Cam Thượng Lộc giúp người dân giàu lên (02/02/2017)

Có mặt trên vùng đất trà sơn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) hàng chục năm nay nhưng khoảng dăm năm trở lại đây thương hiệu cam Thượng Lộc mới thực sự trở thành cây ăn quả đặc sản nức tiếng bốn phương.

Loài cây ăn quả này hiện là cây trồng chủ lực giúp hàng trăm hộ dân “chân lấm tay bùn” thành đại gia.

Mùa vàng bội thu

Vùng đất “chảo lửa túi mưa” Thượng Lộc những ngày cuối năm nhộn nhịp hẳn cảnh giao thương buôn bán ngay giữa nông trại. Từng chiếc ô tô, xe máy chở đầy ắp cam nối đuôi nhau ngược xuôi đến các địa phương trong và ngoài tỉnh.


Người trồng cam “găm hàng” chờ thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán

Ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc vừa dẫn chúng tôi đến “thủ phủ” cam của hộ gia đình chị Phan Thị Hiền ở thôn An Hùng vừa nói: “Mấy năm nay cam chanh được xem là cây trồng chủ lực ở Thượng Lộc nói riêng, Can Lộc nói chung. Hàng trăm hộ mỗi năm thu bạc trăm, bạc tỷ từ cây cam, nhờ đó mà tậu được xe hơi, xây nhà lầu, đầu tư cho con cái ăn học đại học”.

Theo ông Cường, Thượng Lộc vốn là xã thuần nông, người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm cái ăn trên vùng đất hoang sơ, cằn cỗi. Kể từ khi cây cam “bén duyên” vùng đất trà sơn Can Lộc, người dân bắt đầu khai hoang, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.

Trong vòng 5 - 7 năm trở lại nay, phong trào phá bỏ vườn tạp trồng các giống cây ăn quả phát triển rầm rộ, nhờ đó đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, cây cam chanh đã khẳng định được vị trí của mình bởi sự thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn. Cam có hương vị đậm đà không thua kém gì các “ông lớn” nổi tiếng trong tỉnh như cam bù Hương Sơn, cam chanh Khe Mây (Hương Khê), Cẩm Yên (huyện Cẩm Xuyên)…

Là một trong những người đầu tiên khai hoang vùng đất bạc màu ở vùng Thượng Lộc để trồng cam, chị Phan Thị Hiền chia sẻ, vợ chồng chị lên Thượng Lộc theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 1990. Lúc đó, vùng trà sơn này là đồi núi hoang sơ, cỏ mọc um tùm, điện không có, đường vào lầy lội bùn đất.

Thời gian đầu, anh chị phát quang, cải tạo đất trồng một số giống cây rau màu nhưng không mang lại hiệu quả. Sau đó được một người bạn ở huyện Hương Khê cho cây cam đưa về trồng thử nghiệm thì thấy cây phát triển tốt, cho quả đều. Hai vợ chồng bàn nhau vay thêm vốn liếng mở rộng diện tích lên gần 1.000 gốc/2ha. Hiện vườn cam đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Gia Phố ở thôn Thanh Mỹ mặc dù mới “kết duyên” với cây cam 6 năm nhưng gia đình anh không chỉ thoát được cái nghèo mà còn trở thành hộ khá giả trong làng.

Anh Phố bảo: “Đất Thượng Lộc không trồng cam thì cũng không trồng được cây gì khác. Hai ba năm nay 700 gốc cam, trong đó 500 gốc đã cho thu hoạch mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình 400 - 500 triệu đồng, cao gấp hàng chục lần trồng các giống cây lâm nghiệp khác”.

Năm 2010 anh Phố trở về từ quân ngũ, đang loay hoay chưa biết làm nghề gì để sống thì được một người bạn chia sẻ kinh nghiệm trồng cam chanh.

Ngay lập tức, anh mạnh dạn vay tiền đầu tư trên 1ha đất cha mẹ để lại. Sau bao năm đổ mồ hôi, cam bắt đầu cho quả ngọt. Có vốn, anh mua thêm 1ha mở rộng diện tích cam, đồng thời xây dựng thêm mô hình trang trại chăn nuôi. Hiện trang trại của hộ anh Phố được đánh giá là một trong những mô hình điển hình của huyện Can Lộc.

Đánh giá về thương hiệu cam chanh Thượng Lộc, chị Nguyễn Thị Việt, một thương lái nói: “Cam Thượng Lộc rất được người tiêu dùng ưa chuộng vì cam có vị ngọt đậm xen lẫn chua nhẹ. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cam ít sâu bệnh cho quả to, ngọt nên rất được giá (bình quân thương lái mua tại vườn từ 30.000 - 50.000 đ/kg). Hiện tôi đang gom 500 triệu đồng làm vốn thu mua cam để nhập cho các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh”.

Bên cạnh trồng cam bán đúng thời vụ, nhiều hộ dân ở Thượng Lộc còn trồng những giống cam dài ngày, xây dựng chế độ chăm sóc “đặc biệt” để bán dịp Tết Nguyên đán.


Hàng trăm hộ dân các xã vùng trà sơn Can Lộc thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây cam chanh

“Muốn cam chín đúng dịp tết ngoài việc trồng thêm một số giống dài ngày thì thời điểm bón phân cũng phải chậm hơn khoảng 1 tháng. Năm nay nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất cam theo VietGAP nên chi phí đầu tư giảm được đáng kể, mẫu mã quả đẹp, năng suất đạt gần 25 tấn/ha. Bây giờ giá bán chỉ được 35.000 - 50.000 đồng/kg nên tôi đang để lại một phần diện tích chờ dịp tết bán nhằm tăng thêm thu nhập”, chị Phan Thị Hiền chia sẻ.

Ông Nguyễn Viết Chuân, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho hay, cam chanh được người dân đưa về trồng trên đất Thượng Lộc cách đây hơn 20 năm, nhưng tại thời điểm đó không mang lại hiệu quả.

Đến năm 2008, người dân thôn An Hùng đưa giống cam từ Khe Mây về trồng thử, cho thấy sự thích nghi tốt với đất đai thổ nhưỡng, cam đậu quả nhiều, vị cam rất ngọt, được các nhà chuyên môn đánh giá cao nên từ đó các thôn khác như Thanh Mỹ, Sơn Bình, Vĩnh Xá đua nhau mở rộng diện tích.

Hiện toàn xã đã phát triển được 147ha cam, trong đó, 42ha trồng mới. Ngoài cam chanh, Thượng Lộc còn trồng thành công một số giống cây ăn quả đặc sản khác như bưởi Phúc Trạch, hồng vuông…

Sẽ có nhãn mác

Huyện Can Lộc có đến gần 2.000ha đất đồi núi, đất đỏ bazan và gần 4.000ha đất lâm nghiệp, tập trung chủ yếu ở vùng trà sơn thuộc các xã Thượng Lộc, Gia Hanh, Phú Lộc, Thường Nga, Quang Lộc, Sơn Lộc, Mỹ Lộc và Đồng Lộc, thuận lợi để phát triển mạnh cây ăn quả, đặc biệt là xây dựng mô hình vườn cam kiểu mẫu.


Mỗi năm HTX Đồng Uyên, xã Thượng Lộc cung ứng 10.000 cây giống cam chanh cho người dân trên địa bàn

Từ điểm khởi đầu là xã Thượng Lộc, đến nay nhiều diện tích cây cam chanh được mở rộng sang các xã Mỹ Lộc, Đồng Lộc, Nga Lộc, Phú Lộc… Chỉ tính vài năm trở lại nay, diện tích cam chanh trên đất Can Lộc liên tục tăng cả về diện tích và sản lượng. Năm 2016, toàn huyện có hơn 600ha/8 xã với sản lượng ước 6.000 tấn, tổng giá trị ước hơn 200 tỷ đồng.

“Tuy nhiên vì chưa xây dựng được thương hiệu cam Thượng Lộc nên người sản xuất gặp rất nhiều thiệt thòi. Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều loại cam không đạt chất lượng vẫn mang danh cam Thượng Lộc bày bán khắp nơi, hoặc cam Thượng Lộc được bán với tên gọi của các loại cam đặc sản khác”, ông Nguyễn Viết Chuân nói.

Để đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định, việc xây dựng thương hiệu cho cam Thượng Lộc được chính quyền huyện Can Lộc đặt lên hàng đầu. Sau khi được cấp nhãn hiệu cam Thượng Lộc, việc bảo vệ và phát huy thương hiệu sẽ triển khai từ khâu giống, trồng đến thu hoạch, bảo quản. Hiện huyện đang thực hiện mô hình thâm canh cây cam theo VietGAP, đây một hướng sản xuất cam bền vững và mang lại thu nhập cao cho người dân, đồng thời đưa sản phẩm cam của Hà Tĩnh đứng vững trên thị trường.

Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc khẳng định: “Cuối năm nay, việc xây dựng thương hiệu cam Thượng Lộc sẽ hoàn tất. Có thương hiệu, chúng tôi sẽ liên kết với các doanh nghiệp đảm bảo đầu ra, giúp cam Thượng Lộc có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Trước mắt UBND huyện sẽ xây dựng 3 gian hàng sản phẩm trong toàn huyện, sau đó phối hợp với Sở Công thương tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm đưa cam Thượng Lộc đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.

Cũng theo ông Cường, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, nhân rộng mô hình thâm canh VietGAP áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt; đồng thời, hướng dẫn bà con tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản.

Theo TÂM ĐAN - THANH NGA (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 250
Tổng truy cập: 38879345