Giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi tôm tại các tỉnh miền Trung (21/04/2017)

Tại Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng tôm giống tại các tỉnh miền Trung" với sự tham dự của hơn 250 đại biểu gồm đại diện doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người nuôi thủy sản của các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận.


Hơn 200 người nuôi trồng thủy sản của 8 tỉnh miền Trung tham dự diễn đàn

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2016 cả nước đã sản xuất được trên 100 tỷ con tôm giống trong đó khoảng 80 tỷ con tôm thẻ chân trắng, còn lại là tôm sú. Riêng khu vực các tỉnh miền Trung sản xuất được 67,5 tỷ con chiếm gần 65% sản lượng tôm giống nước lợ của cả nước.

Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh miền Trung đang phát triển quy mô sản xuất ngày càng lớn, chất lượng tôm going được nâng cao làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ.

Theo chuyên gia thủy sản Phạm Văn Tình, trong nuôi tôm thương phẩm (tôm sú và tôm chân trắng) con giống quyết định đến 50% thành công của vụ nuôi, do vậy để hiệu quả đợt nuôi đem lại lợi nhuận cao cho người dân chất lượng con giống phải đặt lên hàng đầu.

Đối với các cơ sở sản xuất tôm giống muốn sản xuất con giống có chất lượng tốt, kháng bệnh tốt cần cung cấp đủ nguồn HUFA (thành phần axit béo) cho quá trình nuôi qua các nguồn thức ăn như thức ăn tổng hợp, trứng Artemia (giúp tôm hấp thu vitamin dễ dàng), nguồn tảo tươi (tăng sức đề kháng bệnh cho tôm) và sử dụng thảo dược (giúp tôm nâng cao thể trạng gan, chống chọi các vi khuẩn có hại cho gan khi thả nuôi).

Tại buổi hội thảo, ông Lê Minh Chính, chủ hộ nuôi tôm tại xã Ninh Phú (TX Ninh Hòa) được ban tổ chức chọn để giới thiệu mô hình và chia sẻ một số kinh nghiệm giải pháp kỹ thuật trong nuôi tôm đạt năng suất cao bền vững khi áp dụng công nghệ nuôi Biofloc tại trang trại của mình.


Ông Lê Minh Chính giới thiệu mô hình nuôi tôm bền vững theo công nghệ bán Biofloc

Ông Chính cho biết, cách đây 2 năm qua báo chí và tài liệu tham khảo của PGS Hoàng Tùng về thực hành công nghệ Biofloc và sự giúp đỡ kỹ thuật của Cty Mekong Tomland, ông Chính đã mạnh dạn đầu tư lót bạt ao nuôi thực hiện theo mô hình bán Biofloc (hay còn gọi là Chinh floc). Các vụ nuôi trong năm 2015, 2016 đều cho kết quả rất khả quan, riêng năm 2016 với 5 ao nuôi tôm diện tích 6,2 ngàn m2 cho năng suất 78 tấn/4 vụ nuôi, với kích cỡ tôm bình quân 70 con/kg, tỷ lệ lợi nhuận trên 35% vốn đầu tư.

Theo ông Chính, điều kiện trang thiết bị ao nuôi phải thiết kế kiên cố và lót bạt HDPE, xung quanh ao nuôi cần được che chắn bằng tường, lưới sắt, và có một lớp bạt cao 30cm để ngăn cản nguy hại bên ngoài. Mỗi ao nên có một máy cho ăn tự động, 5 dàn quạt nước, 1 dàn khí oxy đáy, hệ thống bơm nước ngầm bằng giếng nhân tạo, bể lọc ngược và cần có khu ngâm, hệ thống bơm vi sinh bán tự động.

Quá trình cải tạo ao nuôi cần xả cạn nước, rửa sạch đáy ao, phơi đáy tiệt trùng, kiểm tra hệ thống quạt, máy móc, chất lượng bạt và bơm nước từ ao lắng qua hệ thống lọc ngược, qua túi lọc vào ao nuôi…

Ông Chính cho biết thêm, hiện trang trại Chính Mỹ đang tin tưởng chọn con giống của Cty TNHH Giống thủy sản Hisenor và Cty TNHH Việt Úc, thời gian thả con giống thường vào sáng sớm và mật độ thả nuôi từ 150 - 200 con/m2 ở ao nuôi và 500 - 700 con ở ao ương. Giai đoạn tôm còn nhỏ từ 1 - 30 ngày tuổi được ông Chính cho ăn bằng tay, khi tôm lớn hơn 30 ngày tuổi thì mới tiến hành cho ăn bằng máy tự động.


Mô hình nuôi tôm tại trang trại Chính Mỹ

Đối với quá trình nuôi cấy vi sinh tạo floc, đây được coi là giai đoạn quan trọng trong qui trình nuôi tôm theo công nghệ bán Biofloc của ông Chính. Vi sinh và mật đường (500gram + 5kg đường) được ngâm sục khí qua đêm và đánh xuống ao, mật đường được cung cấp 3 lần/tuần nên bằng 50% lượng thức ăn sử dụng trong tuần, thông thường lượng thức ăn mỗi ngày khoảng 50kg/ao thì bắt đầu xuất hiện Biofloc.

Trong 60 ngày thả đầu tiên, nếu bị mất floc tảo có thể bùng lên, vì thế cần nhanh chóng thay nước ao nuôi để giảm mật độ tảo. Nếu ao có Biofloc phát triển tốt thì bơm sang 10 - 20cm nước để cấy Biofloc cho ao gặp sự cố, rồi bổ sung mật rỉ đường và tăng số lượng giàn quạt vận hành. Trong trường hợp bọt trắng nổi đầy mặt ao và không tan thì hàm lượng các chất hòa tan trong ao đang ở mức cao người nuôi cần cắt giảm ngay khẩu phần ăn. Các sự cố môi trường thường xảy ra ở tháng nuôi thứ 3 khi sinh khối của tôm nuôi lớn, chất thải hình thành trong hệ thống cũng tăng nhanh do đó bà con cần hết sức lưu tâm kiểm soát tốt hệ thống trong giai đoạn này.

Qui trình nuôi tôm theo công nghệ bán Biofloc hay còn gọi Chinh floc của ông Lê Minh Chính hiện đang được áp dụng thành công ở nhiều địa phương có diện tích nuôi lớn như Bạc Liêu, Vũng Tàu…

Ông Kim Văn Tiêu, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong buổi hội thảo này nông dân nuôi trồng thủy sản của 8 tỉnh miền Trung đã được nghe và trước đó được Trung tâm KNQG tạo điều kiện tham quan mô hình nuôi tôm tại trang trại Chính Mỹ của ông Lê Minh Chính để tiếp cận công nghệ nuôi và kỹ thuật mới.

Thời gian tới, Trung tâm KNQG tiếp tục tăng cường tuyên truyền tập huấn kỹ thuật nuôi bền vững đạt hiệu quả cao để các địa phương đến tham quan học tập. Đồng thời đề xuất thêm các giải pháp trong quản lý chất lượng con giống trên thị trường hiện nay để người nuôi trồng thủy sản được an tâm về con giống.

 

Theo MẠNH TUẤN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 198
Tổng truy cập: 39573539