Cà Mau chuyển mạnh nuôi tôm siêu thâm canh (15/06/2018)

Cà Mau là trung tâm tôm của cả nước với diện tích nuôi lớn nhất, khoảng 280.000ha. Ngoài các mô hình nuôi tôm sinh thái được khẳng định, thì Cà Mau cũng đang có hướng phát triển nuôi siêu thâm canh

Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, trao đổi với PV một số định hướng của tỉnh.


Ông Châu Công Bằng

Thưa ông, sau con tôm sú của Cà Mau đã khẳng định được thương hiệu, thì nuôi tôm siêu thâm canh sẽ là yếu tố đột phá để Cà Mau trở thành trung tâm tôm lớn của vùng ĐBSCL. Ông nhận định như thế nào?

Cho đến cuối năm 2016, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh (STC) của Cà Mau chỉ hơn 100ha. Nhưng đến 2017, diện tích thả nuôi loại hình này tăng rất nhanh, gần 1.000ha. Hiện tại, con số này đã tăng lên gần 1.700ha.

Lý do nuôi tôm STC phát triển mạnh mẽ như vậy, có thể nói đến: Thứ nhất, đây là loại hình nuôi đạt hiệu quả cao cả về năng suất, chất lượng. Sau thời gian triển khai thả nuôi, có nơi nuôi đạt gần 100 tấn/ha/vụ, còn bình quân đạt từ 30 – 40 tấn/ha/vụ. Mỗi năm người dân có thể nuôi từ 3 – 4 vụ. Tỷ lệ thành công khoảng 80 – 90%.

Thứ hai, đây là một mô hình đặc biệt. Vì mô hình nuôi tôm công nghiệp cũ (bằng ao đất) chỉ đạt từ 7 – 8 tấn/ha. Tỷ lệ thành công chỉ đạt từ 30 – 40%. Cảm thấy việc nuôi tôm công nghiệp theo kiểu truyền thống nhiều rủi ro, người dân đã tìm hiểu khoa học kỹ thuật về nuôi tôm STC và dần chuyển hướng sang nuôi theo loại hình này.

Thứ ba, như đã nói, do nuôi hiệu quả nên tốc độ phát triển của tôm STC ở địa phương hiện rất nhanh. Dự kiến đến cuối năm 2018, diện tích nuôi có thể đạt 2.000ha. Dư địa còn rất lớn nên sắp tới Cà Mau sẽ mở rộng diện tích vùng nuôi tôm STC. Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh sẽ có từ 5.000ha diện tích nuôi STC và đến 2030 con số này tăng lên là 10.000ha.

Chủ trương lớn của tỉnh Cà Mau về phát triển tôm STC đã nhận được sự đồng thuận cao từ chính quyền địa phương và người nuôi. Thời gian tới, Cà Mau cần phải làm gì để ngành này phát triển thật bền vững trong tầm kiểm soát của ngành chức năng?

Nhìn nhận một cách khách quan, thì loại hình nuôi tôm STC thời gian qua cho thấy có những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, về lâu dài, muốn để ngành tôm Cà Mau phát triển bền vững cần phải định hướng rõ ràng, xây dựng mục tiêu cụ thể, chứ không nóng vội.


Thu hoạch tôm ở Cà Mau

Sở NN-PTNT Cà Mau đã chỉ đạo quyết liệt về quy hoạch vùng nuôi, trang bị kiến thức cho người nuôi một cách rõ ràng. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng tôm nuôi và đảm bảo về môi trường, tránh ô nhiễm.

Cà Mau có diện tích nuôi tôm rất lớn, khoảng 280.000 ha. Vì vậy, để nuôi tôm STC có hướng đi bền vững, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về quy định điều kiện nuôi tôm trên địa bàn. Trong đó, có nhiều tiêu chí để áp dụng cho người nuôi. Khi nuôi, người dân phải đáp ứng đủ các điều kiện của cơ quan chức năng quy định thì mới được phép thả nuôi.

Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT đã cụ thể hóa bằng cách ban hành hướng dẫn về nuôi tôm STC để định hướng người nuôi theo quy trình nghiêm ngặt, chuẩn VietGAP. Nếu hộ nào chưa đủ điều kiện thả nuôi thì địa phương đó lập biên bản, đình chỉ nuôi cho đến khi đủ điều kiện. Còn nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Người dân cần phải thận trọng khi nuôi tôm STC. Không nên thấy hiệu quả trước mắt mà phát triển một cách ồ ạt, không tuân thủ quy định. Vì điều này, có thể sẽ vấp phải những hạn chế nhất định.

Tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các địa phương nâng cao công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật…đ ể người dân địa phương nắm và thực hiện đúng quy định. Trong đó, phải chú trọng đến diện tích nuôi và vùng nuôi.

(Ông Châu Công Bằng)

Theo TRẦN DUY – TRỌNG LINH
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 131
Tổng truy cập: 36753488