Bón phân Lâm Thao cho cam theo chuẩn VietGAP (05/07/2017)

Diễn đàn “Hỏi biết trên đồng” với chủ đề “Chăm sóc cam niên vụ 2017” do Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vừa tổ chức tại thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn - thủ phủ cam của tỉnh Yên Bái, đúng vào chu kỳ cam trong giai đoạn nuôi quả, được đông đảo người trồng cam hết sức quan tâm.


Giải đáp thắc mắc của bà con ngay tại vườn

Các câu hỏi được chia ra thành 4 chủ đề: Chọn giống; Sử dụng phân bón đúng cách; Chăm sóc và phòng bệnh cho cây cam; Thu hoạch và tiêu thụ... Dưới đây là các câu hỏi đáng chú ý:

Một số lưu ý khi lựa chọn giống cam?

Thứ nhất, chọn những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn trong sản xuất giống cây.

Thứ hai, về tiêu chuẩn cây giống, ngoài việc quan sát bằng mắt thường cây sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại thì bà con phải xác định được 2 yếu tố sau:

- Cây gốc ghép: Hiện đang sử dụng là cây bưởi chua hoặc cây chấp chua, bà con lưu ý nếu không phải là 1 trong 2 loại trên thì sự tiếp hợp sẽ rất kém, ví dụ như cây bưởi ngọt thì bộ rễ tái tạo sẽ kém phát triển.

- Nguồn mắt ghép: Có được khai thác từ những cây đầu dòng (cây giống tốt) hay không? Ví dụ, nếu khai thác nguồn mắt ghép từ vùng cam Yên Bái phải được Sở NN-PTNT Yên Bái cùng các nhà khoa học công nhận là cây đầu dòng mới được phép khai thác mắt và nhân giống.

Thứ ba, tiến hành thực hiện nhân giống trên bầu to, đường kính ít nhất từ 14 - 15cm, chiều cao > 20cm; từ mắt ghép trở lên phải đạt được 2 cặp lộc tương đương 35 - 40cm, nghĩa là từ mặt bầu lên phải đạt 50 - 60cm thì mới đưa về trồng.

Chăm sóc cam đúng cách để quả có chất lượng và mẫu mã tốt?

Chăm sóc cam giai đoạn nuôi quả gồm 4 vấn đề quan trọng sau:

+ Cắt tỉa tạo tán: Cắt tỉa bớt cành để làm thoáng cây, tạo tán đón ánh nắng, tăng khả năng quang hợp cho cây. Sử dụng dao kéo cắt tỉa chuyên dụng, cắt theo hình chữ Y (khai tâm) để ánh nắng lọt được vào sâu bên trong tán. Khống chế tán chiều cao 3 - 3,5m so với mặt đất. Cắt bỏ cành khô, kém dinh dưỡng. Cây ít tuổi dùng động tác vít để cây thông thoáng.

+ Làm cỏ, bón phân: Làm sạch cỏ gốc, tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ trong giai đoạn này.

+ Tưới, tiêu nước: Cây cam thuộc giống cây có múi, đặc tính của giống này vừa cần nước nhưng cũng rất sợ nước. Cần nước ở giai đoạn ra hoa đậu quả vào mùa khô từ tết âm lịch cho đến mùa mưa. Sợ nước giai đoạn ra lộc đông vào mùa mưa và mùa đông.

+ Phòng trừ sâu bệnh hại.

Có nên khoanh cành cho cây cam?

- Mục đích: Khoanh cành giúp cây ra hoa, đậu quả rộ.

- Không nên khoanh khi nào? Nếu có thể điều chỉnh bằng việc bón phân hoặc các biện pháp kỹ thuật khác được mà cây ra hoa rộ thì không cần.

- Nên khoanh khi nào? Khi sử dụng khi bón quá nhiều đạm, cây phát triển không cân đối, sinh trưởng sinh dưỡng mạnh hơn sinh trưởng sinh thực để chuyển sang giai đoạn phân hóa hoa và ra hoa đồng loạt. Hoặc trường hợp bón phân không tốt nên ra hoa nhiều đợt.

- Kỹ thuật khoanh cành: Dùng dao sắc khía 1 vòng sâu vào đến khoanh gỗ, đến khi thấy lấm tấm nhựa ở các vết khoanh là được.

Ngoài ra, bà con có thể kích thích ra hoa: Trước khi ra hoa 1 - 1,5 tháng: Giữ khô cho vườn và tiến hành khoanh cành cấp I, dùng chế phẩm kích thích ra hoa như flower 94 phun để ra hoa đồng loạt tránh khô đầu múi; bón phân đủ, đúng quy trình.

Bón phân đúng cách cho cây cam?

Muốn bưởi đạt được năng suất, chất lượng cao cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng chủng loại: Thời gian này là giai đoạn nuôi quả, bà con cần bón NPK-S*M1 12.5.10-14, vì hàm lượng đạm cao giúp phát triển thân lá, hàm lượng kali cao giúp tăng hàm lượng đường và mẫu mã quả đẹp.

Đúng liều lượng: Liều lượng thích hợp từ 1 - 1,5kg/cây, không được bón thừa tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường, cũng không nên bón thiếu để cây đạt được năng suất cao nhất.

Đúng thời điểm: Bón khi đất đủ ẩm, không nên bón vào lúc trời nắng tránh bốc hơi, trời mưa tránh rửa trôi.

Đúng phương pháp: Bà con xới qua đất xung quanh tán với độ sâu từ 5 - 7cm tránh tổn thương bộ rễ, rải phân theo chiều thẳng tán xuống (hình vành khăn).

Cách bón phân Lâm Thao cam đạt tiêu chuẩn VietGAP?

Tiêu chuẩn VietGAP là thực hành về sản xuất nông nghiệp tốt với 50 tiêu chí (đất, giống, nước, phân bón…). Phân bón Lâm Thao hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP vì các sản phẩm đều đáp ứng được tiêu chí an toàn. Supe lân được sản xuất trên nền axit sạch, độ tinh khiết đạt 99,8%, các sản phẩm NPK được bổ sung đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng thiết yếu cho cây trồng: Cây trồng cần 17 nguyên tố dinh dưỡng chính để phát triển cân đối thì trong NPK có đầy đủ 17 nguyên tố dinh dưỡng đạm, lân, kali (đa lượng); canxi, magie, lưu huỳnh, silic (trung lượng); kẽm, đồng, molip đen, bo (vi lượng) được phối trộn cân đối.

Bà con cũng cần tuyệt đối bón đúng loại phân để phù hợp với nhu cầu của cây: Bón lót sử dụng phân chuồng ủ hoai mục trộn với NPK-S*M1 5.10.3-8 hoặc supe lân để bón. Để đáp ứng tiêu chuẩn, bà con bón 4 lần: Lần thứ nhất: Sau thu hoạch (bón phục hồi) dùng NPK-S*M1 5.10.3-8. Lần thứ hai trước ra hoa 4 tuần (chuẩn bị đón lộc hoa) và giai đoạn nuôi dưỡng quả dùng loại có hàm lượng đạm, kali cao trước thu hoạch 1 tháng bón lần cuối.

Chúc bà con có một mùa cam bội thu!

Theo THUẦN ĐÀO (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 170
Tổng truy cập: 38462663