Lần đầu tiên, đồng bào dân tộc thiểu số ở 1 xã miền núi Bình Thuận trồng lúa tiêu chuẩn VietGAP thành công (10/05/2025)

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận vừa nghiệm thu mô hình “Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương – Cánh đồng không dấu chân” với quy mô 5 ha, tại xã Đông Tiến huyện Hàm Thuận Bắc.

Bà con nông dân học kỹ thuật chăm sóc lúa tiêu chuẩn VietGAP
Theo ông Ngô Thái Sơn, kết quả mô hình đạt được ngoài mong đợi và đây là lần đầu tiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đông Tiến thành công với mô hình này.
 
Kết quả năng suất cho thấy, mô hình tăng 9 tạ/ha (chiếm 18%), lợi nhuận tăng 19.5% cho bà con nông dân, so với sản xuất đại trà, theo phương thức cũ. 


Lần đầu tiên, đồng bào dân tộc thiểu số ở 1 xã miền núi tỉnh Bình Thuận thành công mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: KN

Theo UBND huyện Hàm Thuận Bắc, xã Đông Tiến là xã miền núi thuộc vùng cao giáp tỉnh Lâm Đồng. Toàn xã có 357 hộ/ 1.196 khẩu. Trong đó 333 hộ/1.103 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, được công nhận là xã nông thôn mới vào 2/2024.
 
Trên toàn xã Đông Tiến có khoảng 50 ha trồng lúa tập trung ở thôn 1 và 2. Tuy nhiên, theo tập quán bà con vẫn còn giữ phương pháp canh tác truyền thống với lượng giống gieo sạ 20 – 25 kg/sào, chưa áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào trong sản xuất nên năng suất, chất lượng thấp…
 
Trước tình hình biến đổi khí hậu gây bất lợi cùng chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, để người dân canh tác lúa có lợi nhuận thì việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo sạ, phun thuốc BVTV thu hoạch…
 
Các cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Bắc và xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, cùng hướng dẫn bà con sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp bà con tăng thêm thu nhập và đầu ra cho hạt gạo ổn định hơn…
 
Từ vụ Đông xuân năm 2024-2025, các bên đã phối hợp xây dựng mô hình “Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương – Cánh đồng không dấu chân” với quy mô 5 ha, tại xã Đông Tiến.
 
Mặc dù lần đầu còn ngỡ ngàng, nhưng nhờ sự ham học hỏi nhiệt tình của các hộ tham gia (diện tích 5 ha/32 hộ tham gia, thời gian thực hiện từ tháng 1/2025 - 4/2025), bà con đã tuân thủ thực hiện quy trình “1 phải 5 giảm” nhằm tạo ra sản phẩm lúa an toàn, chất lượng.
 


Bà con nông dân xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận, tham gia khóa học mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: KN

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, thông qua mô hình, cán bộ chuyên môn mong muốn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho bà con nắm vững. Cụ thể là kỹ thuật sạ thưa bằng bình phun, ứng dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học trong sản xuất để bà con nắm bắt. Hướng bà con hình thành vùng lúa thương phẩm, chất lượng cao tập trung, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nông dân…
 
Các hộ trên đã trải qua nhiều khóa tập huấn ngay tại địa phương và có những lúc, ban tổ chức phải đưa bà con đi nơi khác xem mô hình thực tế.
 
Qua đó, bà con đã được tập huấn các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa, kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP, áp dụng nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc, quy trình kỹ thuật “1 phải 5 giảm”,  sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch…
 
Bà con mừng vui vì kết quả tốt
Giống lúa được áp dụng cho bà con lần này là BĐR 79, bón lót phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học (dạng hạt), áp dụng tốt quy trình tưới tiết kiệm ướt khô xen kẽ “5 khô – 5 ướt”.
 
Những cán bộ hướng dẫn chuyên môn cho bà con cho biết, những kỹ thuật trên được bà con ghi chép cẩn thận nên khi áp dụng ngoài đồng ruộng rất thuận tiện. Nhờ đó, mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP lần đầu ở xã này năng suất thực thu ước đạt cao 9 tạ/ha, cao hơn nhiều so với ngoài mô hình. 



Bà con nông dân xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận, tham gia ý kiến với các chuyên gia tại khóa học mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: KN

Qua bảng 3 theo dõi, nhận thấy tỷ lệ sâu bệnh của mô hình ít hơn ngoài mô hình. Điều này đã cho thấy, hiệu quả của việc bón lót phân hữu cơ trước khi sạ, sạ thưa giúp cây lúa có sức đề kháng, hạn chế sâu bệnh gây hại tốt hơn.
 
Thông qua mô hình, bà con ai cũng thấy rõ là việc gieo sạ thưa, lượng giống gieo mô hình giảm từ 40-52%; phân vô cơ giảm 50%, thuốc BVTV giảm 25%, công lao động giảm 4.4%,. Lợi nhuận của mô hình hình tăng hơn so với ngoài mô hình đến 19.5%.
 
Theo ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, qua công tác tập huấn, bà con vùng đồng bào đã nắm bắt tiếp thu được “Kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP”.
 
Việc này mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con như: Giảm lượng giống gieo sạ giúp cây lúa khoẻ, tiết kiệm 40-52% lượng giống. Năng suất mô hình tăng 9 tạ/ha và lợi nhuận mô hình tăng 19.5% so với ruộng ngoài mô hình.
 
Cái lợi rõ nữa là môi trường sản xuất không bị ô nhiễm, do các hộ ưu tiên dùng phân hữu cơ, thuốc có hoạt chất sinh học, giảm 50% phân vô cơ so với ngoài  mô hình, thu gom bao bì, lọ, chai thuốc đúng nơi quy định.
 
Điều đáng ghi nhận là nhận thức của hộ vùng đồng bào có sự thay đổi lớn trong tư duy sản xuất lúa theo hướng hiện đại, tạo ra sản phẩm an toàn. Ban tổ chức cùng thống nhất đề nghị các cơ quan cao hơn cần sớm nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
 


Cán bộ khuyến nông tư vấn cho bà con nông dân xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận, về kỹ thuật, mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: KN

Được biết, trong ngày thu hoạch lúa và sơ kết mô hình, nhiều hộ dân ở xã Đông Tiến tham gia mô “Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP” đã bày tỏ sự vui mừng và lòng biết ơn đến ban tổ chức..
 
Tập thể bà con đều có chung ý kiến, đề xuất lên các cấp, tiếp tục có kế hoạch duy trì, mở rộng quy mô sản xuất lúa sạ thưa, ứng dụng chú trọng bón lót phân hữu cơ, giảm lượng phân hóa học, đẩy mạnh đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất tại các vùng trọng điểm lúa của địa phương giúp cho nền nông nghiệp bền vững. Qua đó, giúp bà con có phương tiện thoát nghèo bền vững…
Theo Bùi Phụ/ danviet.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 165
Tổng truy cập: 41975199