Phòng trừ thành công sâu đục cuống vải thiều (31/05/2018)


TS Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện BVTV

Từ đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, năm 2017 Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) cho triển khai đề tài xây dựng quy trình canh tác phòng chống bệnh sâu đục cuống vải tại Bắc Giang, đến nay quy trình đã được công nhận và nhân rộng, mang lại kết quả vô cùng tích cực.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Viện KHNN Việt Nam) chia sẻ, trước đây việc phòng chống sâu đục cuống vải vô cùng khó khăn vì đa phần người dân không nhận biết được do sâu đẻ trứng rất nhỏ, ngay khi vừa nở sâu đã đục vào trong quả và gây hại. Người trồng vải chỉ phát hiện ra khi quả bị rụng hoặc khi ăn quả vải.

Sau khi thực hiện đề tài thành công và xây dựng được quy trình phòng trừ tổng hợp sâu đục cuống quả vải, được Bộ NN-PTNT công nhận năm 2012, Viện KHNN Việt Nam tiến hành phổ biến, chuyển giao quy trình tại các vùng vải lớn của cả nước, đặc biệt là tại Bắc Giang.

Hiện nay, do quy định mới về sử dụng thuốc BVTV, Viện BVTV đang triển khai nối tiếp đề tài phòng chống sâu đục cuống vải tại tỉnh Hải Dương nhằm tìm ra quy trình phòng trừ mới trên cơ sở các hoạt chất, danh mục thuốc BVTV mới tại Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, đặc biệt là tăng cường sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học vào quy trình khuyến cáo.

Qua các nghiên cứu đặc tính, sinh thái của loài sâu đục cuống vải, TS Liêm khuyến cáo bà con nông dân trồng vải, giai đoạn phòng trừ tốt nhất là phòng trừ con trưởng thành, đặc biệt là con trưởng thành cái sẽ giảm tối đa sự đẻ trứng, từ đó giảm sự gây hại của sâu đối với quả vải, nhất là lúc gần thu hoạch. Việc để sâu đẻ trứng lên quả vải hay khi sâu non đã chui vào quả vải rồi việc sử dụng thuốc mạng lại hiệu quả rất thấp.


Quy trình phòng trừ sâu đục cuống vải mang lại hiệu quả lớn cho nhà vườn

Cũng theo TS Liêm, về nguyên lý, muốn phòng trừ có hiệu quả bất kỳ loại sinh vật gây hại trên cây trồng đều phải áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Trong quy trình, các chuyên gia hướng dẫn rất chi tiết từ biện pháp canh tác sao cho cây vải khỏe, tán lá đẹp, thông thoáng, vệ sinh đồng ruộng, có thời gian xử lý ra hoa, có biện pháp kỹ thuật nhằm duy trì được các loài ký sinh thiên địch nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc.

Tuy nhiên, khi bắt buộc phải sử dụng thuốc hóa học cần lưu ý thời điểm cây hình thành quả và quả đỏ cuống, bởi đây là giai đoạn sâu gây hại mạnh nhất phải đặc biệt chú ý phòng trừ, nhất là từ trung tuần tháng 5 đến đầu tháng 6 khi thấy xuất hiện loại bướm họ cánh phấn chuẩn bị đẻ trứng.

“Nếu trước đây người dân không áp dụng phương pháp phòng trừ đúng, tỉ lệ sâu đục cuống vải có thể lên tới 90%, nếu phòng trừ không đúng cách tỉ lệ quả vải bị sâu cũng phải từ 30 - 40%. Nhưng khi người dân áp dụng đúng theo quy trình chúng tôi khuyến cáo tỉ lệ chỉ dưới 5%, thậm chí có vườn chỉ bị khoảng 2%”, TS Nguyễn Văn Liêm.

Theo NGUYỄN HUÂN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 287
Tổng truy cập: 36753488