Sản xuất vải thiều VietGAP (04/05/2015)

Là một huyện thuần nông của tỉnh Hải Dương với 2 loại cây trồng chính là lúa và cây ăn quả, đến nay Thanh Hà đã có 3.945 ha vải thiều với giá trị SX đạt từ 120 - 130 triệu đ/ha/năm.


Tập huấn SX vải thiều VietGAP

Những năm gần đây vải thiều Thanh Hà đã được xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Úc... Năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ký hợp đồng tiêu thụ 10 ha vải thiều Thanh Hà.

Bước tạo đà để vải thiều xuất khẩu phải kể đến sự thành công từ dự án “Xây dựng, phát triển mô hình SX vải thiều Thanh Hà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP” (từ năm 2012-2014) của UBND huyện Thanh Hà.

Công tác tổ chức, chỉ đạo

Căn cứ quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án, do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Trưởng phòng NN-PTNT làm Phó ban, Chủ nhiệm dự án; các thành viên là đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của huyện; thành lập Tổ chuyên môn giúp việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, giao cho Phòng NN-PTNT là cơ quan thường trực BCĐ.

BCĐ thực hiện dự án tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án trong 3 năm (2012-2014) tại 3 xã Thanh Sơn, Thanh Khê, Thanh Thủy với tổng diện tích thực hiện là 100 ha; tổ chức triển khai kế hoạch đến các cơ quan có liên quan và các xã tham gia dự án.

Trong quá trình triển khai, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo BCĐ, các ngành liên quan tích cực kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã tham gia triển khai thực hiện các nội dung dự án theo kế hoạch, tiến độ đã được phê duyệt.

Các cơ quan chuyên môn tích cực, chủ động tham mưu cho BCĐ thực hiện dự án xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện các nội dung công việc cụ thể, xây dựng, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ của dự án cho các hộ nông dân tham gia.

UBND các xã tham gia dự án thực hiện chỉ đạo của UBND, BCĐ huyện, thành lập BCĐ thực hiện dự án của địa phương, thành lập các nhóm SX và Ban giám sát nội bộ; xây dựng quy chế hoạt động của các nhóm SX, tổ chức giám sát nội bộ trong quá trình triển khai...

Quy hoạch vùng dự án, đào tạo, tập huấn

Vùng dự án SX theo quy trình VietGAP được quy hoạch tại 3 xã Thanh Sơn, Thanh Khê và Thanh Thủy với tổng diện tích 100 ha có 530 hộ tham gia.

BCĐ huyện đã triển khai thực hiện các nội dung dự án tại 3 xã theo kế hoạch và tiến độ đã xây dựng như khám sức khỏe cho người lao động; tổ chức các lớp tập huấn về thực hành SX VietGAP (5 ngày/lớp); phối hợp với Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận cho 530 hộ dân tham gia dự án; in và cấp sổ ghi chép cho từng hộ SX; mở các buổi hội thảo để hướng dẫn nông dân chăm sóc và sử dụng thuốc BVTV an toàn...

Cán bộ chuyên môn huyện thường xuyên phối hợp với BCĐ xã, nhóm trưởng, nhóm phó và thành viên Ban giám sát nội bộ kiểm tra, hướng dẫn các hộ ghi chép sổ sách, thực hiện các quy định, biện pháp kỹ thuật.

Qua quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát cho thấy, do được chăm sóc đúng quy trình, đầu tư phân bón đầy đủ, sử dụng thuốc trừ sâu bệnh kịp thời nên cây vải trong vùng dự án sinh trưởng phát triển tốt, lá to, xanh và dày hơn, ít bị sâu bệnh hại, quả lớn nhanh, đều, tỷ lệ đậu quả cao, quả ít bị rụng sinh lý, chất lượng tốt.

Năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, sản lượng ước đạt gần 1.000 tấn quả. Chất lượng quả tốt hơn, mẫu mã đẹp, vỏ sáng, ít bị sâu bệnh, đặc biệt tỷ lệ quả bị sâu đục mép, đục cuống và bệnh thán thư ít hơn so với ngoài vùng dự án.

Kiểm tra, giám sát và cấp chứng nhận VietGAP

BCĐ thực hiện dự án các xã đã thành lập Ban giám sát nội bộ và xây dựng kế hoạch giám sát, phân công nhiệm vụ phụ trách cho từng thành viên. Các thành viên Ban giám sát nội bộ nhắc nhở và hướng dẫn các hộ khắc phục các lỗi vi phạm khi đơn vị giám sát bắt lỗi.

Đồng thời, phối kết hợp với BCĐ huyện, cán bộ chuyên môn huyện và BCĐ xã thường xuyên kiểm tra vườn vải, kiểm tra các hộ dân trong quá trình thực hiện dự án và hướng dẫn các hộ SX theo đúng quy trình kỹ thuật khuyến cáo.

BCĐ huyện giao Phòng NN-PTNT lựa chọn, ký hợp đồng với tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, năng lực giám sát, đánh giá và chứng nhận VietGAP cho các hộ tham gia dự án.

BCĐ huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức cấp hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc BVTV cho các hộ dân SX theo định mức đã được phê duyệt. Các loại phân bón đã cấp cho các hộ dân sử dụng để chăm sóc vải là phân Neb-26, NPK, kali, phân bón lá siêu kali, các loại thuốc BVTV là Pryvathon, Virtako và Score. Ngoài ra, BCĐ còn in túi đựng, tem nhãn cấp cho các hộ dân để sử dụng cho sản phẩm quả vải được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Trước khi bước vào vụ thu hoạch, các nhóm SX đã thành lập được tổ thu gom và tìm kiếm thị trường tiêu thụ vải quả được chứng nhận VietGAP cho các hộ dân trong vùng dự án. Vải thiều VietGAP khi thu hoạch được phân loại tạo ra lô sản phẩm đồng đều, chất lượng cao, được đóng gói, treo tem nhãn và đưa đi tiêu thụ. Giá bán bình quân cao hơn so với sản phẩm quả vải ngoài vùng dự án từ 10 - 20%.

Đây là một trong các dự án triển khai SX theo tiêu chuẩn VietGAP sớm nhất, lần đầu tiên quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được áp dụng trên cây ăn quả của tỉnh Hải Dương, đặc biệt là trên cây vải thiều Thanh Hà, được đánh giá là có hiệu quả.

Theo Hồng Phong (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 156
Tổng truy cập: 36974902