Trái cây vượt qua thách thức, tạo bước ngoặt quan trọng (03/01/2017)

Niềm vui lớn khi ngành trái cây của Việt Nam xuất khẩu bùng nổ trong năm 2016, mở ra một thời kỳ mới đầy triển vọng.

Trái cây trên đà rộng mở Năm 2017 XK trái cây nhiều khả năng tiếp tục bứt phá ngoạn mục khi cánh cửa thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan... ngày càng rộng mở!


Niềm vui với nhà vườn

Thật đáng ghi nhận khi XK trái cây đã vượt qua hàng loạt rào cản về kiểm dịch thực vật (KDTV) để thâm nhập thành công những thị trường khó tính. Đặc biệt trong năm 2016 mặt hàng rau quả XK của ta đã đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục. Nếu như cả năm 2015, XK rau quả chỉ đạt 1,8 tỷ USD, thì năm nay mới tính đến đầu tháng 12, giá trị XK của mặt hàng này đã lên tới trên 2,178 tỷ USD. Trong đó, riêng trái cây chắc chắn đạt trên dưới 1,7 tỷ USD.

Theo Hiệp hội rau quả VN, những năm gần đây, giá trị kim ngạch XK của ngành trái cây Việt Nam liên tục tăng. Dự tính, năm 2016, tổng giá trị kim ngạch XK rau quả có thể đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng hơn 10 lần so với năm 2005, trong đó, riêng trái cây XK chiếm 70% giá trị này.

Điều đáng mừng khi Mỹ đã cho nhập hàng loạt các loại trái cây của Việt Nam như thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải thiều (yêu cầu chiếu xạ); đồng thời bắt đầu hoàn thành các thủ tục để cho phép nhập thêm xoài và vú sữa. Nhật Bản cũng đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, xoài (xử lý hơi nước nóng). Đến nay, Úc cũng đã chính thức nhập khẩu quả vải của Việt Nam và đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng để mở cửa thị trường cho quả thanh long và xoài...


Mặt hàng chuối - tiềm năng xuất khẩu lớn trong năm tới

“Giá trị xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, châu Âu tiềm năng gấp nhiều lần so với thị trường Trung Quốc, nhưng rủi ro cũng rất cao. Đã có nhiều bài học khi DN xuất khẩu trái cây sang một số nước châu Âu bị trả về do không đáp ứng tiêu chuẩn và chỉ còn biết giảm giá để “bán tống bán tháo” tại thị trường trong nước. Vì thế, vấn đề kiểm soát chất lượng, mẫu mã và kiểm dịch thực vật phải được đáp ứng nghiêm ngặt” - ông Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội rau quả VN (Vinafruit).

Đây chính là điểm sáng trong bối cảnh hàng loạt nông sản gặp khó khăn trong XK. Thậm chí, có những thời điểm ngành rau quả của ta tưởng chừng như bất lực, ít ai nghĩ rằng ngành trái cây từ chỗ chỉ XK được vài chục, vài trăm triệu USD, nhưng đến nay đã vọt lên trên 2 tỷ USD như vậy.

Đặc biệt, trái cây tươi của Việt Nam đã thỏa mãn được tất cả các điều kiện nhập khẩu để bước chân vào những thị trường khó tính có quy định khắt khe về KDTV và an toàn thực phẩm (ATTP) như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc...

Để vượt qua được những thách thức rào cản này, trong những năm qua ngành trái cây đã chủ động tổ chức lại sản xuất theo quy trình. Nông dân các địa phương đã tự nguyện tham gia vào các tổ hợp tác, HTX và bước đầu hình thành những vùng sản xuất lớn theo tiêu chuẩn ATTP.

Các cơ quan khoa học cũng đã gắn bó với nông dân trong việc xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau quả an toàn. Nhờ vậy sản phẩm trái cây của nhà vườn, HTX đã đủ tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng, được cấp chứng nhận VietGAP/GlobalGAP, qua đó càng tăng thêm tính thuyết phục, sự tin tưởng tại thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật, châu Âu.

Chủ động liên kết sản xuất

Gia đình ông Đỗ Văn Em, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có 8.000m2 trồng xoài cát, ông đang cắt tỉa bớt những trái xoài trên cây để chuẩn bị cho lứa xoài tốt nhất chuẩn bị phục vụ XK sang thị trường Úc.

“Bà con chúng tôi khi nghe trái cây của mình XK được sang thị trường nước ngoài là mừng lắm vì bán được giá cao. Từ khi HTX được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất theo đúng quy trình để có sản lượng lớn, mẫu mã đồng đều đạt tiêu chuẩn chất lượng XK.


Nhà vườn đi vào sản xuất theo quy trình để cung ứng xuất khẩu

Do vậy, tư duy của bà con chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi, không phải mình sản xuất để bán những gì mình có nữa mà đi vào sản xuất theo nhu cầu và tiêu chuẩn của thị trường mới… ăn tiền”, ông Em chia sẻ.

Ông Chu Hồng Châu, Phó GĐ Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II: “Qua khảo sát tại thị trường Mỹ, thanh long ruột trắng Việt Nam (loại 1) bán lẻ khoảng 15 USD Mỹ/kg (tương đương với hơn 330.000 đồng/kg). Còn loại 2 xấu hơn cũng có giá trên 13 USD Mỹ/kg (tương đương khoảng 280.000 đồng/kg). Thông thường giá bán của nhà XK Việt Nam chỉ bằng 50% giá bán lẻ của nhà nhập khẩu nước ngoài”. Vì thế, giá trị gia tăng của ngành trái cây VN còn dư địa rất lớn để phát triển.

Theo HTX xoài Mỹ Xương Đồng Tháp, hiện có nhiều đối tác đã liên hệ với HTX để đặt hàng mua xoài tươi xuất bằng đường hàng không qua cả hai thị trường khó tính Úc và Mỹ với giá rất cao.

Do vậy, nông dân đang gấp rút chuẩn bị để tiếp tục XK mặt hàng xoài vào dịp cuối năm nay.

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: “Dù sản lượng xuất khẩu xoài hàng năm mới chỉ khoảng 2 ngàn tấn/tổng sản lượng 90 ngàn tấn xoài của địa phương, nhưng rõ ràng là tín hiệu vui, là động lực mới, địa phương có niềm tin về sản phẩm của mình đáp ứng được tiêu chuẩn XK.

Tuy nhiên, để XK được xoài sang các thị trường khó tính thì đòi hỏi nông dân phải thay đổi về nhận thức canh tác khác so với sản xuất truyền thống trước đây mới đáp ứng được yêu cầu”.

Đến thời điểm này, Tiền Giang cũng đã thành lập được 13 HTX, 33 THT sản xuất tiêu thụ trái cây. Các HTX và THT bước đầu đã gắn kết nhà vườn với DN tổ chức sản xuất và tiêu thụ một số loại trái cây chủ lực như xoài, sầu riêng, thanh long, khóm, vú sữa, bưởi...

Hàng năm, các HTX và THT chuyên canh trái cây đặc sản trên địa bàn tỉnh đều ký hợp đồng với các DN tiêu thụ trái cây các loại.

 

Còn với ngành nông nghiệp Long An hiện cũng đang tích cực hỗ trợ các DN, địa phương, hộ nông dân sản xuất, xây dựng mối quan hệ liên kết sản xuất - tiêu thụ, ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực phát triển như bưởi, cam, nhãn, xoài…

Trái cây đã vươn đến hơn 40 thị trường

Theo Bộ NN-PTNT trái cây của Việt Nam đã XK sang hơn 40 quốc gia vùng lãnh thổ, tình hình XK trái cây tươi sang các thị trường khó tính ngày càng tiến triển tốt.

Trong tương lai XK rau quả nước ta sẽ còn nhiều triển vọng, có thể đạt đến 10 tỷ USD/năm khi tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu rau quả hàng năm của thế giới rất lớn, khoảng 240 tỷ USD.

Để đạt được triển vọng này, ngành rau quả Việt Nam cần đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường nhập khẩu. Đồng thời, nâng cao giá trị cho trái cây Việt Nam bằng cách thâm nhập những thị trường khó tính.

Trung Quốc hiện chiếm 50% sản lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam, trong đó trái cây tươi chiếm 80%. Theo các DN, Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần trái cây xuất khẩu của Việt Nam do khoảng cách địa lý gần, thị trường dễ tính, không đòi hỏi các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe như các nước khác.

Hơn nữa, các DN ngoài hình thức XK chính ngạch có thể đi theo con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, gần đây thị trường này đang mất dần lợi thế.

Ông Nguyễn Hữu Danh, GĐ Cty Long Việt (Tiền Giang) cho biết: “Hiện doanh nghiệp chúng tôi đang chủ động tìm kiếm thị trường mới để giảm dần sản lượng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, vì thị trường này khá bấp bênh…”.

Theo MINH SÁNG - NGUYỄN HAI (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 164
Tổng truy cập: 38810791