'Cứu' người trồng bơ, sầu riêng bằng cách phát triển theo chuỗi (20/08/2018)

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đăk Nông, cây bơ của tỉnh chưa tạo được thương hiệu trên thị trường, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa SX, chế biến và tiêu thụ.

Cơn sốt giống bơ mới lan nhanh các tỉnh Tây NguyênĐáng lo ngại cơn sốt bỏ cây công nghiệp đổ xô trồng cây 'tiền tỷ' sầu riêng ở Tây Nguyên

Việc phát triển cây sầu riêng, bơ trên địa bàn thời gian qua mang tính tự phát, chạy theo thị trường dẫn đến nguy cơ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, gây thiệt hại cho người SX. Đó là chưa kể nguy cơ phá vỡ quy hoạch đang hiện hữu…


SX sầu riêng theo công nghệ cao ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng

Do trồng ồ ạt, không theo quy trình kỹ thuật mà chủ yếu sản xuất bằng kinh nghiệm là chính nên 2 năm qua, nhiều người trồng bơ Booth bị mất mùa do mưa lớn vào thời điểm cây ra hoa. Trong khi bài học từ việc phát triển quá “nóng” cây hồ tiêu vẫn còn đó. Chỉ sau một thời gian ngắn, diện tích hồ tiêu của tỉnh đã đạt gần 30.000ha (gấp 4 lần so với quy hoạch năm 2020).

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết, theo quy hoạch của ngành nông nghiệp Đắk Nông, đến năm 2020, diện tích các loại cây cây ăn quả khoảng 7.000ha. Nhưng riêng diện tích trồng bơ hiện đã lên tới 6.000ha và sầu riêng 1.000ha. Rõ ràng, việc mở rộng diện tích hai loại cây này đã phá vỡ quy hoạch.

"Trước mắt, Hội Nông dân sẽ có những hướng dẫn và khuyến cáo, tuyên truyền để bớt phát triển nóng, đảm bảo đầu ra. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức kêu gọi, mời gọi các doanh nghiệp đến Đắk Nông để liên kết cùng với nông dân, tạo ra sản phẩm đảm bảo theo chuỗi giá trị", ông Gấm cho hay.

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bơ vẫn là một trong những cây trồng tiềm năng và có thể trở thành một loại nông sản thế mạnh đặc trưng của tỉnh. Bởi Đắk Nông có điều kiện tự nhiên phù hợp, đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, phù hợp SX bơ. Thực tế, người dân cũng trồng thành công nhiều giống bơ chất lượng cao.

"Đắk Nông đang tập trung chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Oganic cho trái bơ. Phát triển song song cả hai dòng bơ. Các loại bơ sáp nội địa, bơ 034, bơ Cuba chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước. Còn các giống bơ có trọng lượng trái nhỏ hơn, đặc biệt là bơ Hass sẽ được quy hoạch vùng trồng phù hợp để xuất khẩu", bà Hạnh chia sẻ.

Hiện Đăk Nông có hai nhà máy chế biến rau, củ, quả tại khu công nghiệp Tâm Thắng (Cư Jút). Tỉnh cũng đang tìm vị trí phù hợp dọc quốc lộ 14 để Tập đoàn T & T xây dựng nhà máy chế biến bơ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cây ăn quả lớn ở các tỉnh miền Tây như Cty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cũng liên kết với tỉnh để đưa bơ sang nước ngoài.


Đắk Nông vừa tổ chức thành công lễ hội “Đắk Nông mùa bơ chín”

Tháng 3 vừa qua, trong chuyến thăm New Zealand, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tại tỉnh Đắk Nông với các bên, bao gồm Cơ quan Hợp tác Chính phủ NewZealand (G2G), Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm và Cty Cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao (Samagritech). Đây được xem là cơ hội lớn để nâng cao giá trị trái bơ của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) Trịnh Xuân Thủy cho biết: “Nhận thấy sầu riêng có khả năng mang lại giá trị kinh tế lớn, UBND huyện đã chủ động quy hoạch vùng trồng sầu riêng 1.800ha; giúp nông dân chuyển đổi, ghép từ sầu riêng hạt sang các loại sầu riêng chất lượng cao như cơm vàng hạt lép, Monthong, Ri6…

Huyện Đạ Huoai đã xúc tiến xây dựng quy trình chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Đạ Huoai” để tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt là nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng sầu riêng. Hiện Đạ Huoai có 38ha sầu riêng VietGAP của 15 hộ nông dân. Ngoài ra huyện đã lập bộ quy chuẩn để người trồng sầu riêng biết và áp dụng.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao SX sầu riêng đã giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm nhân công. Giai đoạn 2018 - 2020, hình thành và công nhận vùng SX sầu riêng công nghệ cao ở huyện Đạ Huoai, trong đó 100% diện tích sử dụng các giống ghép; 100% diện tích ứng dụng công nghệ tưới tự động (phun mưa và tưới nhỏ giọt) và sử dụng thuốc BVTV theo công nghệ tự động và bán tự động, ứng dụng công nghệ bón phân qua hệ thống tưới. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Đạ Huoai phát triển thêm 880ha sầu riêng công nghệ cao. Từ đó giúp trái cây đặc sản này phát triển bền vững hơn.

Tại Lâm Đồng, chỉ tính riêng huyện Đạ Huoai, nông dân đang canh tác trên 2.000ha sầu riêng; trong đó hơn 1.800ha sầu riêng ghép chất lượng cao và gần 940ha trong giai đoạn kinh doanh. Năng suất đạt trên 9 tấn/ha và sản lượng hằng năm hơn 8.500 tấn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có hơn 2.000ha bơ. Diện tích trồng các loại cây ăn quả này vẫn không ngừng tăng.

Theo THANH SA (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 163
Tổng truy cập: 39187460