Chanh dây bất ngờ tăng giá, cơn sốt ở Đắk Nông lại bắt đầu (19/07/2016)

Chanh dây tăng giá, nhiều nông dân đã chặt bỏ những vườn cà phê và cao su trị giá hàng trăm triệu đồng bao nhiêu năm nay để trồng chanh dây. Giá quả tăng khiến giá cây giống tăng theo, hiện lên tới 20.000 – 25.000 nghìn đồng/dây...


Có nơi, việc trồng chanh dây giúp nông dân thu nhập lên đến tỷ đồng/ha.

Giá chanh dây trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục tăng cao, có lúc gần 30.000 đồng/kg, người trồng chanh dây liên tiếp thắng lớn, thu về vài trăm triệu đến hơn tỷ đồng/ha. Siêu lợi nhuận, nhiều nông dân trong tỉnh hớn hở đầu tư, chuyển đổi sang trồng chanh dây.

Cơn sốt lại bắt đầu

Từ đầu năm đến nay, giá quả chanh dây trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bất ngờ tăng chóng mặt, giữ mức ổn định trong thời gian dài. Chỉ cách đây hơn 1 tháng, giá chanh dây tăng đột biến lên mức 27.000 đồng/kg, thời gian gần đây, giá chanh giảm dần nhưng vẫn ở mức trên 13.000 đồng/kg.

Chanh dây tăng giá, nhiều nông dân đã chặt bỏ những vườn cà phê và cao su trị giá hàng trăm triệu đồng bao nhiêu năm nay để trồng chanh dây. Giá quả tăng khiến giá cây giống tăng theo, hiện lên tới 20.000 – 25.000 nghìn đồng/dây; đa phần dây chanh giống này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

5 năm trước, cơn sốt cao su bùng phát, gia đình anh Trần Văn Thuận, xã Nhân Cơ (Đắk R’Lấp), cũng hồ hởi đầu tư, trồng gần 2 ha cao su. Giá mủ cao su xuống thấp, anh chỉ thu hoạch được 1 mùa rồi ngưng cạo. Giá chanh dây tăng chóng mặt anh quyết định chặt bỏ hết vườn cao su để trồng chanh dây.

Anh Thuận cho biết, để đầu tư một vườn cao su cho đến năm thứ 6 như hiện nay, gia đình đã bỏ ra khoảng hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình vẫn quyết định chặt bỏ vườn này để trồng chanh dây.

Anh Thuận phân tích, với giá mủ cao su như hiện nay thì 2 ha này mỗi năm thu về không đáng bao nhiêu. Nên chuyển đổi sang cây trồng khác là đương nhiên. Tuy nhiên, trồng loại cây nào cho phù hợp, hiệu quả, là bài toán khó. “Trồng cà phê rất mất công sức, sau 3 năm cà phê mới bắt đầu cho thu hoạch, mùa khô thì tưới nước, cắt cành; mùa mưa làm cỏ, bón phân… Tuy nhiên, lời lại không cao. Mỗi ha trung bình lời chỉ từ 25 – 30 triệu đồng, 6 con người trong nhà trông chờ vào ngần ấy thì sống sao nổi”.

Bị cơn sốt chanh dây cuốn vào, anh Thuận quyết tâm thực hiện giấc mộng làm giàu với chanh dây. Anh Thuận cho hay, cây chanh dây có tuổi thọ 3 năm, sau khi trồng 6 tháng, chanh bắt đầu ra hoa, hơn 2 tháng sau bắt đầu thu hoạch. Chanh dây thu hoạch liên tục cho đến khi dây tàn, với trung bình 90 tấn/ha/năm. Với giá bán hiện nay, mỗi ngày người trồng chanh dây thu lợi lên đến vài triệu, tiền tỷ mỗi năm là cái chắc.


Nông dân Đắk Nông và các tỉnh Tây Nguyên đang ra sức phát triển diện tích chanh dây

Chúng tôi tìm về vùng Thuận Hạnh, Thuận Hà (Đắk Song) nơi có diện tích phát triển chanh dây khá nhanh và bài bản. Anh Vũ Hồng Ánh, chủ nhân khu vườn rộng 2 ha trồng chanh dây đang cho thu hoạch rộ. Gặp chúng tôi, anh hớn hở khoe mới bán cho thương lái gần 1 tấn chanh dây giá 15.000 đồng/kg. Trước đó cả tháng, nhà anh bán đến cả vài tấn chanh dây với giá 27.000 đồng/kg.

Anh Ánh cho biết, anh có 2 ha chanh dây trồng xen dưới chân trụ tiêu bê tông. Dự định của anh đơn thuần chỉ là trồng xen, kiếm thêm thu nhập, nhưng không ngờ chanh dây phát triển tốt, cho năng suất cao, lại vào cao điểm trúng giá nên kiếm được bộn tiền. “Chanh dây bán với giá 10.000 đồng/kg thì người trồng cũng đã có lời to rồi, còn như hiện nay trên dưới 15.000 đồng/kg, có lúc lên tới 30.000 đồng/kg thì siêu lợi nhuận. Trồng chanh dây cũng nhẹ nhàng, công chăm sóc không nhiều, rủi ro cây chết cũng khá thấp. Riêng vụ chanh dây năm rồi, nhà tôi thu trên 200 tấn, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng”, anh Ánh nói.

Cũng bị hấp dẫn bởi giá chanh dây, nhiều nông dân đã nhanh chóng chặt bỏ cà phê, cao su để lấy đất trồng chanh dây. Theo anh Ánh, tổng chi phí đầu tư 1 ha chanh dây với hệ thống tưới nước nhỏ giọt là 200 triệu đồng. Sau 6 tháng trồng và chăm sóc thì đã có thể thu hoạch được, khi hái chanh xong, thương lái đến tận vườn thu mua và xuất bán sang Trung Quốc. Và với giá bán như hiện nay, mỗi ngày nông dân bỏ túi vài triệu đồng.

Theo một số nông dân, mỗi năm 1 ha chanh dây cho thu hoạch khoảng 90 tấn, thu về hơn 1 tỷ đồng, tương đương với giá trị của 25 tấn cà phê nhân hiện tại. Trong khi đó, để có 25 tấn cà phê nhân thì phải có không dưới 6 ha đất để trồng. Chính vì vậy, nhiều nông dân không hề nuối tiếc khi phá vườn cà phê đang cho thu hoạch của mình.

Tránh lặp bi kịch

Bà Phạm Hương Quê, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tia Sáng, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, là một trong những người đầu tiên đưa chanh dây về trồng tại tỉnh và gắn bó với loại cây này từ năm 2007 đến nay. Hợp tác xã của bà đang là nơi cung ứng giống, trồng chanh dây theo quy trình hữu cơ, sinh học và sơ chế, đóng gói sản phẩm xuất khẩu.

Theo bà Quê, hướng phát triển bền vững chanh dây hiện nay là canh tác theo quy trình nông nghiệp sạch để mở rộng thị trường khó tính ở châu Âu, châu Mỹ. Bên cạnh đó, việc sản xuất, lai tạo giống chanh dây cần được tiến hành trong nước.

Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu, lai tạo thành công giống chanh dây với chất lượng ổn định không thua kém gì sản phẩm giống ngoại nhập. Tuy nhiên, tâm lý của nông dân vẫn chuộng cây giống nhập ngoại.


Nông dân nên thận trọng chuyển đổi, tránh lặp lại bài học phát triển nóng khiến chanh dây rớt giá chạm đáy các năm trước đây

Thêm nữa, để phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế từ chanh dây, Nhà nước cần quy hoạch rõ ràng vùng nguyên liệu vì trên thực tế, chỉ tính riêng tại Đắk Nông cũng chỉ có một số khu vực trồng chanh dây cho năng suất, chất lượng cao.

Cũng theo bà Quê, một cái khó nữa của việc phát triển chanh dây là đến nay nông dân vẫn chưa ổn định về diện tích nên có năm thu hoạch hàng chục, hàng trăm nghìn tấn nhưng có lúc sản lượng rất thấp, không đủ cung ứng cho khách hàng. Đây cũng là rào cản lớn cho việc mở rộng thị trường cũng như buôn bán với các đối tác nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có khoảng 500 ha chanh dây với sản lượng ước đạt 50.000 tấn. Chanh dây được đánh giá là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Đắk Nông, cho năng suất, sản lượng, chất lượng vào loại cao nhất cả nước.

Tuy nhiên, việc phát triển chanh dây tại Đắk Nông vẫn chưa bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ nhất là sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài về khâu giống. Hiện phần lớn giống chanh dây tại Đắk Nông được nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) nên có mức giá khá cao và nông dân cũng gặp nhiều yếu tố bất lợi khi cây chanh mới trồng xuống cần thời gian để thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Thứ hai là phụ thuộc về đầu ra sản phẩm, khi phần lớn chanh dây thương phẩm được xuất đi Trung Quốc. Bài học rút ra từ bi kịch phát triển chanh dây nóng, không theo quy hoạch của các năm 2009, 2014 khiến giá chanh dây chạm đáy vẫn còn đó.

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đắk Nông khuyến cáo người dân không phát triển ồ ạt cây chanh dây, đặc biệt tại các khu vực không phù hợp về thổ nhưỡng. Bên cạnh đó, Trung tâm đang tiếp tục hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích chanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương phổ biến, tập huấn quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây chanh dây, nhằm hạn chế rủi ro cho nông dân.

Theo THANH SA (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 188
Tổng truy cập: 36974902