Xã sầu riêng (09/09/2015)

Về xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) sau 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất và người dân vùng căn cứ cách mạng năm xưa nay khoác lên mình một chiếc áo rất mới.


Ông Thắm đang kiểm tra bông và tỉa thưa trái khi cây sầu riêng ra hoa rải vụ

Ít nhất 1 tỷ đồng/hộ/năm Cây sầu riêng cơm vàng hạt lép đã bám rễ sâu trên vùng đất này, đưa lại giá trị kinh tế rất cao, bền vững cho từng nông hộ. Nhiều hộ trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép ở xã “Nông thôn mới Tam Bình” thu nhập 1 tỷ đồng/năm trở lên.

Ông Nguyễn Văn Thắm, nhà vườn trồng 0,6 ha sầu riêng cơm vàng hạt lép ở ấp Bình Hòa A (Tam Bình) khoe: Vườn sầu riêng 6 năm tuổi của tôi năm vừa qua thu trên 1 tỷ đồng. Vụ sầu riêng 2015 đang xử lý ra hoa rải vụ và khoảng 3 tháng nữa là thu hoạch. Với số lượng bông và trái hiện tại thì vụ sầu riêng rải vụ này cầm chắc lợi nhuận cũng phải trên 1 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Nữa, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh sầu riêng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (ấp Bình Hòa A, Tam Bình) là một trong những tỷ phú sầu riêng. Năm 2014 với 0,7 ha/1,3 ha sầu riêng ra trái rải vụ thu hoạch 3 lần cho ông thu hơn 1 tỷ đồng.

Ông Nữa nói, bây giờ ở Tam Bình từ bàn trà, quán cà phê hay đám tiệc câu chuyện cửa miệng của mọi người luôn xoay quanh vấn đề canh tác và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác sầu riêng sao cho đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, trong vòng 2 năm trở lại đây khi Nhà nước triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các nhà khoa học Viện Cây ăn quả miền Nam, kỹ sư nông nghiệp địa phương đã về chuyển giao kỹ thuật xử lý cho sầu riêng ra hoa rải vụ mang lại hiệu quả rất cao.

Sầu riêng rải vụ đưa đời sống từng nông hộ tăng trên 10 lần so với trước đây trồng lúa 3 vụ. Trong 17 nhà vườn tham gia thực hiện mô hình canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP thì có khoảng 50% hộ dân thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Giá trị vẫn tiếp tục tăng dần theo tuổi thọ của cây.

Cây sầu riêng bám được rễ sâu trên đất Tam Bình từ khi Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao chống lũ. Sau khi đê bao hoàn thành thì bà con bỏ ruộng lập vườn trồng sầu riêng khổ qua xanh.

Đến năm 2005 bà con bắt đầu chuyển đổi sang giống sầu riêng cơm vàng hạt lép. Người trồng mới, người thì ghép vào gốc sầu riêng khổ qua xanh. Sau 3 năm cây đơm hoa, kết quả thu về lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước.

Đặc biệt, trong vòng 2 năm trở lại đây nhà vườn đã biết ứng dụng kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa rải vụ đã đạt giá trị kinh tế cao gấp 1,8 lần so với chính vụ và gấp 12 lần trồng lúa.


Ông Thắm, tỷ phú sầu riêng với diện tích trên 0,6 ha

Để ổn định hơn trong quá trình sản xuất rải vụ, địa phương đã thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với 17 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 15 ha. Đến nay THT đã được công nhận sản xuất VietGAP.

Ông Trần Văn Bé Ba, Tổ phó THT sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP (Tam Bình) đầu tiên ở ĐBSCL, cho biết Tổ có 35 hộ, 21 ha sầu riêng. Bình quân 1.000 m2 trồng 20 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép, xử lý cho ra trái rải vụ thì nhà vườn thu lợi nhuận từ 100 – 150 triệu đồng/năm. Bây giờ có đổi 1 công (1.000 m2) sầu riêng lấy 1 ha ruộng người ta cũng không đổi.

"Độc diễn" cơm vàng hạt lép

Ông Nguyễn Văn Tặng, ấp Bình Hòa B có một cây sầu riêng cơm vàng hạt lép cho trái rải vụ năm 2014 bán được 48 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Ước, ấp Bình Hòa B có 6.500 m2 đất trồng sầu riêng rải vụ thu trên 1,5 tỷ đồng.

Hiện tại, trong THT trồng sầu riêng GlobalGAP của xã chỉ có 5/35 hộ là có đất sản xuất trên 1 ha, còn lại dưới 1 ha. Đất ít nhưng nhà vườn vẫn thoát nghèo bền vững. Một hộ dân 4 nhân khẩu chỉ cần 2.000 m2 đất trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép sau 4 năm sẽ vươn lên hộ khá và giàu theo tuổi thọ của cây.

Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết, nhà vườn ở Tam Bình đã và đang hưởng lợi lớn từ công trình thủy lợi ngăn triều cường do Nhà nước đầu tư năm 2000. Khi đê bao hoàn thành bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sang vườn sầu riêng chuyên canh.

Thu nhập của cây sầu riêng đã cuốn hút ông Nguyễn Văn Hòa (Mười Phò), chủ tiệm vàng để hết nghề kinh doanh cho vợ về cai quản vườn sầu riêng 7.000 m2. Vụ sầu riêng 2014 ông thu lãi trên 500 triệu đồng. Vụ sầu riêng năm nay ông đang nhắm đến con số 1 tỷ đồng.

Hai năm qua trái sầu riêng cơm vàng hạt lép luôn giữ mức giá khá ổn định, khoảng 30.000 đồng/kg. Những nhà vườn xử lý cho trái rải vụ bán mức giá bình quân 70.000 đồng/kg, năng suất 20 tấn/ha thì thu về 1,4 tỷ, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ.

Chủ tịch xã Đặng Văn Lâm nói: Xã Tam Bình có 1.600 ha đất trồng cây ăn trái thì có đến 1.400 ha sầu riêng cơm vàng hạt lép. Bình quân 1 ha đất trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép cho lợi nhuận từ mức 500 triệu đồng/năm trở lên. Năm 2014 toàn xã có 1.080 hộ được công nhận sản xuất giỏi 3 cấp.

Năm 2015 đã có thêm 1.815 hộ đăng ký bình xét khen tặng nông dân sản xuất giỏi 3 cấp. Tam Bình hiện là xã nông thôn mới và hộ nghèo còn dưới 5%. Nhà vườn trồng sầu riêng thu nhập bạc tỷ không còn là chuyện hiếm ở Tam Bình.

Theo Thanh Phong (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 140
Tổng truy cập: 36990173