Tăng mạnh diện tích vải thiều xuất khẩu (01/04/2016)

Sau vụ đầu tiên xuất khẩu thành công vải thiều Lục Ngạn sang Mỹ và một số thị trường mới, năm nay tỉnh Bắc Giang tiếp tục sản xuất vải theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để đưa loại quả này vươn xa hơn nữa, tăng thu nhập cho người trồng.


Nông dân xã Hồng Giang chăm tưới nước, bảo đảm đủ ẩm cho cây

Tăng diện tích

Sau chuyến đưa nông sản “thuận buồm xuôi gió” thâm nhập thị trường Mỹ, năm nay tỉnh chỉ đạo huyện Lục Ngạn tập trung chăm sóc 150ha vải thiều VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.

Đến nay, Cục BVTV đã cấp cho Bắc Giang 16 mã vùng xuất khẩu sang Mỹ, Úc tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Sơn, Tân Mộc, Kiên Lao (huyện Lục Ngạn). Việc cấp mã số sẽ truy xuất được nguồn gốc sản phẩm của từng hộ nên người dân đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình.

Những ngày này, tại nơi được cấp mã số vùng trồng không khí lao động tấp nập hơn. Thôn Kép 1, xã Hồng Giang là vụ thứ hai tham gia sản xuất vải thiều xuất khẩu nên bà con có kinh nghiệm. Ngay khi thu hoạch xong, chủ vườn đốn tỉa cành, dọn sạch cành lá thay vì để tại vườn như trước đây.

Vụ này, gia đình anh Nguyễn Văn Lưu vẫn duy trì hơn 1ha vải GlobalGAP, hàng ngày ghi đầy đủ nhật ký làm vườn. Được biết, năm ngoái, năng suất vải đạt hơn 15 tấn quả/ha, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg tại vườn, anh Lưu thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Tại thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn người dân lại không khỏi lo lắng bởi là năm đầu tiên tham gia sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Mỹ. Hiện nay, bà con đang tập trung dọn vệ sinh vườn, thu gom lá khô, làm sạch cỏ dại dưới tán cây để hạn chế nơi trú ngụ của sâu bệnh.

"Khu vực phía Bắc đã được đầu tư trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội nên năm 2016, doanh nghiệp xuất khẩu vải sang Mỹ sẽ thuận lợi hơn, không phải vận chuyển hàng hóa vào TP.HCM như trước đây", ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KH-CN Bắc Giang.

Theo ông Nông Văn Xuân, trưởng một mã vùng của thôn, những biện pháp chăm sóc dù đòi hỏi tốn nhiều công hơn song với thâm niên trồng vải lâu năm thì không có gì khó với người dân.

Tuy nhiên, điều ông trăn trở nhất là những loại thuốc BVTV mà Mỹ cấm thì trước đây người dân vẫn thường dùng. Thế nên ngày ngày, ông bám vườn rồi cùng các thành viên trong nhóm họp, chia sẻ kinh nghiệm và vận động người dân thay đổi thói quen cũ, chỉ sử dụng loại thuốc theo khuyến cáo.

Lập đường dây nóng tư vấn kỹ thuật

Với đặc thù khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ chỉ cần kiểm tra, phát hiện một tiêu chuẩn nào đó không đạt là hàng hóa bị trả lại, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu toàn bộ nông sản của Việt Nam trong vòng 10 năm.

Do đó, việc sản xuất vải xuất khẩu là trách nhiệm nặng nề, điều này luôn được cán bộ kỹ thuật nhắc nhở đến người dân trong các đợt tập huấn; tuyên truyền những loại thuốc nằm trong danh mục Mỹ cấm cho cơ sở kinh doanh thuốc BVTV tại vùng sản xuất vải xuất khẩu.


Vùng vải thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn

Đồng hành cùng với người dân, cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện Lục Ngạn bám sát cơ sở, tư vấn biện pháp chăm sóc; trang bị sổ ghi nhật ký làm vườn cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Toản, cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang cho biết: “Đến nay, Chi cục đã tập huấn xong hai đợt bao gồm chăm sóc vải thời kỳ phân hóa mầm hoa và giai đoạn vải ra hoa; đồng thời lập đường dây nóng để tư vấn, giải đáp kịp thời vướng mắc thông qua số điện thoại 0986626550”.

Để chuẩn bị cho việc tiêu thụ sản phẩm, Sở Công thương Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu về vải thiều; lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực để thu mua và xuất khẩu vải thiều. Còn Sở KH-CN rốt ráo hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản vải nhằm kịp thời ứng dụng trong vụ vải này.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của rét muộn kéo dài nên thời điểm này vải mới nở hoa rộ, chậm hơn 20 ngày so với năm ngoái. Dự báo, cũng có thể xuất hiện đợt nắng nóng và bão ảnh hưởng đến giai đoạn quả xanh. Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, các nhà vườn cần chăm sóc tốt cho vải ở từng giai đoạn để cây tăng sức chống chịu với điều kiện bất thuận.

Trong đó, chú trọng tỉa thưa để tạo điều kiện cho các cành hoa chính phát triển tốt. Khi hoa tàn, hình thành quả non thì nên rung cành để các cánh hoa còn bám lại trên cây rụng hết sau đó mới phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; đồng thời sử dụng các loại phân NPK có hàm lượng lân và kali cao, hàm lượng đạm thấp để bón cho cây.

Theo TRỊNH LAN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 164
Tổng truy cập: 38842163