Tiềm năng con tôm ở bán đảo Cà Mau còn rất lớn (01/03/2017)

Trong chiến lược phát triển ngành tôm, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra đích ngắm tới năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD, đưa tôm nuôi thành ngành kinh tế chủ lực...

Để đạt được mục tiêu trên cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương. Vậy, tại các địa phương có thế mạnh, liệu việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất tôm nuôi thế nào?


Để rộng đường cho con tôm phát triển việc mở rộng diện tích nuôi tôm là cần thiết

Xét về điều kiện, Bán đảo Cà Mau được đánh giá là nơi thuận lợi nhất để phát triển nuôi tôm nước lợ. Thực tế, các tỉnh thuộc vùng bãi bồi ven biển này chiếm đa số diện tích nuôi tôm nước lợ tại ĐBSCL và cả nước. Không chỉ vậy, tiềm năng mở rộng diện tích nuôi tôm tại đây vẫn còn rất lớn.

Là tỉnh có hơn 200 km bờ biển, trên 140 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan thuộc biển Tây, đây là điều kiện thuận lợi để Kiên Giang phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là nghề nuôi tôm nước lợ.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết: Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 104.325 ha, sản lượng 80.000 tấn.

Đến năm 2030, diện tích 132.000 ha, nhưng sản lượng tăng gần gấp đôi, đạt 155.000 tấn. Riêng tôm nuôi thâm canh công nghiệp – bán công nghiệp, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ đạt 5.000 ha, tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng, với sản lượng đạt 41.330 tấn. Còn lại là diện tích nuôi tôm – lúa, quảng canh cải tiến và nuôi sinh thái dưới tán rừng.


Vùng Bán đảo Cà Mau còn tiền năng rất lớn để tôm nuôi phát triển

Nhằm hỗ trợ nghề nuôi tôm phát triển, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2017 – 2020 với những nhiệm vụ chủ yếu như: Chương trình phát triển hạ tầng về điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và NTTS tập trung; Xây dựng 2 trạm kiểm dịch, quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh trên tôm nuôi ở các vùng trọng điểm; Giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi tại địa bàn tỉnh Kiên Giang;

Điều tra dịch tễ bệnh đốm trắng (WSD), bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) và đề xuất biện pháp phòng, chống trên địa bàn tỉnh; Chương trình hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAP lần đầu đối với các tổ chức, cá nhân nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; Kế hoạch xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Theo ông Thao, diện tích quy hoạch nói trên là quy hoạch mở, thực tế diện tích thả nuôi tôm của tỉnh những năm qua tăng rất nhanh. Nếu như năm 2016, diện tích toàn tỉnh mới đạt khoảng 106.000 ha, sản lượng đạt gần 58.000 tấn tôm thương phẩm. Năm 2017, kế hoạch của ngành là thả nuôi đạt 113.000 ha, sản lượng 63.000 tấn.

“Theo quy hoạch thì diện tích thời gian tới sẽ tăng khá, nhưng điểm nhấn nằm ở sản lượng sẽ tăng mạnh hàng năm. Tỉnh đang chú trọng đẩy mạnh thả nuôi theo hình thức nuôi thâm canh công nghiệp, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới để tăng mật độ cũng như năng suất, đồng thời tập trung nâng cao sản lượng ở các mô hình nuôi quảng canh, nuôi sinh thái...”, ông Thao nói.

Tại Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm của tỉnh hiện nay khoảng 127.000 ha. Theo kế hoạch của tỉnh này, đến năm 2020 diện tích NTTS sẽ đạt hơn 143.000 ha. Trong đó chủ yếu là con tôm. Khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm của Bạc Liêu vẫn còn khá nhiều. Dễ thấy nhất là phần diện tích sản xuất muối kém hiệu quả tập trung ở huyện Hòa Bình và Đông Hải hoàn toàn phù hợp chuyển đổi qua nuôi trồng thủy sản.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh này, việc chuyển đổi không có gì quá khó khăn do kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến không đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn không nhiều. Chủ yếu cần tập trung hướng dẫn kỹ thuật cơ bản cho họ là có thể sản xuất hiệu quả, giải quết vấn đề khó khăn về đầu ra của hạt muối.

Bên cạnh đó, đối với diện tích đất chuyên canh tác lúa tại các vùng bị ảnh hưởng của mặn xâm nhập và vùng gần biển thuộc các huyện Vĩnh Lợi, TP Bạc Liêu, Giá Rai... tỉnh này hoàn toàn có thể thực hiện chuyển đổi qua một số mô hình nuôi tôm quảng canh để tăng hiệu quả kinh tế.

Nếu xét về điều kiện để phát triển ngành tôm, Cà Mau là tỉnh có tiềm năng lớn nhất trong bốn tỉnh thuộc vùng Bán đảo Cà Mau. Với 3 mặt giáp biển, cùng đường bờ biển dài hơn 250 km, có 87 cửa sông lớn nhỏ thông ra biển, kết hợp cùng hệ thống kênh ngòi chằng chịt trong nội đồng việc dẫn nước mặn về để phát triển nuôi tôm của Cà Mau rất thuận lợi.

Thực tế, Cà Mau đang đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm nuôi. Trong đó, tùy theo điều kiện từng tiểu vùng cụ thể, tỉnh này phát triển đủ các loại hình nuôi tôm khác nhau từ nuôi thâm canh, bán thâm canh; lúa – tôm; tôm – rừng...


Nhiều địa phương đánh giá mô hình lúa – tôm mang lại hiệu quả phù hợp để chuyển đổi

Đặc biệt, những năm gần đây, do chịu sự xâm thực mạnh của nước biển, cây lúa thuộc vùng ngọt tại các huyện U Minh, Thới Bình ngày càng kém hiệu quả. Trước thực tế này, Cà Mau đã quy hoạch lại một số diện tích và uyển chuyển qua thực hiện một số mô hình nuôi tôm.

Điểm nhấn trong đó là mô hình lúa – tôm, thuộc các xã Khánh Hội, Nguyễn Phích (huyện U Minh) và Trí Lực, Trí Phải, Thới Bình (huyện Thới Bình) đã giúp nâng cao giá trị kinh tế từ 2 – 3 lần trên cùng diện tích đất so với lúa hai vụ trước đây. Vài năm nay, thực tế diện tích lúa – tôm của tỉnh này không ngừng tăng. Đến nay, theo quy hoạch đã có khảng 45.000 ha đất làm mô hình này.

Tuy nhiên, từ điều kiện tự nhiên cho thấy vùng ngọt hóa của Cà Mau vẫn còn tiềm năng rất lớn để tăng diện tích, mở đường cho con tôm phát triển. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng vùng ngọt hóa với khoảng 29.000 ha đất lúa tại huyện Trần Văn Thời và một phần diện tích đất làm lúa hữu cơ tại huyện U Minh là “bất khả xâm phạm” chuyển đổi. Tức là tại U Minh và Thới Bình vẫn còn khoảng 10.000 ha đất sản xuất lúa hai vụ có thể chuyển đổi qua nuôi tôm. Từ đó, tỉnh này cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 diện tích loại hình lúa – tôm có thể tăng lên từ 50.000 – 55.000 ha.

Tuy vậy, theo phân tích của một lãnh đạo ngành nông nghiệp Cà Mau, muốn chuyển đổi không phải dễ. Thứ nhất, chủ trương chuyển đổi không phải do tỉnh tự quyết định là được. Bên cạnh đó, cũng phải rất đắn đo vì hiệu quả bền vững của mô hình được chuyển đổi như thế nào. Thực sự, bây giờ người dân đang sống được với hai vụ lúa, mà bà con mình thì cứ cái gì ăn chắc là sẽ ưu tiên. Chính vì vậy, tỉnh muốn chuyển đổi phải suy xét rất kỹ và quan trọng phải thuận lòng dân.

* Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Tạo điều kiện phát huy thế mạnh

 

Tôm nuôi nước lợ được xác định là vật nuôi có thế mạnh của tỉnh, mang lại giá trị gia tăng cao. Hơn nữa thách thức do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, buộc chúng ta phải chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng, trong đó nghề nuôi tôm ven biển là lựa chọn phù hợp nhất.

Tỉnh đang rà soát lại để hoàn thiện hơn quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp địa phương, từ đó xem xét điều kiện thực tế. Nơi nào có điều kiện phù hợp chuyển đổi qua nuôi tôm, phù hợp với mô hình nào sẽ cho chuyển đổi để phát huy được lợi thế, tránh gây lãng phí tài nguyên đất và tăng giá trị kinh tế cho người dân.

Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông, điện lưới để nghề nuôi tôm phát triển mạnh trong thời gian tới.

* Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau: Quy hoạch là điều kiện tiên quyết

 

Ông Triều thẳng thắn nhìn nhận, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch của tỉnh thời gian vừa qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Trong thời gian tới, để trở thành “vựa tôm” của cả nước, Cà Mau cần hoàn thiện quy hoạch. Trong đó, tùy theo từng phân vùng cụ thể, sẽ có đối tượng nuôi phù hợp. Đến năm 2020, Cà Mau sẽ đạt khoảng 280.000 ha đất nuôi tôm.

Trong đó, công việc quy hoạch xây dựng phân khu nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao (từ 800 – 1.000 ha) là nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, từ thực tế những diện tích đất sản xuất lúa bị nhiễm mặn, kém hiệu quả ở những vùng có thể chuyển đổi sản xuất được, sẽ nghiên cứu kỹ và đề xuất cho chuyển đổi qua làm mô hình lúa – tôm.

* Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu: Mở rộng diện tích phải đi cùng hạ tầng, thủy lợi

 

Trọng tâm ngành tôm Bạc Liêu trong thời gian tới là tập trung phát triển với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Tuy nhiên, phát triển khu nông nghiệp trên cũng là để phục vụ cho sự phát triển thế mạnh con tôm của tỉnh, vì vậy chúng tôi đang tiến hành đồng bộ nhiều phần việc. Trước mắt, thủy lợi để đáp ứng cho vùng nuôi tôm cũng là một vấn đề nan giải.

Theo kế hoạch, diện tích nuôi tôm của tỉnh thời gian tới sẽ tăng, đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng và thủy lợi. Đối với vùng chuyển đổi, thủy lợi rất quan trọng, không chỉ trong vấn đề phát triển con tôm mà còn để ngăn mặn xâm nhập vùng ngọt hóa.

 

Theo Đ.T.CHÁNH – TRẦN HIẾU (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 124
Tổng truy cập: 36960689