Thái Nguyên: Trên 122 tỷ đồng nâng cao năng lực ngành chè (30/09/2015)

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hơn 122 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của tỉnh cho đề án phát triển cây chè - cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.

Số vốn này tập trung cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè an toàn (hơn 40 tỷ đồng) và đầu tư cho thay thế giống chè (hơn 60,5 tỷ đồng) cùng một số hạng mục khác như quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn, hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP...

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Thái Nguyên, nhờ đầu tư mạnh cho việc triển khai đề án năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, hiện tổng diện tích chè toàn tỉnh đã đạt trên 20,7 nghìn ha; trong đó diện tích chè kinh doanh là 17,6 nghìn ha, năng suất đạt gần 110 tạ/ha và tổng sản lượng chè búp tươi năm 2015 đạt trên 200.000 tấn.

Hiệu quả rõ rệt nhất trong sử dụng nguồn vốn thực hiện chương trình nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè chính là việc thay thế, chuyển đổi cơ cấu giống chè, thay thế giống chè trung du cũ sang các giống chè mới năng suất cao, chất lượng tốt, đem lại thu nhập cho người trồng chè đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn hẳn một số loại cây hoa màu khác.

Bốn năm qua, toàn tỉnh đã trồng mới và trồng lại trên 5.600 ha chè, chủ yếu là các giống chè: LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, góp phần nâng diện tích thâm canh giống chè mới lên 56,8% tổng diện tích chè toàn tỉnh. Cùng với việc thay đổi cơ cấu giống chè, toàn tỉnh đã có trên 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); trong đó có 42 mô hình sản xuất chè VietGAP đã được chứng nhận với tổng diện tích hơn 500 ha.

Thương hiệu chè Thái Nguyên ngày càng tạo được sức hút với thị trường trong nước. Hiện toàn tỉnh có có 436 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên. Từ phát triển cây chè, toàn tỉnh đã xây dựng, hình thành được 111 làng nghề sản xuất, chế biến chè đặc sản và 35 HTX sản xuất chè, hơn 30 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chè.

Không chỉ chiếm lĩnh thị trường chè nội địa, hiện chè Thái Nguyên đã có thị trường xuất khẩu khá ổn định tại Pakistan, Đài Loan, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho biết, trên cơ sở những thành công của chương trình nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè giai đoạn 2011 - 2015, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển cây chè theo hướng tăng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến sản phẩm chè an toàn, chất lượng cao, đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chè.

Tỉnh tập trung quy hoạch vùng sản xuất chè nguyên liệu an toàn đến năm 2020, mở rộng diện tích sản xuất chè chất lượng, an toàn có chứng nhận VietGAP. Riêng trong các tháng cuối năm, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tập trung đẩy mạnh sản xuất, quảng bá sản phẩm tại Festival trà Thái Nguyên lần thứ 3, năm 2015 tổ chức vào tháng 11 sắp tới.

Theo Hoàng Thảo Nguyên (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 138
Tổng truy cập: 38578261