Bưởi VietGAP Hiếu Liêm (10/06/2016)

Bưởi VietGAP Hiếu Liêm

Bưởi da xanh có nguồn gốc từ xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Do loại bưởi này có chất lượng nổi tiếng nên đã được nhiều nhà vườn ở Bình Dương nhập về để trồng thử.

Xã Hiếu Liêm thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là vùng đã nhập và trồng bưởi da xanh sớm. Bưởi da xanh trong huyện tập trung chủ yếu ở các xã Tân Định, Lạc An và Hiếu Liêm. Tổng diện tích theo thống kê là 1.300ha, riêng xã Hiếu Liêm có đến 800ha, có hộ trồng đến 100ha. Đất vùng Bắc Tân Uyên khá thích hợp cho cây bưởi, đất có tầng canh tác dày, độ phì cao, thoát nước tốt. Do biết áp dụng khoa học kỹ thuật tốt, nên hàng vụ thu lại lợi nhuận 200 -300 triệu đ/ha/năm.

Hiện nay bà con chủ yếu sử dụng giống bưởi ghép do Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ cung cấp, kết hợp một số nhà vườn tự nhân giống, nên diện tích trồng bưởi da xanh được tăng lên khá nhanh.

Trồng giống ghép chỉ sau 2 - 3 năm là bưởi đã ra hoa, kết quả. Sau khi ra hoa khoảng 7 - 8 tháng đã cho thu hoạch. Những vườn trồng đúng kỹ thuật có thể đạt đến 100 quả/cây với trọng lượng quả trung bình từ 1,5 - 2,5 kg. Khi bưởi đạt 8 - 12 năm tuổi, có cây cho từ 120 - 150 quả /cây.

Bưởi da xanh ở Hiếu Liêm có nhiều thuận lợi như vậy, tại sao phải ứng dụng kỹ thuật theo quy trình VietGAP? Dù có điều kiện thuận lợi cho cây bưởi và lợi nhuận cũng khá hấp dẫn, nhưng không phải tất cả các nhà vườn đều ứng dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp. Nếu dựa theo các tiêu chí của VietGAP thì mức độ vi phạm khá phổ biến, kể từ đất, nước, nguồn giống, cho đến các kỹ thuật sử dụng nông dược, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến có nhiều tiêu chí không đạt.

Ví dụ, khi đánh giá về giống và gốc ghép, có 2 tiêu chí bắt buộc phải tuân thủ thì đều 100% hộ vi phạm,về quản lý đất trồng có 2/4 số tiêu chí bắt buộc phải đạt thì đều bị vi phạm, 50% tiêu chí về phân bón và chất phụ gia bị vi phạm; về sử dụng thuốc BVTV thì có 3/7 số tiêu chí bắt buộc phải thực hiện đã bị vi phạm. Vì vậy, bưởi da xanh Hiếu Liêm chưa có thương hiệu trên thị trường, hiệu quả của nhiều hộ trồng bưởi chưa cao do chất lượng và mẫu mã chưa đạt nên giá cả bấp bênh, đầu ra thất thường.

Cách thực hiện trồng bưởi theo VietGAP ở Hiếu Liêm được tiến hành như thế nào? Ai chuyển giao kỹ thuật cho nhà vườn?

Trước tiên cần một bản dự án nêu rõ mục tiêu, phương pháp, đối tượng và phạm vi thực hiện. Vì người hưởng thụ dự án là các nhà vườn trong xã, nên cơ quan lãnh đạo nông nghiệp của huyện và xã phải là đơn vị đại diện tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật. Cơ quan chuyển giao kỹ thuật là Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ được mời đảm nhiệm.

Sau khi nghiên cứu, nhóm chuyển giao kỹ thuật nhận thấy các điều kiện cơ bản để thực hiện tiêu chuẩn VietGAP đều có đủ, các tiêu chí bị vi phạm phần lớn là do nhận thức và điều kiện cơ sở vật chất bị hạn chế. Vì vậy, trong quá trình xây dựng mô hình đồng thời là đào tạo cả lý thuyết và thực hành để nâng cao kiến thức cho các nhà vườn thì có thể đạt được mục tiêu đặt ra.

Cách thực hiện: Dựa vào tự nguyện của nhà vườn đồng thời xét khả năng thực tế của các nhà vườn làm hạt nhân cùng tham gia xây dựng mô hình, áp dụng kỹ thuật trọn gói dựa trên các tiêu chí của VietGAP, trong đó chú ý các tiêu chí bắt buộc phải tuân thủ so với kỹ thuật và cách làm việc truyền thống của từng hộ.

Trong dự án này có các loại mô hình sau:

(1) Mô hình cải tạo vườn bưởi da xanh hiện hữu theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích mô hình là 10ha; (2) Mô hình trồng mới bưởi da xanh hàng hóa theo hướng Việt GAP, diện tích 20ha; (3) Mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 7ha.

11 hộ của 2 ấp trong xã tự nguyện tham gia 3 loại mô hình, tổng diện tích là 37 ha. Trong dự án hợp phần đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên và tay nghề cho các nhà vườn được coi là phần ưu tiên để khi dự án kết thúc, đội ngũ này đảm bảo duy trì và mở rộng mô hình trong sản xuất.

Kết quả dự án được tóm tắt dưới đây:

(1) Mô hình cải tạo vườn bưởi củ đã có trọng lượng quả trung bình 1,7 kg/quả trong lúc đối chứng lá 1,6 kg; số quả trung bình trên cây là 55 quả so với đối chứng là 42 quả, tăng 31%. Năng suất trung bình vườn được cải tạo là 24,2 tấn/ha, so với đối chứng là 17,4 tấn, tăng 39%. Đồng thời độ Brix, hàm lượng vitamin C của vườn được cải tạo đều cao hơn đối chứng, vỏ quả mỏng hơn, giá bán cao hơn,từ đó lợi nhuận của vườn cải tạo tăng hơn đối chứng là 267,2 triệu đồng/ha (tăng 75,5%).

(2) Mô hình trồng mới 10ha, bưởi ở độ tuổi năm thứ 3 đã cho thấy trọng lượng quả cao hơn, số quả trung bình trên cây là 9,5 qủa, trong lúc đối chứng là 8,3 quả; năng suất đạt 4,2 tấn so với đối chứng là 3,4 tấn, tăng 23,5%.

(3) Mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 7 ha có trọng lượng quả 1,8 kg/quả so với vườn đối chứng là 1,6 kg, tăng 12,6%; số quả bình quân trên cây là 74 quả so với đại trà là 43 quả, tăng 72%; năng suất trung bình là 34,4 tấn so với đối chứng là 17,8 tấn, tăng 93,2%, hàm lượng vitaminC tăng 7%, giá bán cao hơn đối chứng là 6.000 đồng/quả, dẫn đến tiền lời thu được cao hơn đối chứng là 568 triệu đồng/ha. Số tiền này tăng 301% so với đối chứng, đầu tư 1 đồng vốn thu lại được 2,53 đồng.

Và kết quả chính là mô hình đã được cơ quan FCC chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP 2 lần. Đấy là tấm giấy thông hành để cho bưởi da xanh Hiếu Liêm có thể có mặt không những thị trường trong nước mà đặc biệt là thị trường thế giới, cũng như khu vực đang có nhu cầu không giới hạn.

Theo GS MAI VĂN QUYỀN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 201
Tổng truy cập: 38879345