại 3 xã là Yên Than, Phong Dụ, Đông Ngũ, trực tiếp tham gia Dự án từ các khâu lựa chọn con giống, đặt mua máy trộn thức ăn... với quy mô 3.600 con; tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 1,5 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp KHCN ngân sách huyện và vốn của đơn vị chủ trì, vốn đối ứng của đơn vị phối hợp.

Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở chăn nuôi nói riêng, huyện Tiên Yên nói chung. Quy trình chăn nuôi được đồng nhất ở tất cả các trang trại, đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường về thực phẩm an toàn; góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP gà Tiên Yên.

Hiện nay trên địa bàn huyện Tiên Yên có tổng đàn gà Tiên Yên thương phẩm đạt gần 620.000 con. Năm 2023, toàn huyện phấn đấu duy trì, phát triển quy mô sản xuất giống đạt 13.000 gà bố, mẹ, sản xuất trên 1 triệu con giống gà Tiên Yên/năm; tổng đàn gà Tiên Yên thương phẩm xuất bán đạt trên 1,2 triệu con.

Nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, liên tục, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện, những năm qua huyện Tiên Yên đã tích cực phát triển chăn nuôi bằng các chính sách hỗ trợ giống, lãi suất vốn vay cho các hộ nuôi và HTX, doanh nghiệp.

Với sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp huyện, đến nay trên địa bàn đã thu hút các công ty, HTX tham gia sản xuất giống và nuôi tập trung như Công ty CP Phát triển chăn nuôi và nông - lâm - ngư nghiệp Phúc Long; HTX Sản xuất giống gà bản địa Tiên Yên; HTX Tuyền Hiền cung cấp giống gà bản Đầm Hà.


Các sản phẩm OCOP từ vật nuôi bản địa ở Quảng Ninh đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tại huyện Đầm Hà, anh Lưu Văn Bình, một trong những hội viên nông dân tiêu biểu ở xã Tân Bình, đã thành công trong mô hình nuôi gà bản Đầm Hà thương phẩm. Anh Bình cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, đồng hành, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, như vay tín chấp lãi suất thấp từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt... đã giúp anh thêm mạnh dạn, quyết tâm khởi nghiệp và hiện có thu nhập khoảng trên 200 triệu mỗi năm.

Hay như ở xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), ai cũng nhắc đến chị Dương Xám Múi, người phụ nữ dân tộc Dao là tấm gương tiêu biểu vươn lên thoát nghèo. Chị Múi cho biết, trước đây cuộc sống của hai vợ chồng chỉ dựa vào vài sào ruộng cấy, đi làm keo thuê, thu nhập bấp bênh, không ổn định và là hộ nghèo của xã.

Cuối năm 2018, chị tham gia lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Lâm tổ chức và được học các kiến thức chăn nuôi. Đồng thời, chị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Với kiến thức được trang bị, chị quyết định lựa chọn chăn nuôi gà bản Đầm Hà do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu.

“Với 100 triệu đồng vay từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đầm Hà, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi 250 con gà bản Đầm Hà theo mô hình chăn thả. Nhờ có kinh nghiệm nuôi trước đó và được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa bệnh của Hội Phụ nữ xã nên việc chăn nuôi rất ổn định, gà phát triển đồng đều”, chị Múi kể.

Có thể nói, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt là các giống vật nuôi bản địa, giúp người dân xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ đó, giúp tăng thu nhập cho người dân cũng như phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững.

Tỉnh Quảng Ninh đang có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bao gồm: Dự án liên kết sản xuất được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà lưới, nhà xưởng, bến bãi, máy móc, thiết bị, cơ sở phục vụ cho quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (bao gồm cả sản xuất giống nông lâm thủy sản); tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân sách hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; tổng mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Theo nongnghiep.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 142
Tổng truy cập: 38853086