Giải pháp phòng trị bệnh trên tôm nuôi (11/07/2017)

Trường ĐH Nha Trang phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Bệnh trên tôm nuôi và biện pháp phòng trị” nhằm giúp nghề nuôi tôm thương phẩm phát triển bền vững.


Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm KNQG, giới thiệu một số mô hình nuôi tôm hiệu quả cao

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, hiện giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ vẫn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với tỷ lệ chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, chỉ trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu tôm đạt trên 1 triệu USD tăng 7,9% so với năm 2016. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh (bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan cấp tụy) vẫn đang gây khó khăn cho người nuôi tôm tại một số địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre…

Ngoài ra, một số nguyên nhân chủ quan cũng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh như ý thức trong việc quản lý môi trường cải tạo ao đầm của người nuôi chưa cao, nhiều trường hợp nuôi tôm thẻ chân trắng quanh năm không dành thời gian ngắt vụ dẫn đến không cắt được mầm bệnh và ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Diễn biến thiệt hại trên tôm nuôi cho thấy vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng phụ thuộc rất lớn vào điều kiện môi trường. Do đó, cần tập trung công tác dự báo, cảnh báo môi trường, nâng cao chất lượng giống, thực hiện giám sát dịch bệnh chủ động để kiểm soát sớm tác nhân gây bệnh và đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời.

Phát biểu tại hội thảo, ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm KNQG cho biết, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh đối với nghề nuôi tôm, người nuôi cần tham khảo các mô hình hiệu quả được cơ quan khuyến nông Trung ương và địa phương giới thiệu để nắm bắt những tiến bộ kỹ thuật cách nuôi mới, từ đó tham quan mô hình thực tiễn để tin tưởng làm theo...

Một số mô hình nuôi tôm hiệu quả được ông Tiêu giới thiệu tại buổi hội thảo, gồm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc, nuôi luân canh tôm sú - rong câu, nuôi luân canh tôm sú - lúa, nuôi tôm sú - hải sâm và rong nho, nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học không sử dụng hóa chất và kháng sinh.

Theo ông Tiêu, các mô hình nuôi trên đều hạn chế hoặc không bị dịch bệnh trong quá trình triển khai do thay đổi cách quản lý truyền thống và sử dụng thuốc thú y thủy sản trong quá trình nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc

Ngoài ra, tại buổi hội thảo các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã trình bày một số nghiên cứu mới và đưa ra một số giải pháp hạn chế bệnh trong nuôi tôm thương phẩm. Bên cạnh đó, đại diện một số Cty trong lĩnh vực sản xuất tôm giống như: Cty Việt Nam Food, Việt Úc, Thăng Long… cũng đều khuyến cáo người nuôi tôm lựa chọn những cơ sở sản xuất tôm giống uy tín hàng đầu để hạn chế mầm bệnh...

Theo MẠNH TUẤN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 401
Tổng truy cập: 37024061