Bứt phá ngoạn mục, xuất khẩu rau quả có thể cán mức 2,5 tỷ USD (09/11/2016)

Tín hiệu vui khi nhiều loại mặt hàng trái cây của Việt Nam đang từng bước chinh phục những thị trường khó tính nhất. Những tháng cuối năm xuất khẩu (XK) rau quả bứt phá ngoạn mục. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK rau quả đã chạm mức trên 1,8 tỉ USD. Vinafruit cũng dự báo xu hướng tăng trưởng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới...

Bứt phá ngoạn mục

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), hơn 10 năm trở lại đây, XK rau quả nói chung, đặc biệt là mặt hàng trái cây nói riêng đang có chiều hướng tăng mạnh. Nếu như năm 2005, rau quả Việt Nam mới XK tới 36 nước và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch trên 235 triệu USD, thì đến nay số thị trường XK đã lên đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó riêng trái cây chiếm trên 70%.


Doanh nghiệp đang xúc tiến chào hàng thanh long xuất khẩu

Tín hiệu vui hơn khi từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK rau quả đã chạm mức trên 1,8 tỉ USD. Vinafruit cũng dự báo xu hướng tăng trưởng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tăng mạnh vào những tháng cuối năm vì phục vụ cho các ngày lễ, tết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, 2015 là năm đánh dấu kim ngạch XK rau quả lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, năm 2016 nhiều khả năng giá trị XK rau quả sẽ còn cán mức 2,5 tỉ USD, có thể lần đầu vượt qua cả lúa gạo và trở thành một trong những mặt hàng XK chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài các thị trường XK truyền thống, ta còn tích cực mở thêm nhiều thị trường mới; nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc… Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, năm nào cũng có loại trái cây mới của ta được XK vào các thị trường khó tính trên, mở ra nhiều cơ hội để nâng cao giá trị XK cho trái cây Việt Nam.

Thực tế cho thấy, nếu trước đây các DN Việt Nam chỉ XK trái cây đông lạnh hoặc hàng chế biến với giá trị thấp thì nay XK trái cây tươi đã mang lại giá trị cao gấp nhiều lần. Cụ thể trong số 29 loại trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam, có nhiều loại có giá trị xuất khẩu tăng kỷ lục như dưa hấu, cam, ổi, mận, chuối. Tuy nhiên, thanh long vẫn là sản phẩm chiếm giá trị lớn nhất trong số các sản phẩm trái cây tươi XK.

Đồng thời, thêm những tín hiệu vui về thị trường đối với trái vú sữa và xoài của ta, khi mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đề xuất cho phép hai loại trái cây tươi này của Việt Nam tiếp tục được nhập khẩu vào Mỹ.

Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Theo Cục Trồng trọt, trong những năm gần đây, năng suất, chất lượng các loại trái cây không ngừng tăng lên nhờ việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, tuyển lựa sử dụng giống mới. Hơn nữa, công tác BVTV cũng được chú trọng, bao trái phòng trừ sâu bệnh, tạo cho trái có hình thức, màu sắc đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường XK.

Anh Đặng Tuấn Thành, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai), chủ vườn bưởi da xanh 1,9 ha (khoảng 600 gốc) phấn khởi chia sẻ: “Vườn bưởi của gia đình tôi nhờ áp dụng biện pháp xử lý rải vụ nên quanh năm cho thu hoạch, bình quân mỗi tháng thu được khoảng 1 tấn bưởi. Còn vào thời điểm mùa nghịch (tháng 3-4) cho thu tới 3 tấn/tháng và bán cũng được giá cao hơn mùa thuận”.


Bưởi da xanh luôn có giá cao

Theo anh Thành, hiện mỗi năm gia đình thu được khoảng gần 20 tấn bưởi da xanh, sau khi trừ hết chi phí còn thu lãi ròng 600 triệu đồng. Đến nay, anh Thành đã có thể chủ động về kỹ thuật chăm sóc và xử lý vườn bưởi cho ra bông và đậu trái bất cứ lúc nào.

Theo ông Nguyễn Thế Bảo, GĐ HTX Nông nghiệp Dịch vụ - Thương mại - Du lịch Suối Lớn (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), để mặt hàng trái cây XK được thì trước hết mình phải đảm bảo được tất cả các yêu cầu của nước nhập khẩu. Do vậy, ngay từ năm 2010 HTX đã bắt đầu ứng dụng sản xuất theo quy trình VietGAP trên tất cả diện tích vườn xoài của xã viên.

Đến 2011, tiếp tục đi tiên phong triển khai thêm GlobalGAP để đào tạo “nâng cấp” trình độ sản xuất cho nông dân phải làm ra sản phẩm xoài đạt chuẩn quốc tế sẵn sàng “bay” sang các thị trường khó tính.

“Hiện HTX chúng tôi đã có một số đối tác đặt hàng ngàn tấn xoài XK vào Nhật Bản và Úc trong vụ tới. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, HTX cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là trong đầu tư cho khâu sơ chế, bảo quản; về mặt hồ sơ, thủ tục để đủ điều kiện được cấp mã vùng trồng; tổ chức chiếu xạ trái cây theo yêu cầu xuất khẩu”, ông Bảo đề xuất.

Những thách thức

Mặc dù XK rau quả từ nay tới hết năm 2016 được nhìn nhận tương đối khả quan, nhưng theo Vinafruit, mặt hàng này vẫn phải đối mặt với một số khó khăn cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường Thái Lan, Indonesia, Myanmar… Hơn nữa, do ảnh hưởng của xâm ngập mặn khiến diện tích chôm chôm, sầu riêng và một số loại quả ở ĐBSCL đã bị giảm mạnh và dẫn đến sản lượng các loại quả này sẽ giảm.

Đối với thị trường XK rau quả Việt Nam, Trung Quốc (TQ) vẫn chiếm tỉ lệ cao. Tuy nhiên, mới đây thông tin TQ mở cửa thị trường nông sản rau quả cho Philippines nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến XK rau quả Việt Nam.


Dừa tươi Bến Tre đang được xuất qua thị trường Mỹ với giá cao

Vinafruit nhận định: Đối với ngành rau quả nói chung, thời gian qua, tình hình nhập khẩu rau quả tại một số thị trường “tăng nóng” cũng gây ra khó khăn nhất định. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan tăng trên 62,37%; TQ tăng 27,5%; Australia tăng 172%… Chính việc khơi thông các thị trường khó tính đã mang lại “lợi ích kép” cho nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, vừa tránh cho ngành rau quả không bị phụ thuộc vào một thị trường như trước đây, mà còn giúp cho người nông dân thay đổi được thói quen, phương thức sản xuất, bắt đầu đi vào sản xuất và bán những gì thị trường cần.

TS.Nguyễn Hữu Đạt (Vinafruit) cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều thành tích trong XK rau quả nói chung và trái cây nói riêng, nhưng giá thành và chất lượng VSATTP đối với nhóm quả tươi XK hiện nay của Việt Nam vẫn là thách thức lớn.

Để đẩy mạnh XK rau quả nói chung và trái cây Việt Nam sang các thị trường khó tính, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì bản thân các DN cũng cần chủ động tiếp cận với nhiều nguồn lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tăng khả năng XK của DN với những thị trường đã mở.

Đồng thời, các DN cần phải gắn kết với vùng nguyên liệu và vùng trồng, làm ăn theo hướng lâu dài và bền vững.

 

GS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam (Sofri) chia sẻ: Thông tin rất vui khi đến cuối năm nay, giá trị XK rau quả dự kiến ​​sẽ vượt qua con số kỷ lục 2 tỉ USD của năm ngoái và có thể đạt 2,5 tỉ USD.

Theo tôi một số lý do của sự gia tăng này đáng chú ý nhất là việc chấp nhận cho trái cây như vải, xoài, thanh long và chôm chôm vào Mỹ và Úc.

Tuy nhiên, quan trọng là các nhà sản xuất trái cây và rau quả Việt Nam đã áp dụng tốt công nghệ mới để trồng rau quả nên đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.

Đặc biệt, năm nay nhiều DN đã đầu tư vào sản xuất giống chuối già XK vào thị trường Nhật và Hàn Quốc được giá rất cao so với xuất sang TQ. Tôi cho rằng đây cũng là khâu đột phá góp phần nâng cao giá trị XK rau quả.

 

Theo MINH SÁNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 203
Tổng truy cập: 37012987