Sản xuất chè an toàn ở Phú Lương, sự sống còn. (14/12/2017)

Người làm chè ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên) vừa nô nức tham gia tổ chức thành công Lễ hội vinh danh các làng nghề chè trên địa bàn lần thứ nhất.

Những năm trước đây, các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm chè thường người dân mặc định là việc của Nhà nước. Bây giờ, người làm chè đã thay đổi nhận thức, cứu lấy nương chè là cứu lấy chính mình. 

Một thuở mơ hồ

Trước đây, việc sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ đối với người làm chè được coi như tất yếu. Phun một lần không hết sâu thì phun lần 2, lần thứ 2 chưa đạt thì trộn kết hợp thuốc của 2 lần vào phun tiếp. Nếu vẫn chưa thấy sâu chết thì mua loại cực độc về phun diệt tất cả các loại sâu trong một lần phun. Những loại thuốc cực độc được sử dụng, nghe thấy đã lạnh gáy như Triozan, Monitor, Pezan, Kasai...

Thay đổi phương thức sản xuất đã mang lại hiệu quả cao cho người làm chè của huyện Phú Lương

Có một nghịch lý là chính những hộ phun nhiều mới được coi là thâm canh tốt, làm ra chè ngon. Điều cắc cớ, khó hiểu ấy được giải thích như sau: Nhiều thương lái khi nhá chè (nhai thử chè), lại thích chè được phun thuốc triệt để. Chỉ như vậy, chè mới đậm. Nếu chè không được phun thuốc trừ sâu triệt để thì lá và búp bị sâu ăn, thường phồng rộp, mất đi chất vị của chè.

Lý giải mâu thuẫn đó, nhiều cán bộ chuyên môn về chè cho rằng, sản phẩm chè được khẳng định về chất lượng ngoài cảm nhận trực quan còn phải qua kiểm nghiệm. Việc đánh giá chè như trên là không chính xác vì mới chỉ là yếu tố trực quan nên không thể kết luận chè ít bị sâu bệnh, càng không thể đánh giá hết tác hại dư lượng thuốc BVTV trong chè.

Dù có hay không ý thức sâu sắc về tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít người làm chè vẫn chưa đảm bảo nguyên tắc của việc sử dụng thuốc BVTV. Bởi quan niệm, dù không muốn nhưng vẫn phải phun. Đơn giản vì không phun thì chắc chắn không có chè để hái. Phun ít không được thì phải phun nhiều. Phun các loại thuốc nhẹ không ổn thì phải phun thuốc nặng. 

Chuyển đổi nhanh chóng

Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, phần lớn người dân Phú Lương vẫn sống bằng chè. Duy trì sinh kế cho người dân trên nương chè thì cách duy nhất, tất yếu và bền vững là phải tổ chức sản xuất chè an toàn. Đòi hỏi cấp thiết đó đã được lãnh đạo địa phương chỉ đạo quyết liệt đến từng xóm, bản, từng hộ làm chè.

Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Nhiều lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ, chè VietGAP được tổ chức. Bà Lê Thị Thu Thủy, GĐ Cty CP chè Thác Dài (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) cho biết, năm 2010, xóm Thác Dài là đơn vị đầu tiên của Phú Lương đăng ký làm chè theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP.

Sau tập huấn, nhiều hộ dân hoài nghi về tính hiệu quả của phương thức mới. Sản phẩm làm ra rồi, không ít người vẫn chán nản bởi chất lượng lại chưa song hành với giá trị. Thế nhưng đòi hỏi của thị trường, mong muốn của người tiêu dùng đã quyết định phương thức sản xuất của người dân. Những thương lái liên tục tìm mua chè VietGAP, chè an toàn.

Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Lương cho biết, đến nay, huyện đã có nhiều mô hình tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP. Huyện có 35 làng nghề chè và là địa phương có số làng nghề chè nhiều nhất của tỉnh Thái Nguyên. Điều đáng nói là cách sản xuất chè an toàn không chỉ có các tổ hợp tác thực hiện. Hầu hết người dân đều ý thức tự giác sản xuất chè theo tiêu chuẩn đảm bảo ATTP. Ở các làng nghề chè, nhiều hộ xin đăng ký tham gia tổ hợp tác làm chè an toàn. Cách thức sản xuất cũ bị tẩy chay, không thể tồn tại trong cộng đồng.

Bà Tống Thị Xuyến ở xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh cho biết, thay đổi phương thức sản xuất khiến một số loại thuốc BVTV trước đây biến mất khỏi thị trường. Không còn cầu thì nguồn cung cũng bị triệt tiêu. Danh mục, cách thức sử dụng đảm bảo thời gian cách ly được người tiêu dùng, người cung ứng và nhà quản lý thống nhất. Nghiêm ngặt hơn là chính cộng đồng sẽ giám sát và loại trừ hành vi sử dụng thuốc BVTV. Tại lễ hội vinh danh làng nghề vừa được tổ chức, gia đình bà Xuyến được tôn vinh đạt giải Nhất khu chế biến chè ATTP.

Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, cùng với việc đánh giá sử dụng vật tư BVTV cho chè thì chè Phú Lương được cho là đạt chất lượng cao phải đảm bảo yếu tố về nương chè đẹp và khu chế biến an toàn. Trước đây, chè được chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến bằng nhiều cách. Quy trình sản xuất an toàn yêu cầu người làm chè phải trang bị đầy đủ các vật tư thiết yếu từ chỉnh trang nương chè sạch đẹp; dụng cụ thu hái, bảo quản; các thiết bị chế biến đồng bộ...

Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Chính việc chuyển đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất mang tính đồng bộ đã tạo được sự khác biệt riêng có của quê chè Phú Lương. Sản phẩm chè Phú Lương bây giờ đã tự tin tỏa hương, khoe sắc. Giá bán của chè Khe Cốc, Thác Dài, Tân Thái, Minh Hợp... đã sánh cùng với giá chè của những địa danh chè nổi tiếng tại Thái Nguyên.

Với hơn 4.300ha chè, cây chè đã thực sự là cây trồng mũi nhọn, cây làm giàu của người dân. Tại vùng chè trọng điểm thuộc 3 xã Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô hôm nay với những đồi chè mướt mắt thực sự là những bức tranh đẹp mời gọi du khách. Mỗi gia đình làm chè nơi đây là một khu chế biến ATTP chắc chắn đem lại cho người tham quan cảm giác êm đềm, thân thiện.

Theo ĐỒNG VĂN THƯỞNG - ÂU VƯỢNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 112
Tổng truy cập: 36753488