Trồng nấm ở Bắc Giang (05/05/2015)

So với nghề chạy chợ thì nghề trồng nấm không phải đầu tắt mặt tối, có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm. Kỹ thuật trồng nấm cũng không quá phức tạp.


Kiểm tra bịch nấm trước khi cấy sợi

Nâng niu những bịch nấm đang trong thời kỳ thu hoạch, chị Nguyễn Thị Thoa (40 tuổi) ở xã Quế Nham, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết cách đây hai năm, đại diện Cty Giống nấm Bắc Giang về xã mở lớp dạy nghề trồng nấm cho bà con, chị đăng ký học ngay.

Sau đó chị mạnh dạn đầu tư hơn 80 triệu đồng xây dựng lán trại rộng 300 m2 và lò hấp khử trùng nguyên liệu trồng nấm. Đồng thời huy động anh em, họ hàng cho vay thêm tiền để mua hàng chục tấn nguyên liệu.

Tháng 9/2011, chị Thoa chính thức trồng vụ nấm đầu tiên gồm các loại nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ. Theo chị, kỹ thuật trồng các loại nấm trên hoàn toàn khác nhau.

+ Đối với nấm mỡ, nấm sò: Rơm, rạ trộn với nước vôi và ủ trong vòng nửa tháng (cứ 3 ngày lại đảo 1 lần). Hoặc có thể đưa vào lò hấp khử trùng nguyên liệu. Bình quân 1 tấn nguyên liệu cần dùng 30 kg vôi. Sau đó, cho rơm (bông) vào luống, trộn đều, đánh đống và bón thúc lân, đạm theo tỉ lệ 1 lượt đạm, 1 lượt lân, 15 ngày sau cho ra luống.

Tiếp đó, phủ kín một lớp bùn lên mặt luống và cấy con giống vào, tiến hành nuôi sợi trong nhà ươm sợi, 15 - 20 ngày sau treo các bịch nấm và dùng dao rạch bịch. 15 ngày sau nấm sẽ cho thu hoạch.

+ Đối với nấm mộc nhĩ: Mùn cưa sau khi đã trộn đạm, lân đánh thành đống và ủ, trộn đều với nước vôi, 1 tháng sau đóng vào bịch và cho vào lò sấy. Sau khi tắt lò chừng 9 - 10 tiếng, mở cửa lò và cấy con giống lên đó.

Tiếp tục treo bịch nấm lên cao, khoảng 3 ngày sau thì rạch bịch. Tùy theo tình hình thời tiết mà nấm có thể cho thu hoạch sớm hay muộn. Thông thường ở nhiệt độ 25 - 30 độ C cây nấm sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Lưu ý thường xuyên giữ độ ẩm thích hợp cho bịch nấm.

Để đối phó với bệnh ruồi đẻ trên nấm, ngoài việc vãi vôi khử trùng lán trại còn phải thường xuyên phơi đồ dùng, dụng cụ để hạn chế mầm bệnh sinh sôi phát triển.

Hiện tại, gia đình chị Thoa trồng hơn 6.000 bịch nấm sò và nấm mộc nhĩ. Chị chia sẻ: “Nghề trồng nấm tuy mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng diện tích SX không cần nhiều, chỉ với một góc vườn có thể tận dụng để trồng xen các loại nấm khác nhau”.

Cũng như chị Thoa, chị Phạm Thị Yến (42 tuổi) ở cùng xã áp dụng mô hình trồng nấm rất hiệu quả. Sau 3 tháng theo học, chị mua hàng chục tấn nguyên liệu để làm. Hiện tại, xưởng của chị có hơn 8.000 bịch nấm các loại, hằng ngày đều có sản phẩm nấm tươi xuất bán. Nhờ đó có thu nhập ổn định.

Chị Yến tâm sự: “So với nghề chạy chợ thì nghề trồng nấm không phải đầu tắt mặt tối, có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm. Kỹ thuật trồng nấm không phức tạp nhưng đòi hỏi phải đảm bảo độ ẩm cho không gian nuôi trồng".

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Nham, toàn xã hiện có 20 hộ trồng nấm, trong đó có gần chục mô hình lớn như gia đình chị Thoa, chị Yến. Đến nay sản phẩm nấm tươi của Quế Nham đã trở thành mặt hàng đắt khách...

 

Theo Ái Liên (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 239
Tổng truy cập: 38810791