Niềm tự hào của người dân trồng vú sữa Tiền Giang (29/12/2017)

Không chỉ đầu tư thâm canh cho vườn vú sữa nhà mình, ông Thọ còn tích cực vận động nông dân tham gia trồng vú sữa theo quy trình VietGAP, đồng thời được doanh nghiệp Cát Tường đặt vấn đề liên kết để có sản lượng hàng trái lớn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ...

Ngày 26/12, lô hàng vú sữa đầu tiên và cũng là loại trái cây thứ 5 của Việt Nam chính thức được “cất cánh” sang thị trường Hoa Kỳ. Sự kiện này không chỉ tạo bước ngoặt đối với trái vú sữa của Tiền Giang nói riêng mà còn mở ra cơ hội cho trái cây tươi của Việt Nam nói chung xuất sang các thị trường khó tính khác… 

Động lực cho nhà vườn

Đây là kết quả sau 10 năm đàm phán, xúc tiến các thủ tục, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ có văn bản chính thức đồng ý cho phép Việt Nam được xuất khẩu vú sữa sang nước này vào tháng 9/2017. Từ đó đến nay, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Tiền Giang cùng các DN tiếp tục triển khai nhiều công việc để bảo đảm trái vú sữa đạt chuẩn xuất khẩu.

Nhà vườn hào hứng khi trái vú sữa được xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Theo Cục BVTV, để được cấp phép vào thị trường khó tính Hoa Kỳ, trái vú sữa của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe như vùng trồng phải đáp ứng tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và phải được cấp mã số vùng trồng; đơn vị thực hiện đóng gói sản phẩm được chứng nhận đáp ứng yêu cầu và nhà máy chiếu xạ cho trái vú sữa phải được phía Mỹ chứng nhận.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, đây là sự kiện quan trọng tạo tiền đề cho trái vú sữa Việt Nam thâm nhập vào thị trường khó tính trên thế giới. Đây cũng là niềm tự hào của người dân trồng vú sữa trong tỉnh, đặc biệt với sự nỗ lực của Cty Cát Tường trong việc phối hợp với bà con nhà vườn trồng vú sữa đảm bảo đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng để tham gia xuất khẩu.

Theo ông Tuấn, đây chỉ mới là bước khởi đầu sự vươn ra thị trường quốc tế của trái vú sữa Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm hỗ trợ xuất khẩu vú sữa; tập trung cho việc đầu tư hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, cũng như tăng cường công tác quản lý dịch bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch; xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất. Bên cạnh đó, nông dân trồng vú sữa cũng phát huy vai trò nòng cốt sản xuất và tham gia các hợp tác xã kiểu mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, thực hiện mối liên kết với các DN xuất khẩu, bảo đảm đầu ra và chất lượng nông sản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Là địa bàn trọng điểm nông nghiệp tại ĐBSCL, Tiền Giang có lợi thế sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây. Hiện Tiền Giang có trên 74.000ha cây ăn quả với sản lượng hàng năm 1,4 triệu tấn; trong đó, có 1.100ha vú sữa với khoảng 500ha đang cho trái, sản lượng đạt 10.000 tấn trái. Đặc biệt, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là một trong những loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương đã được cấp chứng nhận GlobalGAP từ năm 2008, chất lượng thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ ba của Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm. Do đó, sự kiện xuất khẩu lô hàng vú sữa đầu tiên vào thị trường Hoa Kỳ là động lực để người dân trồng vú sữa yên tâm đầu tư sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật. 

Khôi phục vùng trồng vú sữa

Không khí ở những nhà vườn trồng vú sữa trong những ngày cuối năm tất bật và hào hứng hơn bao giờ hết. Người dân hối hả vào việc bao trái, thu dọn vườn sạch sẽ, chỉnh sửa lại từng túi bao trái…

Sản phẩm vú sữa bán tại chợ đầu mối Vĩnh Kim

Gặp chúng tôi, chủ vườn vú sữa 0,4ha Huỳnh Văn Thọ, ấp Nam, xã Long Hưng (huyện Châu Thành) hào hứng nói: “Vườn vú sữa của gia đình tôi đang đợt thu hoạch rộ. Để trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bà con chúng tôi phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác, hạn chế phun các loại thuốc mà phía Hoa Kỳ đã cảnh báo. Hơn nữa, bà con tiến hành bao trái toàn bộ trong vườn, cách ly thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định mới tiến hành thu hoạch”.

Theo ông Thọ, gia đình ông trồng vú sữa Lò Rèn được 6 năm, vườn đang vào thời kỳ cho trái. Những năm gần đây trái vú sữa đến mùa thu hoạch bà con chỉ biết hái đem ra chợ bán, nhưng giá cả bấp bênh, thương lái cho giá mua bao biêu thì biết bấy nhiêu. Tuy nhiên, đến nay khi trái vú sữa được các DN thu mua xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với giá cả hấp dẫn thì bà con không còn lo ngại nữa.

Không chỉ đầu tư thâm canh cho vườn vú sữa nhà mình, ông Thọ còn tích cực vận động nông dân tham gia trồng vú sữa theo quy trình VietGAP, đồng thời được doanh nghiệp Cát Tường đặt vấn đề liên kết để có sản lượng hàng trái lớn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, vừa giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống vừa thu hút ngoại tệ từ cây trồng đặc sản này.

Cty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường là DN được chọn để xuất khẩu lô hàng vú sữa đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Cty cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu kiểm dịch nhập khẩu của các thị trường khó tính, công ty đã xây dựng nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn ATVSTP và được chuyên gia Hoa Kỳ thẩm tra cấp mã số nhà đóng gói; đồng thời, công ty cũng đầu tư thiết bị xử lý hơi nước nóng theo tiêu chuẩn Nhật Bản đảm bảo đạt yêu cầu kiểm dịch khắt khe của các nước nhập khẩu”.

Giống vú sữa tím đang được thị trường ưa chuộng

Theo ông Sang, Cty đã chuẩn bị rất kỹ cho việc xuất khẩu lô hàng vú sữa đầu tiên này sang thị trường Hoa Kỳ. Đối với các nhà vườn trồng vú sữa Tiền Giang, công Cty liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, định vị tọa độ để đăng ký mã số vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, thống kê sản lượng, bao trái; đồng thời tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con tại vùng trọng điểm.

Nhằm khôi phục lại vườn vú sữa, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng để xuất khẩu một cách bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, ngành chức năng đang hướng dẫn nông dân áp dụng TBKT cần thiết để chặn đứng dịch bệnh và tạo điều kiện cho vườn cây phục hồi trở lại. Đồng thời, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng sẽ nghiên cứu các kỹ thuật xử lý ra hoa thích hợp, kỹ thuật nhân giống, biện pháp thâm canh tiên tiến… nhằm giúp cây vú sữa khỏe, cho năng suất và sản lượng cao.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: Hiện toàn vùng ĐBSCL có khoảng 5.000ha vú sữa, trồng tập trung tại một số tỉnh như Tiền Giang, Cần Thơ…, năng suất đạt khoảng 18 - 22 tấn/ha. Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiềm năng của trái cây Việt Nam, nhất là trái vú sữa, với giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 84,5 triệu USD (tăng 44,2% so với năm trước). Trong 11 tháng năm 2017, xuất khẩu trái cây sang thị trường Hoa Kỳ đạt 92,6 triệu USD, tăng 21,3% so cùng kỳ năm 2016.


Ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang chú trọng đầu tư cải tạo và hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, kết hợp tập huấn khuyến nông, chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến cho nông dân vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Những vườn trồng mới phải bảo đảm các khâu thiết kế vườn, quy trình kỹ thuật, chọn giống tốt, mật độ trồng, tỉa cành tạo tán trong suốt quá trình trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đối với vườn vú sữa đã bị suy kiệt sẽ cho đánh giá lại mức độ và tìm nguyên nhân xử lý khôi phục lại”.

Ông Cao Văn Hóa, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang

 

Theo MINH SÁNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 203
Tổng truy cập: 36960689