Cá tra xuất khẩu sẽ vượt trên 2 tỷ USD (28/08/2018)

Ngày 21/8, Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghịTheo Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến ngày 30/7/2018 đạt 1.198 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017. Sáu tháng đầu năm, Trung Quốc và Hồng Kông là quốc gia nhập khẩu cá tra lớn nhất, nhưng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có xu hướng giảm trong khi xuất sang Hoa Kỳ có xu hướng tăng.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, xuất khẩu những tháng đầu năm vào thị trường này đạt 289,8 triệu, chiếm 24,2% thị phần và tăng 40,6% so với cùng kỳ 2017. Hoa Kỳ là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 với giá trị đạt 255,33 triệu USD, chiếm 21,3% thị phần và tăng 15,6%; EU vẫn đứng vị trí thứ 3 với giá trị đạt 139,13 triệu USD, chiếm 11,6% thị phần và tăng 16,5% so với cùng kỳ 2017. Tiếp theo là khối ASEAN, EU, Mexico, Brazil, Colombia, UAE...

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này ĐBSCL thả nuôi cá tra đạt 4.033ha, sản lượng thu hoạch đạt 814.086 tấn. Giá cá nguyên liệu nửa đầu năm 2018 cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng 4.500-7.000 đ/kg; giá cá hiện đang ở mức 25.000-27.000 đ/kg tùy theo chất lượng và hình thức thanh toán.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định, diện tích nuôi cá tra thương phẩm của An Giang đạt 897ha, trong đó diện tích DN chiếm 451ha, diện tích hộ nuôi là 446ha. Đến nay tổng diện tích nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn chất lượng 408,7ha (45,56%), trong đó: diện tích nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn chất lượng ASC: 101,66ha, GlobalGAP: 21,91 ha, VietGAP: 285,13ha... Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm khoảng 152.437 tấn, bằng với cùng kỳ 2017. Bên cạnh đó tỉnh đã cấp 121 giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra, với số ao nuôi của DN là 435 tương ứng diện tích 478ha; số ao nuôi của nông hộ là 424 tương ứng diện tích 284,7ha. Về XK 6 tháng đầu năm 2018 An Giang xuất sang 72 nước đạt 59.000 tấn, tương đương 139,56 triệu USD.

Riêng An Giang được Chính phủ chọn điểm thực hiện chuỗi liên kết SX và tiêu thụ giống cá tra 3 cấp, đến nay tỉnh đã cung cấp được hơn 1 tỷ cá bột và 300 triệu con cá tra giống cho các DN thủy sản và các hộ nuôi cá tra trong và ngoài tỉnh. Chuỗi liên kết SX giống cá tra 3 cấp đang vận hành khá tốt, các bên tham gia chuỗi ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.


Cá tra Việt Nam năm 2018 xuất khẩu sẽ đạt trên 2 tỷ USD

“Mô hình liên SX xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao là khâu đột phá, trong đó DN đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo trong toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất giống, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các cơ sở nghiên cứu, HTX, THT, hộ SX giống, nhằm góp phần phát triển bền vững ngành cá tra. Mục tiêu đến năm 2020 các chuỗi SX giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho ĐBSCL với nhu cầu toàn vùng là 2,2 - 2,5 tỷ cá tra giống. Đến năm 2025 các chuỗi này hoạt động ổn định, cung cấp 100% giống cá tra chất

lượng cao cho vùng ĐBSCL từ 2,5 - 3 tỷ cá tra giống”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, 2018 là năm đầu tiên xuất khẩu cá tra có thể đạt con số trên 2 tỷ USD.

Bộ trưởng đề nghị ngành cá tra thực hiện tái cơ cấu theo thuận thiên; các DN tự hình thành phương thức kinh doanh cho chính mình nhưng cần có sự liên kết để đem lại kết quả cao.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chứng kiến buổi ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết SX giống cá tra 3 cấp giữa Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 2, Trung tâm giống thủy sản An Giang, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Cần Thơ và DN Mừng Liên, Tập đoàn Việt Úc.


Ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết SX giống cá tra 3 cấp giữa Viện, Trung tâm thủy sản và DN

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Việc xây dựng liên kết SX giống cá tra 3 cấp vùng ĐBSCL nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao.

Các cấp tham gia:

Đơn vị cấp 1: nghiên cứu, chọn tạo cung cấp đàn cá tra bố mẹ, bao gồm các viện nghiên cứu/trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chọn giống theo tính trạng mong muốn (tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, tỷ lệ sống cao...) để tạo ra đàn giống bố mẹ có chất lượng cung cấp cho đơn vị cấp 2.

Đơn vị cấp 2: nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột bao gồm trung tâm giống thủy sản của tỉnh, các doanh nghiệp, trại giống có năng lực, liên kết sản xuất hoặc nhận đặt hàng từ doanh nghiệp chủ trì chuỗi.

Đơn vị cấp 3: ương dưỡng giống cá tra từ bột lên hương và lên giống thông qua nhận đặt hàng từ các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết hoặc độc lập cung cấp cho nuôi thương phẩm bao gồm trung tâm giống, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, nông hộ có đủ năng lực được địa phương quy hoạch và tổ chức thành vùng ương dưỡng giống tập trung.

Theo LÊ HOÀNG VŨ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 142
Tổng truy cập: 36974902