Dưa chuột sạch An Hòa (21/01/2016)

Từ những hộ gieo trồng tự phát ban đầu, đến nay, xã An Hòa, huyện Tam Dương, đã trở thành vùng SX dưa chuột lớn nhất nhì tỉnh Vĩnh Phúc.


Người dân An Hòa chăm sóc dưa chuột

Từ những hộ gieo trồng tự phát ban đầu, đến nay, xã An Hòa, huyện Tam Dương, đã trở thành vùng SX dưa chuột lớn nhất nhì tỉnh Vĩnh Phúc. Dưa chuột từ cây thay thế lúa nay thành cây làm giàu, xuất khẩu. Ông Đào Lưu Hải, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, đang rốt ráo hoàn thiện thủ tục, đưa dưa chuột An Hòa thành sản phẩm có tên tuổi, được bảo hộ độc quyền về nhãn hiệu.

Bà Đào Thị Điệp ở thôn Ngọc Thạch 2, xã An Hòa, hăm hở dẫn chúng tôi ra thăm ruộng dưa. Cách đây 15 năm, nhận thấy làm lúa không đem lại giá trị kinh tế cao, bà Điệp viết đơn xin chuyển đổi. 6 sào lúa giờ đã biến thành 1 sào ngô và 5 sào dưa chuột.

“5 sào, nếu chăm tốt, mưa thuận gió hòa, mỗi lứa cũng thu được trên dưới 6 tạ dưa. Từ tháng 8 âm lịch tới giờ, nguyên tiền bán dưa, nhà tôi thu được 48 triệu đồng”, bà Điệp phấn khởi. Nhờ có dưa chuột, căn nhà cấp bốn của gia đình được nâng cấp, sửa chữa khang trang sạch đẹp. Trong nhà, nhiều vật dụng đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, hay cả xe máy đều từ dưa chuột mà ra.

Đưa tay bấm nhánh ngọn dưa, bà Nguyễn Thị Nhi ở thôn Ngọc Thạch 1 kể, nhà làm 3 sào dưa chuột, túc tắc cũng có đồng ra, đồng vào. Mỗi năm bà Nhi trồng gối được 3 vụ dưa. Nhẩm tính, giá trị 1 sào dưa đem lại bằng cả 1 tấn lúa khi xưa làm ruộng.

“Trồng dưa chuột bị mỗi cái là sâu bệnh nhiều. Thỉnh thoảng chúng tôi lại được đi tập huấn nên cũng biết cách dùng thuốc nào để trị. Giờ chủ yếu dùng thuốc sâu sinh học nên không độc hại, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn”, bà Nhi chia sẻ. Cũng theo bà Nhi, trồng nhiều năm rồi, nhưng chưa bao giờ bị thương lái ép giá hay bị ế hàng. Cứ đến vụ thu hoạch, thương lái ùn ùn kéo về, thuận mua vừa bán, cân đếm ngay tại ruộng.

Theo ông Đào Thanh Vân, trưởng thôn Ngọc Thạch 1, cả khu có 328 hộ thì có đến 244 hộ tham gia trồng dưa chuột. Riêng thôn Ngọc Thạch 1 có 130 hộ trồng. 'Tôi thấy trồng dưa nhàn mà giá trị kinh tế gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Bởi vậy đời sống của người dân ngày một cải thiện. Ở đây, hết vụ dưa, nhiều hộ lại trồng tiếp ngô, đậu tương, bí đỏ… có khi 4 - 5 vụ/năm', ông Vân cho biết thêm.

Trao đổi với PV NNVN, ông Đào Lưu Hải cho biết, tổng diện tích trồng dưa chuột tập trung toàn xã An Hòa đạt trên 50 ha. Trước đây, diện tích này chủ yếu trồng lúa nhưng hiệu quả không cao. UBND xã đã hướng người dân chuyển đổi sang những cây trồng có giá trị cao hơn. Và dưa chuột là lựa chọn cuối cùng. Để phát triển thương hiệu dưa chuột sạch An Hòa, Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc đã đầu tư vùng SX theo tiêu chuẩn VietGAP tại đây với số tiền 14 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, đường cứng hóa, giúp người dân yên tâm SX.

Khu nhà xưởng sơ chế, kho lạnh rộng 800m2 cũng đang được hoàn thiện ngay trên cánh đồng thôn Ngọc Thạch 1. Người dân tự nguyện đóng góp 50% số tiền xây dựng, phần còn lại UBND xã đứng ra vay đối ứng trả cho đơn vị thi công. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là điểm tập kết sơ chế, bảo quản cũng như mua bán dưa chuột của cả xã An Hòa.

Ông Hải cũng cho biết, địa phương đang đề xuất với tỉnh gây dựng thương hiệu dưa chuột sạch An Hòa, khi xuất bán ra thị trường có bao bì, nhãn mác, chứng nhận VSATTP. Từ đó nâng cao giá trị, đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn nữa cho người trồng dưa. 

Theo PHẠM KẾ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 142
Tổng truy cập: 37043037