Nông sản sạch trên đỉnh Hồng Thái (03/05/2018)

Xã Hồng Thái (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) nằm ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển nên vốn được coi như Đà Lạt hay Sa Pa của xứ Tuyên, với cảnh sắc thơ mộng, khí hậu quanh năm mát mẻ.

Chính đặc trưng đó đã và đang thành hình một vùng nông sản đặc sản sạch tại những bản người Mông, người Dao nơi này. 

Hữu duyên

PGS.TS Đào Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cây trồng ôn đới miền núi phía Bắc (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) cho biết, nhà trường đã có nhiều chương trình liên kết hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật cho huyện Na Hang. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về cây ăn quả, cây ôn đới, đi nhiều nơi trong và ngoài nước nhưng khi tới làm việc tại đất Hồng Thái thì những ấp ủ về một vùng nông sản sạch ngày càng thôi thúc ông gắn bó và chuyên tâm với mục tiêu đã định.


PGS.TS Đào Thanh Vân kiểm tra, đánh giá mô hình trồng dâu tây

Hồng Thái nổi tiếng với câu nói “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”, nghĩa là mận ở Hồng Thái có chất lượng tuyệt đỉnh, còn Thượng Lâm là miền gái đẹp nổi tiếng của xứ Tuyên. Ngoài mận, Hồng Thái còn có cây lê đặc sản, chè Shan tuyết trứ danh.

Ông Vân đánh giá, những đặc sản nói trên chỉ có ở những vùng khí hậu đặc biệt như Hồng Thái với nền nhiệt độ trung bình năm là 18 độ. Thống kê các điều kiện, ông Vân đã xây dựng chương trình khuyến khích, hỗ trợ xã nghèo Hồng Thái phát triển cây đặc sản. Chương trình nhận được sự hợp tác hiệu quả của doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Hơn 3 năm triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ở Hồng Thái có sự đóng góp quan trọng của lãnh đạo các doanh nghiệp. Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc Cty CP Chè Sông Lô cho biết, những năm đầu mới phát triển cây chè nơi đây gặp không ít khó khăn. Trong những lần vận động người dân Hồng Thái trồng chè, ông nhớ mãi chuyện ở bản Khuổi Phầy. Nơi đây có 38 hộ dân tộc Mông sinh sống.

Gặp ông, bà con bảo trồng cây ngô mỗi năm lãi 15 triệu, cây chè chỉ để uống chơi thôi chứ không ăn thay mèn mén được. Ông cam kết cho bà con vay đúng số tiền thu lãi được từ trồng ngô để dân sinh sống và chuyển sang trồng cây chè.

Sau hơn 3 năm, ngoài 61,6ha chè Shan tuyết, Hồng Thái đã trồng thêm được 30ha chè đặc sản Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên. Năm 2017, diện tích này đã cho thu hoạch chè búp tươi. Nhiều hộ đã thu lãi hàng chục triệu đồng. 

Đổi thay

Ở Hồng Thái, chuyện ông Lý Văn Đình, dân tộc Mông làm kinh tế giỏi được người bản trầm trồ khen ngợi. Ông Đình là người bản Khuổi Phầy, vốn khó khăn như bao người Mông khác trong bản. Ông Đình cho biết, vụ năm 2016 - 2017, chính quyền địa phương vận động người dân trong bản trồng cây rau màu, nhiều người còn phân vân. Nhưng ông lại thấy điều đó là đúng nên mạnh dạn trồng 0,5ha cà chua trên đất ruộng 1 vụ.


Người dân thôn Khau Tràng (xã Hồng Thái, huyện Na Hang) trao đổi về kỹ thuật trồng rau an toàn

Ông Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho biết, chương trình hỗ trợ xã nghèo Hồng Thái đã làm thay đổi mạnh tư duy, nhận thức, tập quán canh tác của đồng bào. Hiệu quả của chương trình mang lại sự đổi thay tích cực về kinh tế, xã hội. Người dân mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đặc biệt là mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp.

Những lần cán bộ khuyến nông về hướng dẫn, ông chăm chú nghe, ghi chép cẩn thận và xin số điện thoại để vướng chỗ nào thì hỏi cán bộ chỗ đó. Nhờ đó, vụ cà chua đó đã cho thu hoạch gần 4 tấn quả, trừ chi phí, thu lãi hơn 50 triệu đồng, lãi gấp 4 lần so với trồng lúa.

Không chỉ trồng cà chua giỏi, ông Đình còn là “vua chè” đặc sản của bản Mông. Với 3ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên của Cty CP Chè Sông Lô đầu tư, gia đình ông là hộ trồng nhiều chè đặc sản nhất Hồng Thái. Vụ năm 2017 cho thu hoạch 3 tấn chè búp tươi, bán lãi hơn 30 triệu đồng. Giờ gia đình ông ngô đầy bồ, mua được tivi, xe máy.

Được chính quyền hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật gieo trồng và học tập cách làm của ông Đình, nhiều hộ ở Hồng Thái chuyển hướng sang trồng rau, trồng chè cho thu nhập khá như gia đình ông Hoàng Văn Tài; chị Lý Thị Liên, Đặng Thị Soi thu lãi từ 10 - 20 triệu đồng từ trồng rau. 5 năm trước Hồng Thái không có hộ giàu thì hiện tại toàn xã có 20 hộ mỗi năm thu lãi từ 50 đến 100 triệu đồng từ trồng rau và cây ăn quả.

Ngoài trồng chè, trồng rau, việc liên kết “4 nhà” trong phát triển nông nghiệp đã thu hút các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý về Hồng Thái tham gia nghiên cứu và đánh giá tiềm năng cũng như hướng đi cho địa phương với nhiều loại cây trồng được đưa vào thử nghiệm.

Cuối năm 2015, UBND xã Hồng Thái phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức cho nhiều hộ tham quan học tập mô hình trồng cây su su tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Sau đó, 23 hộ ở các thôn Hồng Ba, Pắc Khoang, Khau Tràng, Nà Mu trồng thử với diện tích trên 3ha. Cây su su phát triển tốt, giá từ 15.000 -  20.000/kg ngọn, ước tính mỗi ha trồng su su người nông dân nơi đây thu lãi gần 100 triệu đồng/vụ. Cây su su đã mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Hồng Thái

PGS.TS Đào Thanh Vân cho biết, năm 2017 nhà trường đã giúp đỡ xã Hồng Thái lựa chọn giống dâu tây, được trồng khảo nghiệm ở Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt (Lâm Đồng). Mô hình trồng dâu tây được huyện triển khai trồng thử nghiệm trên mảnh đất này bước đầu cho hiệu quả tích cực. Với cây lê, nhà trường hướng dẫn việc cắt tỉa, bón phân đảm bảo độ ngọt và năng suất cao nhất. Nhà trường vận động người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện xã Hồng Thái có 25,5ha rau đậu các loại, trong đó có 3,5ha bí, 6ha bắp cải, súp lơ, 5ha cà chua, 4ha khoai tây, 2ha su su, 5ha cây rau màu khác; 37ha cây ăn quả các loại, (trong đó có 25ha lê); 61,6ha chè Shan tuyết, 30ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Với ưu đãi riêng có về khí hậu, thổ nhưỡng, Hồng Thái đang hứa hẹn là vùng tập trung chuyên canh nông sản đặc sản của tỉnh.

Theo ĐỒNG VĂN THƯỞNG - PHAN CẢNH (nonghghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 185
Tổng truy cập: 38533804