Bón phân cân đối cho dưa hấu (05/06/2015)

Bón phân theo cách mới dưa không bị chết rũ nên số quả được tăng lên đáng kể, thu lãi cao là đương nhiên.


Đánh giá ruộng trình diễn dưa hấu tại xã Hưng Đạo

Vụ xuân 2015, Phòng NN-PTNT huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) triển khai mô hình "Bón phân cân đối, hiệu quả cho dưa hấu", sau khi thực hiện đề tài "Đánh giá tác động của một số loại phân bón mới đến cây trồng và môi trường đất".

20 hộ nông dân ở xã Hưng Đạo làm trên 10 mẫu dưa hấu được hỗ trợ 100% nguồn phân bón mới. Từ kết quả đã khảo nghiệm, các kỹ sư đã hướng dẫn nông dân chăm bón dưa hấu theo công thức: Phân chuồng 4 - 6 tạ + 20 kg supe lân + 56 ml Neb 26 + 5 kg đạm canxi - nitrat (đã giảm 1/ 2 lượng đạm theo cách bón thông thường) + 8 kg kaliclorua/sào.

Công thức đối chứng là cách bón thông thường. Tiền mua phân bón giữa công thức mới và đối chứng là như nhau.

Neb 26 là loại phân bón hữu cơ sinh học, có tác dụng giữ đạm để cung cấp từ từ cho cây trồng, giảm tiêu hao do rửa trôi, bay hơi, khả năng giữ độ bền của lá, cây tốt hơn các loại phân khác. Bón Neb 26 bộ rễ phát triển mạnh, khả năng hồi phục khi gặp các điều kiện thời tiết bất lợi tốt hơn khi bón phân khác...

Canxi - nitrat giúp cây trồng sinh trưởng khỏe, thân, lá, quả cứng cáp chống được nhiều sâu bệnh hại như bệnh nứt thân chảy nhựa, nứt quả, thối lá…

Cách bón:

- Bón lót: Phân chuồng mục (100%) + 20 kg supe lân + 4 kg đạm canxi- nitrat trộn cùng 28 ml Neb 26 + 3 kg kali.

- Bón thúc lần 1: Khi cây dưa bắt đầu bò, tiến hành rạch hàng và rắc vào giữa luống với lượng phân bón 3 kg đạm canxi- nitrat trộn cùng 21 ml Neb 26 + 4 kg kali.

- Bón thúc lần 2: Trước khi thu quả 20 ngày với lượng bón 1 kg kali.

Kết quả cho thấy, cây trong mô hình sinh trưởng nhanh hơn, thân mập, lá to hơn và có màu xanh sáng, sâu bệnh giảm hẳn so với đối chứng, đặc biệt là bệnh héo xanh vi khuẩn (dưa mô hình bị héo rũ 6%, trong khi đối chứng héo 15%; bệnh vàng lá, phấn trắng chỉ nhiễm 8%, diện tích đối chứng nhiễm 20%).

Trọng lượng quả trung bình trong mô hình cũng vượt trội (3,5 kg/quả) đạt năng suất 1,2 tấn/sào. Khi hạch toán kinh tế, trừ chi phí giống, vật tư phân bón và công làm đất, bà con thu lãi khoảng 9,5 triệu đ/sào. Trong khi bón thông thường chỉ đạt 3,2 kg/quả, năng suất trung bình đạt 1 tấn quả/sào, thu lãi khoảng 7,5 triệu đ/sào.

Bà Vũ Thị Quế, một trong những hộ nông dân tham gia mô hình cho biết, bón phân theo cách mới dưa không bị chết rũ nên số quả được tăng lên đáng kể, thu lãi cao là đương nhiên. Vụ sau bà sẽ áp dụng tiếp tục sử dụng loại phân bón này.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tứ Kỳ cho biết, hiện tượng chết rũ cây dưa do cách bón phân không cân đối, lạm dụng quá nhiều phân hóa học. Đất trồng ngày càng bị biến tính khiến vi khuẩn, nấm phát sinh gây hại làm cây chết nhanh. 

Mô hình trên là một bước giải ban đầu nhằm hạn chế vi sinh vật hại trong đất và cân đối dinh dưỡng cho cây để mang lại lợi nhuận cao, đất trồng được ổn định. Muốn có kết quả cao hơn nữa cần phải thâm canh theo hướng VietGAP.

Theo Hồng Phong (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 330
Tổng truy cập: 38758767