Mở rộng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi (05/04/2018)

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội vừa có kết luận chính thức sau đợt khảo sát chuỗi giá trị trong sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP. Trong đó, đưa ra nhiều kiến nghị để nâng cao hiệu quả các chuỗi sản xuất.

Qua khảo sát trực tiếp tại Sở NN&PTNT và một số DN, hợp tác xã (HTX) thực hiện phát triển sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP nhận định: Việc phát triển sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở Hà Nội thời gian qua đã bước đầu đạt kết quả nhất định.


Khảo sát tại HTX Đồng Thái, thành công với mô hình trồng măng tây. Ảnh:(
kinhtedothi.vn)

Đã xây dựng và phát triển được 65 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn (trong đó có 27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 38 chuỗi nguồn gốc thực vật); hình thành và phát triển một số vùng sản xuất tập trung; VSATTP được đảm bảo hơn trước; giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; thị trường cơ bản ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, HTX tham gia chuỗi ngày càng hiệu quả hơn. Khảo sát tại Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên, HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam... cho thấy, đã từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân của TP.

Tuy nhiên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cũng chỉ ra những hạn chế khi tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp (chiếm tỷ trọng dưới 10% tổng lượng sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ trên thị trường Hà Nội). Hoạt động của đa số HTX, một số DN, đơn vị trong chuỗi vẫn theo phương thức truyền thống, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước; thiếu DN đầu tàu trong phát triển chuỗi...

Từ chỗ chỉ rõ nguyên nhân, Đoàn khảo sát đã kiến nghị TP rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ cơ chế, chính sách không còn phù hợp. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo phương thức gián tiếp. Trong đó, dành nguồn ngân sách hỗ trợ sau đầu tư; tiếp cận đất đai, cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo khung pháp lý, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các DN, HTX, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh nông sản... nhằm đạt mục tiêu tổng thể phát triển nông nghiệp Thủ đô bền vững, giá trị gia tăng cao. Rà soát quy hoạch phát triển nông nghiệp của TP, xây dựng, công khai phát triển vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời, tăng cường dự báo tốt thị trường, định hướng sản xuất; tuyên truyền, quảng bá cho các thương hiệu, đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối các loại sản phẩm nông nghiệp có nhãn hiệu, thương hiệu tốt, nhằm tăng sức mua của thị trường đối với các loại nông sản này. Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương rất cần chú ý đến tăng cường các khâu sản xuất, chế biến sâu nông sản của Thủ đô để tạo giá trị gia tăng cao, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đoàn khảo sát cũng kiến nghị một số sở, ngành, địa phương, tăng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về VSATTP; Tháo gỡ kịp thời những khó khăn, bất cập của DN, HTX, hộ gia đình trong phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và thói quen sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng đối với người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiêu thụ của các sản phẩm nông nghiệp an toàn trong chuỗi giá trị...

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 176
Tổng truy cập: 38810791