Đứng vững từ trồng rau, quả sạch (24/08/2020)

Nhìn những hàng dưa lưới xanh mướt, trĩu quả đang đến độ thu hoạch được trồng bởi đôi tay cần mẫn, say mê chúng tôi mới thấy được khát vọng làm chủ, làm giàu của chàng trai trẻ Nguyễn Quốc Hưng (28 tuổi) ở ấp Phú Thành, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long. Anh Hưng đã nhìn thấy cơ hội phát triển nông nghiệp và chọn cho mình lối đi riêng khi khởi nghiệp.

Trồng dưa lưới 4 vụ/năm

Sau một thời gian nghiên cứu về thị trường các mặt hàng nông sản, anh Hưng quyết định chọn dưa lưới - loại trái cây đang được tiêu thụ mạnh và giá ổn định, để biến những dự định, ước mơ thành hiện thực. Gia đình có truyền thống làm nông nghiệp nhưng làm giàu bằng dưa lưới thì anh là người đầu tiên. Tuổi trẻ, nhiệt huyết chính là hành trang để anh đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm về áp dụng trên đất của gia đình.

Lợi thế của anh là được sự hậu thuẫn rất lớn về kinh tế từ gia đình. Năm 2016, anh được cha mẹ đầu tư tiền tỷ xây dựng 5,5 sào nhà lưới kiên cố, hiện đại để trồng dưa lưới và rau hữu cơ theo hướng công nghệ cao. Trong quá trình trồng, anh tự nghiên cứu giá thể trồng dưa, dùng hoàn toàn phân hữu cơ ủ kỹ trong 6 tháng cho hoai mục, gồm tro, trấu, xơ dừa, phân bò, gà, dơi, hạn chế tối đa dùng phân hóa học. Làm như vậy vừa tạo độ ẩm vừa đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng cho cây kể cả mùa nắng nóng với nền nhiệt độ cao như Bình Phước. Dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao (khoảng 350 triệu đồng/1.000m2) nhưng bù lại cách sản xuất này cho thu hoạch ổn định, ít bị tác động thời tiết. Theo đánh giá của anh Hưng, dưa trồng ở đây có chất lượng trái tốt, tỷ lệ hao hụt thấp.


1 sào dưa lưới cho thu hoạch bình quân 3-3,5 tấn, anh Nguyễn Quốc Hưng ở ấp Phú Thành, xã Thanh Phú (Bình Long) lãi khoảng 50 triệu đồng

“Qua mỗi lứa dưa thu hoạch, tôi lại tích lũy thêm kinh nghiệm, tính toán quy trình chăm sóc, lập trình biểu đồ dinh dưỡng hợp lý, nhất là giai đoạn thụ phấn thủ công. Khi cây bắt đầu ra hoa, cứ 1 sào tôi thả 2 thùng ong mật vào để ong thụ phấn cho dưa trong vòng 5 ngày. Khi đậu trái thì 1 cây lựa chọn 1 trái đạt yêu cầu để lại, các trái còn lại cắt bỏ, kết hợp cắt chồi, tỉa lá gốc tạo sự thông thoáng, sau đó bón giảm lượng đạm, tăng lượng kali, canxi. Ngày tưới nước 4 lần bằng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt với liều lượng 1 lít/cây/ngày. Khi trái khoảng 40 ngày thì hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi trái, trái đạt trọng lượng 1,4-1,8kg thì thu hoạch. Thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn, có thể trồng từ 3-4 vụ/năm” - anh Hưng cho hay.

Theo anh Hưng, mặc dù dưa lưới thuộc họ bầu bí nhưng trồng theo hướng công nghệ cao nên không đơn giản. Kỹ thuật trồng dưa lưới dù đã nắm chắc nhưng khi sản xuất, tùy từng địa hình, nguồn đất, nước, khí hậu mà mỗi người tự rút kinh nghiệm. Anh từng thất bại ở lứa dưa đầu tiên do trồng chưa đúng kỹ thuật, cây chết nhiều vì sâu bệnh, thiệt hại 50 triệu đồng.

“Chăm sóc dưa lưới như chăm một đứa trẻ, phải từng ly từng tí. Từ lúc ươm mầm đến khi thu hoạch, môi trường phải luôn sạch sẽ, thoáng mát và cần nhiều nắng để cây phát triển. Cây dưa lưới rất dễ bị bệnh phấn trắng, vàng lá nên việc chăm sóc phải thật kỹ. Nếu cây phát sinh bệnh, phải cách ly để tránh lây lan cây khác. Thời gian trồng đến khi thu hoạch khoảng 70 ngày/vụ. Trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày, dùng dụng cụ đo độ ngọt của dưa và khống chế độ ngọt ở mức 12 độ để đảm bảo chất lượng dưa tốt nhất. Một sào dưa cho thu hoạch bình quân 3-3,5 tấn, với giá bán từ 25-30 ngàn đồng/kg, gia đình thu gần 90 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn khoảng 50 triệu đồng/sào nên khoảng 2 năm rưỡi là thu hồi vốn” - anh Hưng cho biết.

Do không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học tự nhiên nên đây là vườn dưa lưới đầu tiên của thị xã Bình Long được kiểm định và cấp giấy chứng nhận sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện hệ thống Siêu thị Co.opmart tại TP. Hồ Chí Minh, AEon Bình Dương và các đại lý bán lẻ đang đặt hàng dưa lưới với số lượng lớn nên sản phẩm của anh làm ra không đủ bán. Đến thời điểm này, trồng dưa lưới với anh Hưng được xem là thành công bước đầu. “Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp ngoài nguồn vốn nên tìm cho mình một người cố vấn có bề dày kinh nghiệm và kiến thức thực tế để đi nhanh hơn mà rủi ro cũng giảm. Với tôi, người thầy đó chính là cha mình. Làm nông nghiệp muốn thành công thì không thể canh tác ồ ạt trên diện rộng mà phải có sự tính toán, cân nhắc để giảm thiểu tổn thất” - anh Hưng chia sẻ.

Rau dại thành đặc sản

Tận dụng giá thể đã qua sử dụng sau khi thu hoạch dưa lưới để trồng rau càng cua là cách anh Hưng có thêm nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ loại rau sạch này. “Rau càng cua mọc tự nhiên chỉ xuất hiện vào mùa mưa và vùng ẩm ướt thì nay rau có thể thu hoạch quanh năm khi được trồng trong nhà kính. Loại rau mọc hoang này cũng trở thành đặc sản trong các nhà hàng vì ngon và có vị lạ. Nắm bắt thị hiếu này, tôi tận dụng 500m2 đất trong nhà màng trồng rau càng cua. Lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, cung cấp nước thường xuyên đảm bảo độ ẩm, dinh dưỡng thích hợp tùy theo độ tuổi của rau” - anh Hưng nói.


Tận dụng giá thể đã qua sử dụng sau khi thu hoạch dưa để trồng rau càng cua, anh Nguyễn Quốc Hưng có thêm nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Để bảo đảm cây giống, anh Hưng ươm hạt trên khay, kệ, sau 10 ngày, cây đủ độ cao thì đem trồng ra giá thể, khoảng 70 ngày rau sẽ cho thu hoạch. Trên 500m2 một năm trồng được 7 vụ, mỗi vụ thu khoảng 1 tấn rau. Nhờ tìm được đầu ra ổn định với giá tại vườn từ 18-25 ngàn đồng/kg, anh Hưng đang thu lợi sau mỗi vụ hơn 20 triệu đồng.

Anh Hưng chia sẻ: “Rau càng cua trồng trong nhà màng tuyệt đối không dùng bất kỳ loại phân, thuốc nào vì rau vốn dĩ mọc tự nhiên. Khi rau vừa nhú bông thì thu hoạch ngay để đảm bảo độ xanh, non. Hiện nhu cầu về loại rau này rất lớn và giá có xu hướng tăng do khan hiếm nguồn rau sạch cung ứng. Đặc biệt, rau càng cua sau thu hoạch bảo quản được lâu, nếu để trong nhiệt độ mát có thể giữ được khoảng 7 ngày. Tất cả sản phẩm rau, quả tại vườn khi cắt bán đều được đóng gói trong bao bì, in nhãn mác, hạn dùng theo tiêu chuẩn VietGAP, như vậy mới nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Mong muốn của tôi hiện nay là xây dựng chuỗi cửa hàng cung ứng rau, quả sạch từ trang trại đến người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu sản phẩm để có đầu ra ổn định”.

Có thể nói trồng rau, củ, quả công nghệ cao đang góp phần “tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020”. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Theo NGÂN HÀ (baobinhphuoc.com.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 169
Tổng truy cập: 38810791