Nuôi chung 'sú, đối, cua, kình', mô hình thủy sản bền vững (02/07/2018)

Từ độc canh tôm sú với nhiều rủi ro tiềm ẩn, các hộ nuôi trồng thủy sản ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) chuyển sang phương thức nuôi xen ghép; trong đó mô hình nuôi tôm sú cùng cá đối, cua, cá kình đã chứng tỏ được tính bền vững, hạn chế dịch bệnh và tạo thu nhập cao cho nông dân.


Người dân Quảng Điền tiến hành thả giống nuôi xen ghép

Sau thời gian trăn trở tìm mô hình nuôi trồng thủy sản ít dịch bệnh; thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân; đồng thời thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng có giá trị và phát triển bền vững, nữ kỹ sư Trần Thị Hồng Vân (SN 1983), Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Quảng Điền mạnh dạn đề xuất chuyển đổi từ hình thức chuyên canh tôm sú sang nuôi xen ghép 4 loài.

Nói về lý do thực hiện mô hình, nữ kỹ sư trẻ tâm sự, những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, môi trường nước ô nhiễm, tình trạng ngọt hóa kéo dài… nên nghề nuôi tôm tại Quảng Điền gặp nhiều khó khăn. Nếu trước đây người nuôi chỉ mất chưa đầy 3 tháng đã bán được tôm chất lượng cao, thì bây giờ phải trên 4 tháng mới bắt đầu cho thu hoạch.

Do con tôm chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài khiến bà con thường xuyên gặp các rủi ro như dịch bệnh, thất thoát khi mưa lũ về hay chi phí đầu tư tăng lên…; dẫn đến hiệu quả kinh tế của nuôi chuyên tôm không tương xứng với công sức và chi phí bỏ ra.

“Sau một lần đi thực tế vào năm 2009, tôi tình cờ bắt gặp mô hình nuôi xen ghép tôm sú với cá ong bầu của một hộ dân. Phương thức nuôi này tôm ít dịch bệnh hơn các hồ khác. Vì vậy để hạn chế dịch bệnh trên tôm sú tôi nghĩ cần phải nuôi xen ghép”, chị Vân chia sẽ.

Tuy nhiên, chọn đối tượng nuôi thế nào để vừa hạn chế được dịch bệnh trên tôm vừa thích ứng được với ngọt hóa kéo dài tại Quảng Điền là một việc khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Qua phân tích độ mặn thích ứng với nhiều con giống, nhận thấy cá đối thích nghi với độ mặn từ 2 - 15‰, cá kình thích nghi độ mặn từ 8 - 15‰, cua và tôm cùng thích nghi độ mặn từ 5 - 15‰. Trên cơ sở đó có thể nuôi xen canh theo phương pháp: Giai đoạn đầu độ mặn thấp sẽ thả nuôi cá đối, khoảng một tháng sau khi độ mặn lên ngưỡng 5 - 7‰ thì thả tôm và cua, nửa tháng tiếp theo khi độ mặn lên trên 7‰ cũng là lúc bắt đầu có giống cá kình thì sẽ thả nuôi cá kình. Với cách thả xen ghép, người dân có thể cho thu hoạch dần”, kỹ sư Vân cho biết.

Sau quá trình tính toán kỹ lưỡng, nữ kỹ sư mạnh dạn đề xuất, tham mưu chuyển đổi từ hình thức chuyên canh tôm sú sang nuôi xen ghép, gồm tôm sú - cá đối - cua - cá kình. Bắt đầu thực hiện thí điểm trên diện tích 7,5ha cho 6 hộ dân thuộc 2 xã Quảng Phước và Quảng An. Kết quả các con giống phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt ở ngưỡng cho phép, mỗi ha thu lãi từ 35 - 40 triệu đồng, gấp nhiều lần so với chuyên canh tôm trước đây khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha.

Chị Vân và người dân Quảng Điền phấn khởi hơn vì mô hình này đã hạn chế được dịch bệnh cho tôm và thích ứng được ngọt hoá kéo dài trong nuôi trồng thủy hải sản. Từ thí điểm thành công, mô hình nuôi xen ghép đã nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện Quảng Điền. Năm 2017 huyện đã có 674,71ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó diện tích nuôi xen ghép tôm sú - cá đối - cua - cá kình 648,35ha, chiếm 96% diện tích toàn huyện.

Theo đánh giá của các hộ nuôi xen ghép, mô hình được triển khai ngoài mang lại lợi ích kinh tế ổn định còn giúp cải thiện môi trường ao nuôi để phát triển kinh tế bền vững. Mặc dù vậy, bà con vẫn gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện mô hình do chất lượng giống cá đối trên thị trường không đảm bảo, cá đối thả nuôi là giống cá đối mục (chỉ nuôi 4 tháng là thu hoạch) nhưng nhiều khi chọn mua nhầm cá đối nhọn mất cả năm mới thu hoạch, gây tốn kém trong đầu tư và thất thoát mùa mưa lũ. Nếu chủ động được nguồn giống thì mô hình này sẽ thành công hơn nữa.

Với mô hình nuôi xen ghép tôm sú - cá đối - cua - cá kình, năm 2017 kỹ sư Trần Thị Hồng Vân vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn. Để ứng phó với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thuỷ sản bền vững và lâu dài, kỹ sư Vân tiếp tục vận động người dân trồng cây ngập mặn và dùng chế phẩm sinh học men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Theo MINH TUẤN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 223
Tổng truy cập: 39157181