Những vườn cây hấp hối vì hạn mặn (24/03/2016)

Bến Tre, tỉnh "cù lao" đang bị nước mặn bao vây tứ bề, khiến cho không chỉ hàng ngàn ha lúa, hoa màu của nông dân ở các huyện bị khô héo vì thiếu nước tưới mà nhiều diện tích vườn cây ăn trái ở “vương quốc trái cây” này cũng đang trong tình trạng hấp hối vì khát…


Vườn bưởi thiếu nước tưới đang suy tàn dần

Chắt chiu từng giọt nước

Trên đường từ TP Bến Tre xuống các huyện, chúng tôi gặp không ít tấm bảng ghi “đổi nước ngọt” treo trên cây hoặc cắm cọc ở ven đường. Thỉnh thoảng lại thấy những chuyến xe chở đầy thùng nước ngọt đi giao bán khắp nơi cho người dân có nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hoặc tưới cây.

Cô Tư, một nhà vườn trồng bưởi VietGAP tại xã Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre) chia sẻ: “Từ sau Tết đến nay, hạn mặn đang vào đỉnh điểm gay gắt nhất gây hậu quả nghiêm trọng cho nhà vườn chúng tôi. Đến nước ăn uống sinh hoạt hàng ngày còn không đủ thì lấy đâu ra nước ngọt tưới vườn. Do vậy nên cây bị khát không phát triển được, năng suất sụt giảm, nhiều vườn cây đang suy kiệt dần”.

Theo cô Tư, do hầu hết nguồn nước tưới đều dựa vào các con sông, kênh rạch, bơm phun trực tiếp lên các đọt cây dẫn đến hậu quả trái, hoa và lá bị rụi và thối rụng hết. Chưa bao giờ người dân Tây Nam Bộ phải đối mặt với đợt hạn, mặn lịch sử kéo dài như vậy.


Nhà vườn nếm thử độ mặn của nước máy và nước dưới ao

Tìm đến các khu vườn bưởi da xanh của xã Mỹ Thạnh An, chúng tôi chứng kiến nhiều vườn cây trái đang dần ngả màu vàng héo rũ vì thiếu nước tưới.

Ông Nguyễn Văn Dũng, (nguyên Trưởng ấp An Thạnh A) đang cố vét nốt những thùng nước ngọt cuối cùng trong hố sâu nằm giữa vườn để tưới cho từng gốc bưởi nhà mình.

Gặp chúng tôi, ông Dũng lo lắng than: “Chỉ còn chút nước ngọt này tưới nốt bữa nay là hết sạch rồi, không biết vườn bưởi nhà tôi sẽ còn sống cầm cự được bao nhiêu ngày nữa. Đến nguồn nước máy mình ăn uống còn bị nhiễm mặn từ 3 - 4‰ thì sao dám đem ra tưới vườn cây. Do vậy, hàng ngày phải nhìn vườn bưởi héo chết dần thế này thật xót quá”.

Gia đình ông Dũng có 7 công bưởi và 3 công dừa, nhưng nguồn nước ngọt trữ được quá ít ỏi nên từ sau Tết đến nay cứ khoảng 2 tuần ông mới dám tưới cầm hơi một lần cho từng gốc bưởi. Đồng thời để giữ độ ẩm, ông phải dùng lá dừa phủ kín quanh gốc bưởi. Theo ông Dũng, nếu tình trạng hạn mặn còn kéo dài một vài tháng nữa chắc chắn vườn cây nào cũng sẽ chết hết. \

Vườn bưởi 5.000m2 (khoảng hơn 200 gốc, 9 năm tuổi) của gia đình anh Trần Nghĩa Thuận ở kế bên cũng trong tình trạng khát nhiều ngày khiến vườn cây suy trầm trọng, trái và lá rụng xác xơ.

Dẫn chúng tôi ra vườn bưởi, anh Thuận chỉ xuống ao nước phía sau nhà, xót xa nói: “Do không kịp đóng đập để trữ nước ngọt trong đìa nên giờ tôi đành phải sử dụng nguồn nước mặn này để tưới chỉ hòng ráng cứu cho cây sống thôi, còn chấp nhận bị rụng trái, lá và thất thu mùa này. Sau đợt hạn mặn rồi mới tăng cường xuống phân để phục hồi lại vườn cây chứ biết làm sao bây giờ”.


Vườn cây hoa kiểng của nhà anh Thuận chết khô vì thiếu nước

Để chứng minh thực tế nguồn nước mặn mà hàng ngày gia đình anh đang phải sử dụng để ăn uống sinh hoạt và tưới vườn, anh Thuận chạy ra ao múc một ca nước, rồi lại chạy vào vặn vòi hứng thêm một ca nước máy khác đem cho chúng tôi cùng nếm thử.

“Mặc dù chúng tôi đã xây dựng được nhiều “vệ tinh” nhà vườn với khoảng 15 ha bưởi da xanh trồng theo quy trình VietGAP cung cấp cho công ty xuất khẩu. Tuy nhiên, những tháng gần đây do hạn mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng bưởi. Nếu trước kia công ty thu mua được khoảng 5 tấn bưởi/ngày, thì nay chỉ còn 500 kg/ngày. Nếu tình trạng hạn mặn còn kéo dài thì nhà vườn bị thất thu và mặt hàng bưởi chắc chắn sẽ thiếu hụt trầm trọng”, anh Lê Trường Sang, GĐ Cty trái cây Good cho biết.

Quả thực, cả hai ca nước đều có độ mặn chát gần giống nhau. Chúng tôi quan sát vườn bưởi của gia đình anh Thuận thấy lá và trái rụng đầy dưới gốc, nhiều cây đang có biểu hiện héo khô, kiệt sức. Anh Thuận cho biết thêm, vườn bưởi cho thu rải vụ, dịp Tết vừa rồi anh thu được 40 triệu đồng, nhưng sau gặp hạn mặn nên bị thất thu và đang lo cả vườn bưởi sẽ thành vườn… củi khô.

Thậm chí, vườn hoa kiểng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh đến nay cũng đã chết héo hết vì không có nước ngọt tưới.

Khoan giếng, mua nước suối tưới cây

Có lẽ vườn bưởi da xanh của gia đình ông Mười Mau (ấp An Thạnh B) được xem là quy mô và có nhiều gốc bưởi “lão” nhất trong xã Mỹ Thạnh An. Như nhiều nhà vườn khác trong vùng hạn, mặn, vườn bưởi của gia đình ông Mười Mau cũng không tránh khỏi tình trạng bị rụng trái, rụng lá và cây đang suy dần ảnh hưởng đến năng suất.

Giữa trưa nắng, ông Mười Mau dù tuổi đã cao nhưng vẫn xoay trần hì hụi lắp đặt thêm đường ống dẫn nước từ giếng khoan kéo ra tưới cho những cây bưởi tơ.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông thở dài nói: “Cây bưởi là nguồn thu chính của nhà vườn chúng tôi, nhưng nay đang bị hạn mặn bao vây khiến vườn bưởi bị rụng trái và có nguy cơ chết khát hoặc giảm năng suất. Chẳng còn cách nào khác, tôi vừa phải kêu thợ về khoan mấy cái giếng này tìm bằng được nguồn nước ngọt để cứu vườn cây đấy”.

Gia đình ông Mười Mau có gần chục công vườn, trồng được trên 300 gốc bưởi da xanh, trong đó có những gốc bưởi “lão” đã 20 năm tuổi cho năng suất cao và chất lượng rất ngon.


Nhà vườn Bến Tre phải khoan giếng tìm nguồn nước ngọt cứu cây

Tuy nhiên, do hạn mặn kéo dài khiến vườn bưởi nhà ông đến nay đã rụng 50% số trái. Theo kinh nghiệm của ông, nếu nhà vườn nào thiếu nước tưới thì nên mạnh dạn lặt bỏ bớt trái, tỉa bớt cành để cứu cây chứ đừng tiếc sẽ khiến cây bị suy kiệt mà chết.

Thực tế khi nghe thấy gia đình ông Mười Mau khoan giếng có nước ngọt tưới vườn cây khiến nhiều nhà vườn trong xã kéo đến xem và học hỏi về tự khoan tìm nguồn nước cứu cây.

Tuy nhiên, với riêng anh Lê Trường Sang, ấp Phú Lợi, xã Bình Phú thì lại chọn cách cứu vườn cây của mình bằng nước suối vừa mua về ăn uống và tưới cho từng gốc bưởi. “Mấy tháng rồi tôi không dám tưới vườn bưởi non bằng nguồn nước kênh vì độ mặn quá cao, nhưng cũng không thể đứng nhìn cây bưởi suy kiệt dần rồi chết vì khát nước.

Do vậy, tôi quyết định chịu tốn kém một chút ra đại lý mua nước bình về rót từng ca tưới cầm cự để cứu sống cho từng gốc bưởi. Tuy nhiên, nếu hạn mặn còn kéo dài thì chắc tôi cũng sẽ phải khoan giếng tìm nguồn nước ngọt để tự cứu mình và cứu cây luôn”, anh Sang tâm sự.


Không còn cách nào khác nhà vườn phải dùng nước bình tưới cầm cự

Tính đến nay, với 150 gốc bưởi da xanh (1 năm tuổi) trồng trên 3.000m2 đất, dù tiết kiệm lắm nhưng anh Sang cũng đã tưới hết khoảng gần 300 bình nước suối (loại 20.000 đồng/bình).

Trao đổi với PV NNVN, ông Huỳnh Văn Hai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thạnh An, cho biết, do hạn mặn kéo dài nên nhiều bà con trong xã đang phải tự khoan giếng để tìm nguồn nước tưới vườn, mặc dù chính quyền không khuyến khích vì chưa có chủ trương của tỉnh. Hiện chưa có thống kê thiệt hại về vườn cây ăn trái, nhưng trước mắt đã thấy rõ những ảnh hưởng không nhỏ của đợt hạn mặn xâm nhập kéo dài.


Biển đổi nước ngọt ven đường

“Bưởi da xanh là cây trồng chủ lực của xã Mỹ Thạnh An, với diện tích trên 130 ha. Đây cũng là cây cho nguồn thu nhập chính của nhà vườn, thường bán được giá cao và ổn định. Tuy nhiên, hạn mặn đỉnh điểm nhất từ trước đến nay và người dân quá chủ quan nên không kịp xử lý các phương án trữ nước ngọt dẫn đến tình trạng thiệt hại hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con và năng suất cây trồng!”, ông Huỳnh Văn Hai cho biết.

Theo MINH SÁNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 281
Tổng truy cập: 39157181