'Canh' thanh long bán Tết (07/01/2017)

Để cung ứng thanh long cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ở "thủ phủ" cây thanh long Bình Thuận, nông dân đang tất bật chong đèn và chăm sóc cây trái chờ ngày thu hoạch.

Về Bình Thuận những ngày này vào ban đêm, vùng trời các xã trồng thanh long đâu cũng rực sáng ánh đèn vàng. Đó là hình ảnh những vườn thanh long đang được nông dân chong đèn để điều khiển ra trái “nghịch” vụ bán vào dịp Tết.


Để có thanh long bán Tết, nhiều nhà vườn phải chong đèn điều khiển

Cũng như các vùng trồng thanh long khác trong tỉnh, tại xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc thời điểm này, chúng tôi chứng kiến nhiều vườn đang kỳ chong đèn, quả mới ra to hơn nửa nắm tay.

Gặp chị Đặng Thị Thanh Hương, thôn Phú Nhang đang tất bật vuốt tai thanh long- đây là khâu quan trọng giúp trái có mẫu mã đẹp. Toàn bộ 280 trụ thanh long của gia đình chị đã ngắt chong đèn gần 2 tháng nay, dự kiến sẽ cắt trái vào sát Tết. Hy vọng thanh long được mùa, được giá giúp chị có tiền sắm Tết.

Còn gia đình chị Trương Thị Trinh, người cùng thôn có 700 trụ thanh long hiện còn đang chong đèn, dự kiến sẽ bán trái vào dịp trước và sau Tết.


Chong đèn "canh" thanh long ra quả bán dịp Tết

Nói về giá cả, chị Trinh cho hay, gần đây giá thanh long tăng lên 15-18.000 đồng/kg (loại 1), nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên giá này chỉ được giữ được thời gian ngắn, sau đó giảm mạnh, hiện chỉ còn 10-11.000 đồng/kg, riêng thanh long loại 2, chỉ bán được từ 4-5.000 đồng/kg.

“Chính sự “nhảy múa” của giá thanh long dao động từng ngày khiến chúng tôi rất lo lắng cho vụ thu hoạch thanh long giáp Tết”, chị Trinh hồi hộp nói.

Tượng tự, tại xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) nhiều nông dân cũng đang “canh” thời gian để thanh long thu hoạch trúng tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Văn Tuấn có gần 1.000 trụ thanh long, hiện thanh long đang rút râu và quả chạy chỉ (trái xanh, có những sọc chỉ màu đỏ dọc thân trái, bắt đầu chín).

Theo tính toán của ông Tuấn, lứa này thanh long này ông sẽ thu hoạch khoảng giữa tháng Chạp. Nếu như giá trên 15.000 đ/kg, thì cũng kiếm vài chục triệu đồng dư tiền sắm Tết.


Nông dân lo lắng giá thanh long dịp Tết

Gia đình anh Lê Tùng, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam có trên 1.000 trụ thanh long lại chọn cách chong đèn theo pha, mỗi pha chong đèn từ 18- 20 ngày (tương tự như mỗi lứa chong đèn khoảng 18-20 ngày).

Bởi theo anh Tùng, cách chong đèn kiểu này sẽ thu hoạch lai rai, chứ không dồn vào một lần bán Tết, nếu thất bại thì còn lứa khác để bù vào. Chứ như năm ngoái nhiều người căng sức dồn cho vụ Tết nhưng do chong đèn bị “gãy” lứa nên thua lỗ nặng.

Theo kinh nghiệm bà con nông dân, để vụ chong đèn thanh long hiệu quả cao cần chăm sóc cho thanh long có đủ sức để ra nụ, ra hoa. Đồng thời, phải bón phân theo nguyên tắc  “4 đúng” và “4 nhìn” (nhìn trời, đất, cây và hiệu quả kinh tế).

Trong đó, ưu tiên các loại phân có hàm lượng lân, cali, canxi, magie, silic, kẽm... Nếu vườn quá suy yếu, ngoài việc bón phân theo “4 đúng”, “4 nhìn”, cần hỗ trợ thêm phân bón lá có hàm lượng lân, canxi, kẽm cao.

Kiểm tra độ chắc, khỏe của cành thanh long trước khi chong điện. Nếu cành còn suy yếu thì phải chờ phục hồi hoàn toàn mới bắt đầu chong. Tùy theo thời tiết, để quyết định thời gian chong đèn, cũng như kỹ thuật mắc bóng đèn (xen kẽ bóng đèn compact và bóng tròn nếu trời lạnh).

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có trên 26.500 ha thanh long, sản lượng trên 500 ngàn tấn/năm. Để phát triển bền vững, tỉnh định hướng nâng cao sản xuất thanh long VietGAP, GlobalGAP; đồng thời tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thu hút các DN tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trời mưa đã tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh đốm nâu phát triển mạnh trên các vườn thanh long, đặc biệt là những vườn đang mang trái và vườn lấy cành non.

Theo Chi cục BVTV tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 5.544 ha thanh long nhiễm bệnh đốm nâu, trong đó nhiễm nhẹ 4.641 ha, nhiễm trung bình 867 ha và nhiễm nặng 36 ha, so cùng kỳ năm 2015 tăng 3.106 ha.

Chi cục BVTV đề nghị các Trạm BVTV tiếp tục theo dõi sát dịch bệnh trên vườn, đồng thời hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng bệnh. Mặt khác, cần vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh và ủ bằng chế phẩm BIO-ADB để diệt nấm bệnh.

Tuyệt đối không để cành, trái bị bệnh hại nặng trong vườn thanh long, hoặc vứt bỏ tại lề đường, bờ mương, bờ sông và kênh rạch vì đây là nguồn bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan theo gió và nước.

Theo KIỀU HẰNG- KIM SƠ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 197
Tổng truy cập: 37093455