Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ Ba, năm 2015 (28/10/2015)

Thái Nguyên là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn của cả nước, đứng thứ hai toàn quốc sau tỉnh Lâm Đồng...

Hiện nay, diện tích chè của Thái Nguyên là 20.764 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 192.951 tấn. Sản phẩm chè Thái Nguyên đã được người tiêu dùng trong cả nước và quốc tế biết đến với các sản phẩm: chè xanh đặc sản, chè xanh cao cấp, chè ướp hương, chè đen… Sản phẩm chè (trà) của Thái Nguyên đã có mặt ở các tỉnh, thành phố cả nước và các nước Trung Quốc, Pakistan, Đài Loan, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Srilanca…

Tiếng thơm về chè Thái Nguyên không chỉ trong n­ước biết đến mà đã đ­ược lan xa, ngày càng nhiều khách hàng lớn trên thế giới tìm đến; được những người sành chè và nhiều thị trường khó tính chấp nhận. Chính vì thế, trong những năm gần đây, Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng để phát triển cây chè cả về diện tích, năng suất, chất l­ượng, thương hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thị trường trong và ngoài nước.

Vùng đất Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi cho cây chè phát triển; đặc biệt là điều kiện về thổ nhưỡng, những nguyên tố vi lượng có trong đất, làm cho chè Thái Nguyên có một hương vị rất riêng, không đâu có được.

Với đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nghề chè, bằng những công cụ chế biến thủ công, truyền thống, đã tạo nên những sản phẩm chè cánh đẹp, thơm hương chè, hương cốm, có dư vị ngọt ngọt chát chát trên đầu lưỡi đặc trưng, được người sành chè gọi bằng hai từ quen thuộc “Chè Thái”. Chè Thái có hương vị đậm đà, ngọt ngào riêng rất phù hợp với gu của người Việt: nước xanh, vị chát ngọt.

Vì vậy, Chè Thái đã trở thành một sản phẩm mang tính đặc thù của tỉnh Thái Nguyên, trở thành một thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng biết đến.

Đất Thái Nguyên, đặc biệt là vùng chè đặc sản Tân Cương - vùng đất được thấm đẫm huyền thoại Hồ Núi Cốc, là một trong những vùng cung cấp những loại chè ngon nổi tiếng.

Bên cạnh đó là các vùng chè ngon khác cũng nổi tiếng bấy lâu nay, như: vùng chè La Bằng (huyện Đại Từ); vùng chè Điềm Mặc (huyện Định Hoá), vùng chè Tức Tranh (huyện Phú Lương); vùng chè Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ); vùng chè Bình Sơn (TP Sông Công)…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ chè. Tổng sản lượng chè búp khô năm 2014 đạt 39.364 tấn, trong đó sản lượng chè chế biến công nghiệp chiếm khoảng 20% (Sản phẩm chè chủ yếu là sản xuất chè đen, chè xanh ướp hương liệu để xuất khẩu).

Năm 2014 xuất khẩu chè đạt 12,9 triệu USD, thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước: Pakistan, Đài Loan, Nga, Trung Quốc,... Sản lượng chè xuất khẩu chiếm khoảng 20% tổng sản lượng chè của tỉnh, còn lại khoảng 80% được tiêu thụ trong nước. Sản phẩm chè tiêu thụ trong nước khoảng 31.584 tấn, chủ yếu ở các chợ đầu mối, các đại lý trong tỉnh và một số thương lái thu mua.

Để cây chè phát triển bền vững, trở thành cây làm giàu, trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn làm cơ sở cho cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao.

Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP, từ khâu sản xuất đến khâu chế biến thành phẩm cuối cùng gắn quy trình sản xuất với việc được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận trong nước, quốc tế (VietGAP, GlobalGAP, Uzt Certified…).

Đẩy mạnh việc chuyển đổi giống cây trồng theo hướng giảm giống chè trung du, tăng các giống chè nhập nội và các giống chè trong nước tuyển chọn, lai tạo được đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị chè Thái Nguyên. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng chè đã tăng lên đáng kể: năm 2011 đạt 82 triệu đồng/ha, đến năm 2014 đạt 95 triệu đồng/ha. Chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu chè Thái Nguyên.

Năm 2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên, tiếp đó, Cục đã cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm chè nổi tiếng của tỉnh là Chè La Bằng, chè Phổ Yên, chè Vô Tranh, chè Trại Cài và chỉ dẫn địa lý cho chè Tân Cương.

Hiện tại, toàn tỉnh đang có 436 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; 7/9 địa phương đã có tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên.

Năm 2014, Thái Nguyên đã tiến thêm một bước nữa trong quá trình khẳng định thương hiệu sản phẩm chè bằng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại các nước, vùng lãnh thổ là Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc…

Việc tổ chức thành công 2 kỳ Festival Trà trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (2011, 2013) đã có những tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Cây chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, mà trở thành cây làm giàu cho bà con nông dân.

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ ba sẽ được tổ chức với quy mô quốc gia, gắn với các sự kiện lịch sử văn hóa của tỉnh; có sự kết hợp giữa các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội quy mô lớn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái nguyên nói riêng và các vùng sản xuất, chế biến chè cả nước nói chung.

Theo đại diện sở Văn hóa TT DL, Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ ba, năm 2015 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11, chủ yếu tại trung tâm thành phố Thái Nguyên,Với mục tiêu hướng về các địa phương trực tiếp trồng, chế biến chè nên trong chương trình hoạt động của Festival có các hoạt động được tổ chức tại 05 vùng chè lớn của tỉnh, gồm: Vùng chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), vùng chè La Bằng (huyện Đại Từ), vùng chè Điềm Mặc (huyện Định Hóa), vùng chè Trại Cài (huyện Đồng Hỷ) và vùng chè Phú Đô (huyện Phú Lương). Đối với các đoàn trà tỉnh bạn, dự kiến mời các đoàn trà các tỉnh có thế mạnh về cây chè, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến chè trong cả nước tham gia ( 20 tỉnh).

Các đoàn trà quốc tế, dự kiến mời đoàn trà của các quốc gia có sử dụng các sản phẩm chè và nhập khẩu các sản phẩm chè của Việt Nam như:  Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Srilanca, Pakistan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc...

Theo Việt Bắc (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 132
Tổng truy cập: 36753488