Mớ rau muốn có chứng nhận VietGAP, cần 65 tiêu chí, khiến giá thành tăng cao (26/05/2016)

Để chứng nhận VietGAP cho rau, bên cạnh khâu lấy mẫu, phân tích, để đánh giá tổng cộng 65 chỉ tiêu này, với điều kiện vùng trồng liền bờ liền thửa, thuần về chủng loại sản phẩm thì trung bình cũng phải mất khoảng 3 man-day/ha. Trong khi đó, đặc thù SX, nhất là ở miền Bắc hiện nay mỗi vùng trồng thường rất nhỏ, các thửa cách xa nhau...


Nông dân đang bất lực trước "ma trận" về tiêu chí VietGAP

Để được cấp chứng nhận VietGAP (đối với rau quả), nông dân đang phải vượt ải 57 chỉ tiêu bắt buộc, với hàng tá các thủ tục đánh giá, giám sát, xét nghiệm… Đây được xem là “thủ phạm” khiến chi phí chứng nhận VietGAP vô cùng tốn kém.

È cổ vì tiêu chí

Theo Cục Trồng trọt, có 4 nhóm cây trồng hiện nay đã có quy trình về chứng nhận VietGAP gồm rau - quả tươi; chè búp tươi; cà phê; lúa. Trong số này, có thể nói việc cấp chứng nhận VietGAP cho nhóm rau - quả tươi hiện là vấn đề cấp bách nhất trong bối cảnh vấn đề vệ sinh ATTP đang nhức nhối.

Bà Đặng Thị Hương, Giám đốc Chứng nhận của Cty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert, một đơn vị có tên tuổi trong chứng nhận VietGAP tại Việt Nam cho biết: Việc chứng nhận VietGAP cho nhóm rau - quả hiện thực hiện theo Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT (Thông tư 48) Quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được SX, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN (QĐ 379) Ban hành Quy trình thực hành SX nông nghiệp tốt (VietGAP) đối với rau - quả tươi.

Theo đó, việc lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu môi trường và sản phẩm tại nơi SX là một trong những khâu quan trọng, bắt buộc khi tiến hành chứng nhận VietGAP.

Đối với rau - quả tươi, sẽ phải phân tích mẫu nước, mẫu đất và mẫu sản phẩm tại vùng SX. Các nhóm chỉ tiêu phân tích cơ bản bao gồm kim loại nặng; dư lượng thuốc BVTV và chỉ tiêu vi sinh (đối với rau ăn sống). Nhìn chung, số lượng các chỉ tiêu bắt buộc phải phân tích là cố định theo các quy chuẩn về ATTP do Bộ Y tế ban hành.

Vì vậy, chi phí cho việc cấp chứng nhận VietGAP hiện nay cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó khâu đánh giá, giám sát SX khá tốn kém.

Theo quy định, chi phí cấp chứng nhận VietGAP là do thỏa thuận giữa cơ sở SX và tổ chức cấp chứng nhận nên hiện mỗi tổ chức chứng nhận VietGAP có cách hạch toán về chi phí đánh giá khác nhau, thường là quy ra “man-day” (số ngày công của chuyên gia đánh giá VietGAP).

Các chỉ tiêu phải đánh giá càng nhiều, diện tích càng lớn, số lượng chủng loại sản phẩm trên một đơn vị diện tích càng nhiều, vùng SX càng manh mún, không liền bờ liền thửa… thì số lượng “man-day” càng nhiều và chi phí để cấp chứng nhận theo đó cũng tăng lên.

Trong những yếu tố này, việc có quá nhiều chỉ tiêu đánh giá là yếu tố khiến số “man-day” quá cao. Cụ thể, theo QĐ 379, hiện tổ chức chứng nhận VietGAP phải tiến hành thẩm định, đánh giá tới 12 nhóm tiêu chí, với tổng cộng 57 chỉ tiêu bắt buộc và 8 chỉ tiêu khuyến khích thực hiện (trong đó riêng nhóm tiêu chí về sử dụng hóa chất có 13 tiêu chí; nhóm chỉ tiêu về thu hoạch và xử lí sau thu hoạch có tới 16 tiêu chí…).


Ảnh: Lê Bền

“Để chứng nhận VietGAP cho rau, bên cạnh khâu lấy mẫu, phân tích, để đánh giá tổng cộng 65 chỉ tiêu này, với điều kiện vùng trồng liền bờ liền thửa, thuần về chủng loại sản phẩm thì trung bình cũng phải mất khoảng 3 man-day/ha.

Trong khi đó, đặc thù SX, nhất là ở miền Bắc hiện nay mỗi vùng trồng thường rất nhỏ, các thửa cách xa nhau. Cùng một diện tích lại thường trồng hổ lốn, rất nhiều loại rau khác nhau… Điều này khiến số man-day/ha đội lên, chi phí để chứng nhận VietGAP cao là vì thế”, bà Hương lý giải.

Bùng nhùng tổ chức chứng nhận

Với chủ trương xã hội hóa, hiện nay, Cục Trồng trọt được quyền chỉ định đối với các tổ chức chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt (tổng cộng hiện có 23 tổ chức đã được chỉ định).

Do mức phí trong chứng nhận VietGAP là do cơ chế tự thỏa thuận giữa cơ sở SX với các tổ chức chứng nhận, nên có thể cùng một vùng trồng, nhưng chi phí để cấp VietGAP giữa 23 tổ chức đã được Cục Trồng trọt chỉ định có thể sẽ rất khác nhau.

Vấn đề đặt ra: Vậy phải chăng cùng là chứng nhận VietGAP, chẳng lẽ đơn vị có giá chứng nhận cao hơn thì VietGAP của đơn vị ấy tốt hơn!? Câu trả lời dĩ nhiên là không, bởi VietGAP là quy trình, áp dụng chung cho tất cả các tổ chức chứng nhận.


Ảnh: Lê Bền

Tuy nhiên, chất lượng và độ nghiêm túc trong việc cấp chứng nhận VietGAP theo quy trình mà Bộ NN-PTNT đã ban hành của các tổ chức chứng nhận hiện nay ra sao là một câu hỏi. Câu hỏi ấy không phải là không có lí, bởi kết quả kiểm tra, giám sát do Cục Trồng trọt tiến hành trong vài năm gần đây đã phát hiện không ít sai phạm của các tổ chức chứng nhận.

Cụ thể theo Thông tư 48, các tổ chức chứng nhận được chỉ định có hiệu lực 5 năm/lần. Trong thời gian này, đơn vị chỉ định (Cục Trồng trọt) sẽ phải tổ chức kiểm tra giám sát hoạt động chứng nhận VietGAP của các tổ chức chứng nhận 2 lần/5 năm.

Năm 2014, Cục Trồng trọt đã từng đình chỉ 1 tổ chức chứng nhận là Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên do đơn vị này chưa tuân thủ đúng quy định về thủ tục đánh giá cấp chứng nhận VietGAP theo Thông tư 48 của Bộ NN-PTNT.

Cục cũng hủy bỏ quyết định chỉ định của một tổ chức chứng nhận là Trung tâm giám định và Chứng nhận hợp chuẩn hợp quy - Cty cổ phần chứng nhận VIETCERT do đơn vị này không trung thực, khai khống diện tích trong hoạt động đánh giá chứng nhận VietGAP.

Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Theo quy định, việc đình chỉ tổ chức chứng nhận VietGAP chỉ có hiệu lực một năm. Vì vậy đến nay, cả hai đơn vị này đều đã được Cục Trồng trọt cho phép tiếp tục được chỉ định là tổ chức chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên sau những vi phạm này của các tổ chức chứng nhận, Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo Cục Trồng trọt không chỉ định thêm các tổ chứng nhận VietGAP.

Chúng tôi đặt câu hỏi: Vậy những giấy chứng nhận VietGAP mà 2 tổ chức chứng nhận sai phạm đã cấp phép trước đây sẽ phải xử lí ra sao? Ông Cường cho biết: Do Thông tư 48 hiện không có chế tài xử lí hậu quả đối với các chứng nhận VietGAP bị cấp sai quy định, nên không thể hủy bỏ các chứng nhận VietGAP đã được cấp(!?).

Cũng theo ông Cường, trước việc số lượng các chỉ tiêu trong chứng nhận VietGAP quá rườm rà, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt sửa đổi, ban hành bộ chỉ tiêu mới theo hướng đơn giản hóa. Cụ thể, hiện Cục đã biên soạn, sửa đổi và trình Bộ NN-PTNT phê duyệt quy trình VietGAP cơ bản, giảm từ tổng cộng 57 chỉ tiêu bắt buộc theo QĐ 379 xuống còn 20 chỉ tiêu.

Chủ trương về việc đẩy mạnh SX theo VietGAP đã được triển khai hàng chục năm qua.

Tuy nhiên đến nay, thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, diện tích rau - hoa quả được cấp chứng nhận VietGAP mấy năm qua tăng gần như không đáng kể. Cụ thể đến năm 2016, cả nước mới chỉ có gần 1.600 cơ sở có giấy chứng nhận VietGAP đang còn hiệu lực.

Trong đó, số cơ sở SX rau có chứng nhận VietGAP (đang còn hiệu lực) chỉ có hơn 700 cơ sở, với diện tích trên 3.000ha (diện tích chỉ tăng khoảng 1.000ha, số cơ sở chỉ tăng hơn 130 cơ sở so với năm 2014).

Theo LÊ BỀN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 120
Tổng truy cập: 37012987