Kết nối giao thương tiêu thụ nông sản (16/05/2016)

Câu chuyện sợi mỳ Chũ ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) heo hút có thể vươn tới châu Âu được nhắc đến trong Hội nghị khách hàng và kết nối giao thương do Tổng công ty Thương mại Hà Nội tổ chức tại Bắc Giang (Hapro) cuối tuần qua là một tín hiệu vui.

Chuyện làng nghề trăm tỷ

Ở Bắc Giang, mỳ gạo được sản xuất tại nhiều nơi, nhưng chỉ có sản phẩm mỳ Chũ Lục Ngạn gây được tiếng vang. Nguyên liệu chính để làm ra mỳ Chũ là gạo bao thai hồng – một loại gạo truyền thống nổi tiếng thơm, dẻo, được trồng trên vùng đất đồi địa phương.


Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Hapro

Nhưng để có được sợi mỳ mỏng manh và dẻo dai như lá lúa, người thợ phải đổ nhiều mồ hôi công sức. Quá trình hoàn thành một mẻ mỳ sợi từ lúc đãi gạo, vo sạch, ngâm ủ, xay bột, tráng bánh, phơi khô, thái sợi đến khi bó cuộn, đóng gói hết ít nhất 36 tiếng đồng hồ (nếu trời nắng) và 3 lao động. Thế nên, việc chế biến thủ công khó lòng cho ra sản phẩm hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội Sản xất và tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn, những năm qua, các hội viên đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, một số công đoạn đã được áp dụng máy móc như tráng bánh, xay bột, thái mỳ... nhưng vẫn giữ được hương vị cũng như chất lượng đặc trưng của sản phẩm.

Song song với đó, việc quảng bá sản phẩm và kết nối giao thương cũng được chú trọng đặc biệt. Còn nhớ, tháng 6/2011, sản phẩm của HTX mỳ Chũ Xuân Trường (thôn Thủ Dương, xã Nam Dương) đã “bén duyên” nhà máy mỳ Hapro.

Doanh nghiệp này đã đưa 4 tấn sản phẩm mì Chũ chào hàng tại thị trường nước ngoài. Từ ấy, thương hiệu mỳ Chũ bỗng nổi như cồn. Rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tự tìm đến bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, làng nghề mỳ Chũ có trên 300 hộ sản xuất mỳ gạo (chiếm tới 85% số hộ trong làng). Trong đó, gần 200 hộ tham gia Hội Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn. Bình quân mỗi năm, làng nghề sản xuất và tiêu thụ gần 15.000 tấn mỳ gạo.

Thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu là các tỉnh thành phía Bắc và các cửa hàng đại lý ở 11 quận của TP Hồ Chí Minh. Tại nước ngoài, mỳ Chũ hiện đang xuất khẩu sang các nước EU. Doanh thu tiêu thụ ước đạt 375 tỷ đồng/năm.

Nhắc đến thành công của mỳ Chũ Lục Ngạn ở góc độ thương mại hóa, người ta bàn nhiều về câu chuyện kết nối giao thương. Bởi một người dân quê không thể cõng trên vai quá nhiều “sứ mệnh”- vừa sản xuất vừa xúc tiến thương mại để bán hàng. Thế mạnh nằm trong tay doanh nghiệp.

Dường như lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã quá hiểu điều đó. Thế nên, cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã trân trọng từng phút giây khi tiếp xúc với doanh nghiệp.

Chẳng nói đâu xa, ngay tại Hội nghị khách hàng và kết nối giao thương do Hapro tổ chức ở Trung tâm thương mại Hapro Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đã "tận dụng" cơ hội giới thiệu về sản vật của địa phương.

Đẩy mạnh giao thương

Theo bà Hà, những năm qua, tỉnh đã phát triển được một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thương hiệu mạnh với quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP) như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, lợn sạch Tân Yên, lúa thơm Yên Dũng, quả có múi, rượu làng Vân, bánh đa Kế, nem Thổ Hà, các loại rau, củ, quả tươi và chế biến...


Nhiều nông sản giá trị của Hapro đã và sẽ có “bà đỡ”

Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có chất lượng tốt; các sản phẩm trên có sản lượng lớn, với quy mô hàng hóa, đủ cung cấp cho các tỉnh, thành phố, nhất là thị trường Hà Nội và một phần xuất khẩu.

Bà Hà mong muốn Hapro cùng các đối tác của mình sẽ đồng hành với người dân Bắc Giang kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn để ổn định sản xuất và thị trường. Hỗ trợ Bắc Giang thông tin, tuyên truyền về sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Hapro chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi có quan hệ thương mại với hơn 70 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi đi nhiều nơi và cảm thấy vô cùng tiếc cho nguồn lực của Việt Nam.

Bởi hiện nay rất nhiều nông sản từ nước ngoài tràn vào nội địa, trong khi sản phẩm cùng loại trong nước không hề thua kém về chất lượng cũng như giá cả cạnh tranh.

Nguyên nhân chính là doanh nghiệp Việt chưa biết hết tiềm năng sản xuất của quốc gia mình. Đây chính là trách nhiệm của nhà nước, của những người phụ trách các hoạt động xúc tiến thương mại".

Hiện tại, Hapro đang đã bắt tay với nhiều đơn vị tại Bắc Giang như HTX nuôi ong xuất khẩu Nghĩa Hồ (xã Nghĩa Hồ, Lục Ngạn), Hội Sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế, Cty TNHH Thương mại Việt Hải, HTX Thân Trường, Hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều; Hội Sản xuất và tiêu thụ gạo thơm Yên Dũng, HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đa Mai,... để quảng bá thương hiệu và tiêu thụ các sản phẩm mật ong hoa vải, bánh gạo, chè sạch, vải thiều, gạo và thịt gà, thịt gà...

Hapro cùng Sở Công thương Bắc Giang đưa ra chương trình tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn và dự kiến vào tháng 6 năm nay sẽ có một chương trình quảng bá sản phẩm vải Lục Ngạn tại Hà Nội và Bắc Giang.

Theo MINH PHÚC- TS (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 83
Tổng truy cập: 36769958