Chơn Thành nhân rộng quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp (24/08/2020)

Những năm gần đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chơn Thành đã tích cực, chủ động phối hợp với đơn vị chức năng và xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nông dân sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP. Nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần hình thành cho các HTX và người nông dân phương pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Từ năm 2018, HTX măng tre Thành Tâm được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn cho hội viên về mô hình trồng tre lấy măng theo tiêu chuẩn VietGAP. Áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, cải thiện môi trường sống, đảm bảo sức khỏe con người, sản phẩm măng tre đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện HTX măng tre Thành Tâm có 18 thành viên, với diện tích 30 ha trồng tre lấy măng đang kỳ thu hoạch, trong đó có 5 ha (đất thuê) của tập thể và 25 ha của các hộ thành viên. Nhờ áp dụng tốt quy trình sản xuất măng tre được kiểm soát chặt chẽ từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch đúng quy trình VietGAP, đầu tháng 5-2019, HTX măng tre Thành Tâm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Cần Thơ.


Ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX măng tre Thành Tâm vui mừng khi sản phẩm măng tre được chứng nhận VietGAP, tạo thương hiệu để cạnh tranh, mở rộng thị trường

Các thành viên HTX cho biết, đầu ra của măng tre hằng năm rất thuận lợi, thương lái từ TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương về tận vườn thu mua. Tuy giá dao động nhưng trung bình 1 ha tre lấy măng lãi khoảng 250 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX măng tre Thành Tâm cho biết: “Áp dụng mô hình trồng tre lấy măng theo tiêu chuẩn VietGAP không khó, nông dân đều có thể làm được. Việc sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư sản xuất, chế biến măng sấy khô đảm bảo quy trình VietGAP; tham gia hoạt động cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Tại xã Minh Long, nhiều nông dân đã trồng cây mít Thái và sầu riêng. Đa số các hộ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt sản xuất theo quy trình VietGAP, cho hiệu quả kinh tế cao. Hộ ông Nguyễn Hữu Hạnh ở ấp 5, xã Minh Long sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP trên 2 ha mít Thái. Để đạt tiêu chí của VietGAP, ông Hạnh phải ghi nhật ký sản xuất, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, phun đúng liều lượng theo khuyến cáo, đảm bảo thời gian cách ly, có kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, nơi pha chế thuốc, gắn bảng hướng dẫn và cảnh báo khi phun thuốc, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Ông Hạnh cho biết: “Năm 2018 và đầu năm 2019, giá mít tăng cao, hiện 15 ngàn đồng/kg mít múi, 9 ngàn đồng/kg mít trái. Năm nay, từ 2 ha mít của gia đình, dự kiến thu lãi khoảng 500 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Thời gian qua, phòng đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn hỗ trợ kinh phí cho các HTX thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP. Đến nay đã có nhiều mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP như: măng tre ở xã Thành Tâm; mít Thái và sầu riêng ở xã Minh Long; hồ tiêu ở xã Minh Lập. Qua thực tế, các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP đều đạt chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên dễ tiêu thụ với giá ổn định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng, đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP phù hợp”.

Theo ĐỖ TRỊNH (baobinhphuoc.com.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 70
Tổng truy cập: 36679326