Cú hích cho rau quả Sơn La (25/02/2016)

Mộc Châu, nơi được ví như “Đà Lạt của miền Bắc”, bên cạnh chăn nuôi bò sữa đã trở thành thương hiệu, đây cũng là nơi đang bắt đầu hình thành các vùng chuyên canh rau, chè, cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới, cận ôn đới có thế mạnh đặc thù.


Đoàn công tác Bộ NN-PTNT và tỉnh Sơn La thăm vùng rau VietGAP xã Đông Sang (huyện Mộc Châu)

Đẩy mạnh mối liên kết theo chuỗi giữa SX và tiêu thụ nông sản là một trong những nhiệm vụ mà Bộ NN-PTNT đặt trọng tâm trong thực hện tái cơ cấu nông nghiệp năm 2016.

Ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cùng một số tổ chức quốc tế đã có chuyến làm việc với tỉnh Sơn La nhằm khởi động cho các mối liên kết này.

Là tỉnh miền núi, tuy nhiên Sơn La hiện là địa phương có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp. Đặc biệt tại huyện Mộc Châu, nơi được ví như “Đà Lạt của miền Bắc”, bên cạnh chăn nuôi bò sữa đã trở thành thương hiệu, đây cũng là nơi đang bắt đầu hình thành các vùng chuyên canh rau, chè, cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới, cận ôn đới có thế mạnh đặc thù.

Xã Đông Sang (huyện Mộc Châu) từng là một vùng đất sình lầy, mùa mưa ngập úng, mùa hè nắng hạn, bà con dân tộc Thái, Mường, Kinh ở đây trước quanh năm đói nghèo cùng với cây ngô, cây lúa.

Tuy nhiên, chỉ 2-3 năm trở lại đây, câu chuyện từ mô hình SX rau sạch theo quy trình VietGAP đã thực sự đưa người dân đổi đời ngoạn mục. Hạt nhân của cuộc đổi đời này là sự ra đời của HTX Rau sạch bản Tự Nhiên (xã Đông Sang) do bà Nguyễn Thị Luyến, người năm nay đã bước qua tuổi 60 khởi xướng.

Từ một vài hội viên ban đầu, hiện HTX rau sạch đã lan tỏa ra các vùng lân cận với gần 40 hộ dân tham gia. Nhờ khí hậu trời phú mát mẻ, vùng rau xã Đông Sang có thể SX các loại rau, củ có nguồn gốc ôn đới, cận ôn đới quanh năm như cà chua, bắp cải, khoai tây, các loại rau ăn lá như xà lách, hành, tỏi, cải mèo…

Được sự giúp đỡ của nhiều dự án tập huấn VietGAP, đến nay, các hộ dân tham gia HTX đều thành thạo quy trình SX theo VietGAP. Hiện sản lượng rau sạch của HTX rau bản Tự Nhiên đã được Sở NN-PTNT Sơn La vào cuộc liên hệ với các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội và Hải Phòng như BigC, Fivimart… và nhiều Cty phân phối rau sạch lớn tại các thành phố với sản lượng khoảng 800 – 1.000 tấn/năm.

Ông Trần Việt Dũng (bản Tự Nhiên) phấn khởi cho biết: Vụ rau vừa qua, do nhiều địa phương bị thiệt hại vì rét hại nên rau Mộc Châu trúng lớn. Chỉ với 5.000 m2 đất trồng rau, riêng năm 2015, gia đình ông ẵm về không dưới 250 triệu đồng tiền lãi, một số hộ cho thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng/năm.

Theo ông Dũng, nhờ được HTX ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm qua các kênh siêu thị nên đặc thù rau SX ra luôn có giá ổn định chứ không phập phù như thị trường trôi nổi, giúp thu nhập bình quân khoảng 15-16 triệu đồng/sào/năm.

Đây thực sự là một điều mơ ước của nông dân nơi đây khi cây rau cho thu nhập cao hơn từ 3-5 lần so với ngô, lúa trước đây.

Tiềm năng thấy rõ, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Luyến, GĐ HTX Rau bản Tự Nhiên, để tiếp tục đưa vùng rau Mộc Châu thành thương hiệu lớn, cần không ít cơ chế chính sách mà bản thân nông dân ở đây chưa đủ tiềm lực.

Bài học nhãn tiền nhất là trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, hiện tượng băng giá tại Mộc Châu đã khiến hàng loạt diện tích rau trồng ngoài trời, không được che chắn bị thiệt hại hoàn toàn. Tuy nhiên đối với các hộ dân có đầu tư hệ thống nhà lưới, có mái che ni-lon, rau vẫn phát triển tốt.

“Trong hoàn cảnh thời tiết ngày càng bất thường, để có sản lượng ổn định, tránh rủi ro thì không còn cách nào khác là phải đầu tư nhà lưới, ít nhất cũng có mái che tránh mưa, hạn chế nắng hoặc băng tuyết, cùng với hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt. Tuy nhiên để đầu tư như thế, cần không dưới 100 triệu đồng/sào”, bà Luyến kêu khó.

Cũng theo bà Luyến, với nguồn kinh phí vượt quá khả năng của dân, Nhà nước cần sớm đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo lại hệ thống thủy lợi, thoát nước tại các vùng rau tại Mộc Châu. Bởi hầu hết các vùng rau hiện nay có đặc thù thung lũng, chỉ cần một trận mưa lớn là ngập lụt bởi hệ thống thủy lợi, thoát nước tại đây gần như bị quên lãng.

Ông Hà Quyết Nghị, GĐ Sở NN-PTNT Sơn La cho biết: Ngoài Mộc Châu, hiện Sơn La đã xây dựng được tổng cộng 4 vùng rau an toàn, có liên kết tiêu thụ với thị trường Hà Nội, Hải Phòng.

Thời gian qua, các đối tác qua kênh siêu thị tại Hà Nội luôn tiêu thụ ổn định cho các vùng rau của Sơn La nhưng số lượng rau trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chưa thể đáp ứng nhu cầu đối tác.  


Tiềm năng rau quả Sơn La sẽ được đánh thức mạnh mẽ thời gian tới

Một trong những khó khăn khi mở rộng các vùng rau an toàn của Sơn La hiện nay, ngoài đặc thù SX manh mún, còn cần phải thận trọng bởi việc quản lí SX theo VietGAP khá phức tạp, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ canh tác hạn chế.

Chế độ giám sát, cấp mới 2 năm/lần, với mức chi phí cấp chứng nhận VietGAP khoảng 20 triệu đồng/lần cũng là rất lớn, khiến việc mở rộng diện tích rau VietGAP còn gặp khó khăn.

Trước những vướng mắc này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, chủ trương trong năm 2016 của Bộ NN-PTNT là sẽ tập trung quyết liệt, đẩy mạnh các mối liên kết giữa SX và tiêu thụ nông sản, trong đó đặc biệt hoan nghênh các mô hình thành lập HTX, phối hợp với DN để bao tiêu sản phẩm ổn định, đảm bảo vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng.

Với những khó khăn tại Sơn La, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh, nhất là tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ quốc tế nhằm có cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi, vốn vay đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới… cho các vùng rau theo định hướng quy hoạch của tỉnh.

Cùng đoàn công tác với Bộ NN-PTNT, ngài JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết: Nhiều năm qua, FAO đã có nhiều dự án hỗ trợ cho SX, nhất là hỗ trợ kỹ thuật với nhiều dự án nông nghiệp, trong đó có SX rau tại Sơn La.

Đối với những khó khăn của Sơn La về phát triển rau, FAO sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ, đồng hành trong việc xây dựng hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật và các gói dự án giúp nông dân Sơn La nâng cao năng lực SX, tạo liên kết SX và tiêu thụ trong thời gian tới. 

Cùng với rau các loại, cây ăn quả cũng đang là mặt hàng đang mở ra nhiều tiềm năng tại Mộc Châu.

Ông Đinh Cao Khuê, GĐ Cty Cổ phần Thực phẩm XK Đồng Giao (Doveco) cho biết, hiện Cty đã ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ quả mơ tại Mộc Châu trong niên vụ 2016 với sản lượng trên 3.000 tấn để chế biến các sản phẩm XK sang thị trường Nhật Bản.

Từ một cây trồng phụ không có nhiều người biết đến, nông dân bán dạo chỉ 3.000 – 4.000 đ/kg, từ năm 2015, Doveco đã thí điểm thu mua quả mơ cho nông dân Mộc Châu với giá từ 8.000 – 9.000 đ/kg và XK rất tốt sang Nhật.

Ngoài mơ, hiện Doveco cũng đã ký kết hợp đồng với nông dân Mộc Châu để xây dựng vùng chanh leo rất lớn phục vụ nguyên liệu chế biến XK trong năm 2016. 

“Khí hậu Mộc Châu là thiên đường hiếm có để trồng cây chanh leo quanh năm. Với năng suất chúng tôi đã thí điểm khoảng 90 tấn/ha, giá mua theo hợp đồng khoảng 8.000 đ/kg, mỗi ha chanh leo có thể cho thu nhập 1 tỉ đồng/vụ, mỗi năm 2 vụ là khả năng nằm trong lòng bàn tay” – ông Khuê cho biết.

Theo LÊ BỀN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 163
Tổng truy cập: 36753488