Cánh đồng lớn Tân Tiến (03/12/2016)

UBND huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang củng cố và xây dựng các HTX đủ mạnh để thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, đồng thời xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2016, toàn huyện đã nhân rộng CĐL gắn liên kết tiêu thụ lên 49.700ha. Chi phí sản xuất bình quân giảm 150 đồng/kg lúa và lợi nhuận tăng thêm 954.300 đồng/ha. Như vậy, với 49.700ha, nông dân huyện Tam Nông có lợi nhuận tăng thêm 47,4 tỷ đồng.


Nông dân HTX Tân Tiến làm đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa ĐX 2016-2017

Toàn huyện còn có 32 HTX và 3 HTX phi nông nghiệp chuyển đổi xong hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Hầu hết các HTX đều hoạt động có lãi từ dưới 100 - 600 triệu đồng. Cá biệt, có HTX đạt lãi trên 1 tỷ đồng. Một trong những HTX hoạt động hiệu quả là HTX Tân Tiến.

HTX Tân Tiến sau chuyển đổi có diện tích đất trồng lúa hơn 887ha. Trong đó, có 600ha sản xuất lúa 3 vụ/năm và trên 287ha sản xuất lúa 2 vụ/năm. HTX có 345 thành viên tham gia góp vốn điều lệ 6.950 triệu đồng. Số dịch vụ ngành nghề tăng từ 1 lên 5 dịch vụ, bao gồm dịch vụ bơm nước tưới tiêu, sản xuất giống cây trồng, cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV), vận chuyển hàng hóa và tư vấn kỹ thuật nông nghiệp…

HTX đã tổ chức từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Từ vụ HT 2012, HTX xây dựng mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ, với quy mô 200ha. Sau khi thực hiện khởi điểm thành công, đến nay đã mở rộng quy mô ra toàn HTX với hơn 887ha, sản xuất cùng một loại giống lúa Jasmine 85. Kết quả liên kết tiêu thụ với một số doanh nghiệp vụ ĐX 2015 với 4.096 lượt hộ tham gia bán 26.095 tấn/4.208ha. Giá bán cao hơn bên ngoài 200 đồng/kg, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân 5,2 tỷ đồng.

Trong quá trình canh tác, nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm giúp giảm chi phí đầu vào, tăng thêm lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Kết quả cho thấy đã giảm chi phí giá thành so bên ngoài bình quân 1,5 triệu đồng/ha. Qua 9 vụ triển khai canh tác là 6.385ha, HTX đã giảm chi phí gần 10 tỷ đồng. Từ đó, đã đem lại lợi nhuận cho các thành viên HTX gần 15 tỷ đồng so với sản xuất truyền thống.


Nhiều năm qua HTX thực hiện CĐL giúp tăng lợi nhuận cho xã viên

Để thích ứng trong tình hình mới, HTX Tân Tiến đã lập kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn để thực hiện dự án CĐL giai đoạn 2016 - 2020 là bước đi phù hợp để khai thông bế tắc đề án thí điểm liên kết chuỗi giá trị lúa gạo của tỉnh.

Ông Phạm Văn Đức, thành viên HTX Tân Tiến cho biết: “Ngày đầu triển khai mô hình sản xuất theo hướng VietGAP có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, chúng tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng, sau khi thực hiện các vụ lúa thì tôi thấy cách làm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, HTX rất khoa học và hợp lý nên rất vững tin”.

Ông Võ Văn Đào, Giám đốc HTX Tân Tiến chia sẻ, từ khi HTX vận động các thành viên thực hiện mô hình cánh đồng liên kết gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, nông dân hưởng lợi rất nhiều, nhất là việc giảm chi phí sản xuất gồm giảm trên dưới 1 triệu đồng phân bón, thuốc BVTV, giá thành sản xuất giảm 365đồng/kg lúa và lợi nhuận cao hơn từ 1,6 - 2,7 triệu đồng/ha, thu nhập của thành viên tăng lên…”.

 

Theo TRẦN TRỌNG – HOÀNG LÊ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 154
Tổng truy cập: 37043037