Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: 'Lục Ngạn phải trở thành vùng kinh tế cây ăn quả' (18/06/2018)

Ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ nhiệm UB KHCN và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã kiểm tra tình hình SX và tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Cú hích cho xuất khẩuVải thiều GAP, xu thế tất yếu để vươn ra thị trường quốc tếDoanh nghiệp Trung Quốc nói gì về quả vải Việt Nam?


Cùng đi có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra vùng vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hồng Giang…

Ông Hoàng Ngọc Hiền, đại diện Hiệp hội trồng vải thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay, diện tích 3 ha vải của gia đình ông hoàn toàn được trồng theo tiêu chuẩn này. Sản lượng ước tính có thể đạt từ 35-40 tấn quả.

“Hiện chúng tôi đang bán với giá từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, tùy chất lượng, cho thương lái Trung Quốc và một số DN thu mua để XK sang Mỹ. Nhìn chung, từ khi triển khai trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng quả vải được nâng lên, giá bán cũng ổn định ở mức cao, giá trị gia tăng từ quả vải hơn nhiều lần trước đây”, ông Hiền nói.

Hồng Giang là xã có hơn 520 ha vải thiều, hầu hết toàn bộ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 32 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ XK vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU… Năm 2017, Hồng Giang có tới hơn 300 tấn vải thiều được XK sang Mỹ, Nhật.


… và thăm một số cơ sở XK vải thiều

“Năm nay, 104 hộ dân trồng vải thiều của xã tiếp tục được cấp giấy chứng nhận vải thiều sạch theo tiêu chuẩn, đảm bảo XK. Sản lượng vải toàn xã ước khoảng trên 5.000 tấn, doanh thu từ vải thiều khoảng 80 tỷ đồng”, ông Hiền cho hay.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, với sản lượng vải trên 100.000 tấn, năm 2018 là năm được mùa lớn của huyện. Đây cũng là năm chất lượng, mẫu mã vải thiều rất tốt do việc áp dụng SX theo các tiêu chuẩn GAP được nông dân triển khai rất mạnh.

Bên cạnh hơn 200ha vải đã được cấp chứng nhận GlobalGAP và mã số vùng trồng đủ điều kiện XK đi các thị trường có yêu cầu như Mỹ, Úc, EU..., hiện toàn huyện đã có 11.000 ha được nông dân SX theo hướng VietGAP, với trên 41.000 hộ trồng vải tham gia, trong đó huyện đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 21.000 hộ ở 331 thôn bản, HTX đảm bảo sản phẩm đủ điều kiện chất lượng, mẫu mã XK vào tất cả các thị trường trên thế giới.

“Việc cải thiện chất lượng vải thiều SX theo GAP đã giúp chuyển dịch cơ cấu tiêu thụ vải thiều theo hướng giá trị cao hơn. Nếu như trước đây, khoảng 60% sản lượng vải thiều Lục Ngạn là tiêu thụ nội địa, giá trị thấp thì khoảng 3 năm trở lại đây cơ cấu vải thiều XK đã chiếm trên 50%”, ông Bình cho hay.

Về khâu tiêu thụ, theo ông Bình, hiện các DN, thương nhân Trung Quốc đã có mặt tại địa phương để tổ chức thu mua. Ngoài ra, các DN trong nước có hợp đồng tiêu thụ với các đối tác Nhật Bản, Mỹ, EU… cũng xúc tiến các điều kiện để có thể nhập nguyên liệu trong thời gian sớm nhất.


Hiện các thương nhân Trung Quốc đã có mặt tại Lục Ngạn để thu mua vải thiều

Ông Đinh Cao Khuê, Tổng GĐ Cty CP Thực phẩm XK Đồng Giao, một trong những DN thu mua vải thiều tươi số lượng lớn, cho biết, năm nay, DN có kế hoạch thu mua của nông dân trồng vải Lục Ngạn khoảng 10.000 tấn, cao gấp nhiều lần năm 2017. Hiện Cty đã ký hợp đồng XK vải tươi khoảng 4.000 tấn với đối tác Nhật Bản, số còn lại sẽ XK tươi và chế biến cho các thị trường Anh, Đức.

“Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã đặt 10 điểm cân trên địa bàn huyện và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thu mua nguyên liệu. Chúng tôi tin tưởng, với sự quyết tâm của cả chính quyền, DN và người dân, sản lượng thu mua sẽ đạt và vượt kế hoạch, giá thành vải thiều cũng được thu mua ổn định ở mức cao”, ông Khuê nói.

Phấn khởi trước kết quả SX và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung đến thời điểm này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tỉnh Bắc Giang đã phát huy rất tốt kinh nghiệm trong tiêu thụ vải thiều từ những năm trước, làm tốt công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại ở cả thị trường trong và ngoài nước.

“Việc tổ chức các diễn đàn kinh tế tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, xúc tiến thương mại thị trường Trung Quốc, tổ chức Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội, đấu nối với các siêu thị lớn… là những minh chứng cho thấy tỉnh Bắc Giang rất năng động trong khâu tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Do đó, năm nay, dù vải thiều được mùa, sản lượng lớn, song giá bán vẫn đảm bảo”, Bộ trưởng nói.


Đóng gói vải thiều trong từng hộp xốp

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới cung cách bán hàng, thu mua cũng như tăng cường các dịch vụ đi kèm trong mùa thu hoạch vải thiều, đảm bảo giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo một vụ vải thiều “được mùa, được giá”.

“Về SX, tôi đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát lại diện tích, chọn những mũi nhọn đột phá về cây ăn quả để xứng danh là vựa trái cây miền Bắc. Ngoài ra, trong việc tái cơ cấu, tỉnh cũng cần quyết tâm để biến Lục Ngạn không chỉ là “vựa trái cây”, mà còn trở thành vùng kinh tế cây ăn quả, bao gồm cả SX, tiêu thụ, chuyển giao kỹ thuật cũng như phát triển du lịch sinh thái”, Bộ trưởng đề nghị.

Từ đầu vụ, huyện Lục Ngạn đã sớm phối hợp và được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hỗ trợ thực hiện việc ủy quyền cấp mã tem truy xuất nguồn gốc để XK sang Trung Quốc cho vải thiều Lục Ngạn. Đến thời điểm này, các đơn vị, DN có nhu cầu XK các lô hàng sang Trung Quốc đều đã được huyện và VNPT hướng dẫn in ấn, dán tem theo quy định của phía bạn, đảm bảo lưu thông XK quả vải bình thường. Do là năm đầu triển khai quy định này, nên UBND huyện đã hỗ trợ 50% kinh phí in ấn tem nhãn cho các đơn vị, DN có nhu cầu.

Theo VĂN NGUYỄN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 114
Tổng truy cập: 37043037