U Minh Thượng hướng đến huyện nông thôn mới (24/11/2017)

U Minh Thượng là huyện thuộc vùng căn cứ kháng chiến, điểm xuất phát thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu đạt nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hiện U Minh Thượng là điểm sáng với tỷ lệ các xã được công nhận đạt chuẩn NTM cao nhất trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang. 

Quan tâm nông nghiệp, nông thôn

U Minh Thượng là huyện mới được chia tách, đời sống còn nhiều khó khăn, lao động nông nghiệp chiếm trên 80%. Nhận thức được những khó khăn, thử thách đó, trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi có chủ trương xây dựng NTM.


U Minh Thượng phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đạt chuẩn huyện NTM

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã có những chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn khởi sắc, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng. Các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân được triển khai thực hiện đã từng bước phát huy hiệu quả; các ngành nghề, cơ sở sản xuất phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm.

Ông Phạm Duy Tân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT U Minh Thượng cho biết, huyện đang tập trung triển khai đề án của tỉnh về tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó, tổ chức quy hoạch, bố trí từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu và từng tiểu vùng, như vùng đệm VQG U Minh Thượng, vùng trồng lúa 2 vụ/năm kết hợp với trồng màu, vùng tôm – lúa, vùng ven sông Cái Lớn...

Vận dụng tốt các cơ chế, chính sách để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng cánh đồng liên kết tiến tới hình thành cánh đồng lớn, từng bước đưa kinh tế cá thể vào tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, tiêu chuẩn VietGAP...

Chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm đặc trưng của du lịch sinh thái, kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư. Xây dựng, triển khai đề án khôi phục nguồn cá đồng và một số loài thủy sản thích nghi với điều kiện tự nhiên của huyện, phấn đấu mỗi xã có một mô hình nổi bật riêng để từ đó đánh giá, nhân rộng.

Tăng cường tập huấn cho nông dân về kiến thức, kỹ năng và các hoạt động cung ứng dịch vụ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, gắn với xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu tập thể, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng toàn diện, phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM...

Theo ông Tân, huyện đang phối hợp với các cơ sở đào tạo của tỉnh mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn. Hàng năm, huyện sẽ dành một phần ngân sách đào tạo nguồn cán bộ phục vụ phát triển của huyện, nhất là lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và cán bộ quản lý tập thể. Ưu tiên đào tạo các ngành nghề có thế mạnh; thực hiện chính sách thu hút, tạo điều kiện cho sinh viên trẻ, có trình độ chuyên môn trong các ngành nghề nông nghiệp, quản lý du lịch về tham gia công tác ở xã.


U Minh Thượng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp tôm sú trên ruộng lúa đạt hiệu quả cao

Vận động nhân dân bảo vệ môi trường trong sinh hoạt và sản xuất. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải tại các chợ, trường học, cơ sở y tế; xây dựng mô hình tự quản, thu gom rác thải tại hộ gia đình.

Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn. Khuyến khích xây dựng các lò giết mổ tập trung, kiểm soát giết mổ chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát môi trường và dịch bệnh.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, vận dụng có hiệu quả các chính sách về y tế, giáo dục, đào tạo, khuyến nông, hỗ trợ phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Tích cực vận động các nguồn đóng góp của cộng đồng xã hội, kết hợp với giáo dục, vận động sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. 

Xây dựng huyện NTM

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Kiên Giang về xây dựng NTM (giai đoạn 2012- 2020), U Minh Thượng đã có những chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Đến cuối năm 2016, huyện U Minh Thượng đã có 2/6 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 33,3%), bình quân toàn huyện đạt 12,6 tiêu chí/xã, tăng 4,1 tiêu chí so với trước khi bắt tay triển khai chương trình. Cụ thể, xã Thạnh Yên và Vĩnh Hòa đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đạt từ 8-11 tiêu chí, gồm An Minh Bắc (11 tiêu chí), Hòa Chánh (10 tiêu chí), Thạnh Yên A (9 tiêu chí) và Minh Thuận (8 tiêu chí).

“Triển khai giai đoạn mới, huyện sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí của 2 xã đã đạt chuẩn. Các xã còn lại phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, cụ thể là năm 2018 xã Thạnh Yên A đạt chuẩn NTM, sau năm 2019 là các xã còn lại. Đến năm 2020, huyện U Minh Thượng cơ bản đạt chuẩn huyện NTM”, ông Tân cho biết mục tiêu phấn đấu của huyện.

Để phấn đấu thành huyện NTM, U Minh Thượng sẽ đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, lồng ghép các chương trình để đạt hiệu quả cao nhất. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, huyện cần huy động khoảng 2.297 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách chiếm 30% (khoảng 700 tỷ), vốn tín dụng đầu tư cho phát triển sản xuất 45% (1.035,6 tỷ), doanh nghiệp đóng góp 15% (334,5 tỷ), huy động nhân dân đóng góp 10% (230 tỷ).

Nguồn lực trên sẽ tập trung đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội và hỗ trợ phát triển sản suất. Với mục tiêu đến năm 2020, có 90% đường giao thông nông thôn theo quy hoạch đạt chuẩn NTM, các tuyến còn lại được cứng hóa; thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh; tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt 98% trở lên; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt 70% trở lên; 100% ấp có nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao; chợ xây dựng theo quy hoạch; không còn nhà tạm, dột nát và có từ 70% trở lên nhà ở đạt tiêu chuẩn quy định.


Cây tràm là cây lâm nghiệp đặc trưng của vùng đất U Minh Thượng được người dân khai thác từ rừng sản xuất

Tổ chức sản xuất phát triển với 6/6 xã trên địa bàn có hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã kiểu mới và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản bền vững, 90% lao động trong độ tuổi có việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4%, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 50 triệu đồng/người/năm.

“Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể chính trị xã hội cùng với vai trò đóng góp của nhân dân.

Xây dựng NTM phải theo quy hoạch, kế hoạch, xác định đặc điểm cụ thể và định hướng phát triển chung của huyện; giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng trước mắt và phát triển lâu dài, giữa cải tạo và xây mới; tranh thủ tối đa các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng NTM”, Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng Đoàn Hồng Dinh chỉ đạo.

 

Theo Đ.T.CHÁNH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 312
Tổng truy cập: 37024061