Gắn kết cùng doanh nghiệp nông nghiệp (14/04/2016)

Trong tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn theo hướng nâng cao giá trị nông sản hàng hóa và xây dựng thương hiệu bền vững, đặc biệt là gắn kết nhà nông với DN chế biến, thu mua nông sản, cùng các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật...


Liên kết trong thu, tách hạt ngô ở Kim Bình huyện Chiêm Hóa

Trong tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn theo hướng nâng cao giá trị nông sản hàng hóa và xây dựng thương hiệu bền vững, đặc biệt là gắn kết nhà nông với DN chế biến, thu mua nông sản, cùng các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật để tuyển chọn được mô hình giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao.

Nhiều mô hình có sự gắn kết với doanh nghiệp ngay từ khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã cho hiệu quả tốt như: Mô hình liên kết trồng mía, chè, chuối tây, cây lâm nghiệp, rau củ quả đến chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Mô hình trồng ngô ngọt, dưa chuột tại huyện Sơn Dương, cùng nhiều mô hình sản xuất rau, củ quả sạch theo quy trình VietGAP, tuy mới thực hiện nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ tham gia.

Việc doanh nghiệp chủ động liên kết với nông dân trong cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, chế phẩm sinh học thân thiện môi trường…, giúp nông dân yên tâm sản xuất như: Mô hình ứng dụng phân bón Grow More trên cây mía, làm giảm 100% lượng phân đạm urê và kali, mà cây mía vẫn sinh trưởng tốt, tăng năng suất đến 19% so với phương pháp bón truyền thống. Từ cách làm mới này đối với cây mía, đã thêm tăng thu nhập cho người trồng mía hơn 16 triệu đồng/ha.

Việc chuyển giao ứng dụng chế phẩm sinh học men balasa N01 làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tiết kiệm cho nông dân 10% chi phí thức ăn, giảm tới 60% chi phí công lao động, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ cách làm hay này, tại Tuyên Quang đã có hàng nghìn hộ nông dân áp dụng chế phẩm sinh học balasa N01 trong lót chuồng trại chăn nuôi, giúp cho môi trường nông thôn thêm xanh, sạch.

Sự liên kết với DN trong áp dụng các máy nông cụ vào sản xuất từ làm đất, đến chế biến, băm nghiền thức ăn gia súc, gia cầm, sơ chế sản phẩm nông sản, máy thu hái búp chè, cũng được nông dân áp dụng triệt để, như máy chế biến thức ăn đa năng trong chăn nuôi, kết hợp với men vi sinh hoạt tính ủ thức ăn cho gia súc, gia cầm đã tận dụng tối đa nguồn thực phẩm, phế phụ phẩm nông sản tại địa phương, làm giảm chi phí thức ăn chăn nuôi từ 20 đến 25% so với thức ăn hỗn hợp chế biến sẵn.

Mới đây nhất là mô hình chọn lựa giống lạc mới vào sản xuất tại 2 xã Thổ Bình, Bình An (huyện Lâm Bình). Qua đánh giá cho thấy, giống lạc L14 mới cho năng suất 35-40 tạ/ha, tỷ lệ nhân đạt 70-72%, cao hơn giống lạc L14 cũ đang sản xuất ở địa phương là 4 tạ/ha, giúp bà con thay thế hàng loạt giống lạc cũ kém năng suất.

Đặc biệt là mô hình liên kết "4 nhà” trong trồng mía, đã thành công rực rỡ tại Tuyên Quang với nhiều hộ nông dân tham gia, trồng hơn 7.000 ha mía mỗi vụ, tạo thành vùng nguyên liệu bền vững cho nhà máy đường hoạt động.

Việc liên kết trong trồng rừng đã ổn định từ nhiều năm, giúp cho hàng trăm ha đất lâm nghiệp luôn được phủ kín các cây công nghiệp ngắn ngày keo, mỡ, tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ, giấy đủ nguyên liệu hoạt động.


Chè sạch xã Mỹ Lâm huyện Yên Sơn TQ được thị trường Nhật Bản tin dùng

Còn mô hình cải tạo giống chè cũ, thay giống chè mới Bát Tiên ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn đã được thị trường Nhật Bản tiêu thụ sản phẩm. Đối với mô hình trồng cam sành tại huyện Hàm Yên bắt đầu được các doanh nghiệp trong nước đến đầu tư, ngay từ khi trồng đến bao tiêu sản phẩm đầu ra...

Theo tài liệu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh này đã dịch chuyển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cây trồng, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao ở các xã: Minh Hương (Hàm Yên), Kim Phú (Yên Sơn), Tân Trào (Sơn Dương), phường Hưng Thành (Tp.Tuyên Quang), Yên Nguyên (Chiêm Hóa).

Chuyển đổi 700 ha đất ruộng, đất soi bãi trồng cây kém hiệu quả tại 2 huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình sang trồng lạc hàng hóa để xây dựng vùng chuyên sản xuất lạc giống là 300 ha, đồng thời tăng diện tích trồng ngô biến đổi gen trên phạm vi toàn tỉnh, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân tiếp cận được với các nguồn vốn, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và đảm bảo đầu ra của sản phẩm.

Theo VIỆT BẮC (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 175
Tổng truy cập: 37043037