Xây dựng thương hiệu nâng tầm địa phương (14/07/2016)

Xây dựng được Thương hiệu Quốc gia lớn mạnh sẽ có ý nghĩa to lớn giúp doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vươn ra thế giới.

Quá trình đó không chỉ đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp mà còn cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương.

Địa phương vào cuộc sẽ phát huy sức mạnh tổng thể

Ngày 13/7, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Thương hiệu Quốc gia với sản phẩm địa phương”.

Nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2016”, diễn đàn là nơi trao đổi và thảo luận, đối thoại thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng, thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia nhằm góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền trong tổng thể Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong thời gian tới.

Chương trình có sự tham gia đồng hành truyền thông của các đơn vị: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau...

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, một trong những yếu tố để hội nhập thành công, tranh thủ được cơ hội hợp tác, liên kết mang lại, vượt qua thách thức của sự cạnh tranh gay gắt là phải xây dựng và phát triển sức cạnh tranh tổng thể của quốc gia, trong đó có thương hiệu của các vùng miền có tiềm năng, thế mạnh.


Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Diễn đàn

“Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề đó, trong những năm qua chúng ta đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các vùng miền, nhờ vậy các vùng miền đó đã có bước phát triển ấn tượng ở tầm quốc gia, tạo ra sức mạnh để Việt Nam vươn ra thế giới, tạo vị thế cao ở trong nước và trên thị trường xuất khẩu quốc tế. Tên tuổi của nhiều doanh nghiệp Việt Nam gắn với các thương hiệu vùng miền theo đó cũng được khẳng định” – Thứ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu của địa phương gắn với thương hiệu quốc gia còn nhiều bất cập. Đặc biệt, nhiều địa phương không quan tâm và dành nguồn lực cao cho công tác này.

Về vấn đề này, tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – Trường Đại học Thương mại đã lấy ví dụ về THQG với việc xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch. Theo đó, phát triển thương hiệu quốc gia qua điểm đến du lịch là hướng đi khác biệt hóa nhanh và dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa chú trọng đúng mức đến câu chuyện này. Điều đó dẫn đến thông tin điểm đến du lịch của nhiều địa phương nghèo nàn, sản phẩm du lịch ít và đơn điệu, đặc trưng vùng miền chưa rõ…

Nếu gắn kết các điểm đến du lịch với phát triển THQG sẽ giúp gia tăng mức độ biết đến thương hiệu và tạo cảm nhận nhanh nhất, đầy đủ nhất về đất nước và con người một quốc gia- PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu là “mạ vàng” cho nông sản

Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn về nông nghiệp và thực tế đã trở thành quốc gia xuất khẩu một số nông sản hàng đầu thế giới. Bên cạnh gạo, hồ tiêu, điều…, vài năm trở lại đây, Việt Nam xuất khẩu thành công vải, xoài, chôm chôm… vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật… cũng là một thành công lớn, dù mới chỉ ở ngưỡng ban đầu. Đây sẽ là tiền đề cho quá trình tạo dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt tiến bước.



Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia với sản phẩm địa phương

Hưng Yên – miền đất của nhãn lồng, thứ đặc sản đã đi vào tiềm thức của người tiêu dùng Việt với câu ca “Dù ai buôn bắc bán đông/Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”, chính quyền nơi đây đang thực hiện hàng loạt giải pháp để bảo vệ và phát triển thương hiệu Nhãn lồng Hưng Yên. Trong đó, tỉnh đã xây dựng chiến lược, kế hoạch quảng bá thương hiệu một cách mạnh mẽ, cụ thể hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, địa phương này đang đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Nhãn lồng Hưng Yên”…

Năm 2016 được coi là năm thành công lớn của vải thiều của Bắc Giang khi vừa được mùa, vừa được giá và tiếp tục có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Có được điều đó là nhờ nỗ lực lớn của chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang trong việc xây dựng và bảo thương hiệu vải thiều. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện giá trị quả vải Bắc Giang đã cao hơn nhiều so với trước đây khi chưa có thương hiệu.

Hay như tại Hòa Bình, địa phương này có sản vật Cam Cao Phong đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, những năm trước đây, diện tích trồng cam liên tục giảm vì đầu ra bấp bênh. Mặc dù chất lượng tốt, vị ngọt ngon song do chưa có thương hiệu nên mặt hàng này có giá trị thấp.

Để khắc phục tình trạng này, ông Bùi Văn Thắng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình cho hay, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Cao Phong tổ chức quy hoạch lại vùng cam và xây dựng thương hiệu cho cam.

Theo đó, chỉ trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi, không trồng ồ ạt; đồng thời hướng dẫn người dân trồng theo mô hình cam sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Đến năm 2014, Cam Cao Phong đã được Bộ KHCN chứng nhận “Thương hiệu chỉ dẫn địa lý”. Chỉ 2 năm sau, sản phẩm Cam Cao Phong đã khẳng định được giá trị thương hiệu và ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Nhờ vậy, diện tích, sản lượng và giá bán tăng từ 2-3 lần so với trước đây.

Chỉ qua vài ví dụ điển hình của các địa phương trên có thể thấy, giá trị nông sản Việt đã được nâng cao hơn nhiều khi có thương hiệu. Bởi vậy, xây dựng được thương hiệu chính là “mạ vàng” cho nông sản.

Theo LÊ THÁI (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 138
Tổng truy cập: 37024061